Đó là chia sẻ của TS. Khuất Thu Hồng trong tọa đàm “Trầm cảm sau sinh ở Việt Nam: Chúng ta biết gì? Có thể làm gì?” do Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em – Bộ Y tế, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Liên minh về Công bằng Sức khỏe (PAHE) phối hợp tổ chức ngày 30/8/2017 vừa qua.
Tiến sỹ xã hội học Khuất Thu Hồng -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề cập đến hiện trạng trầm cảm sau sinh, phân tích nguyên nhân và gợi mở những giải pháp. |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 10-20% phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này thường cao hơn nhiều. Một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy cứ 4 phụ nữ thì 1 người có thể bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau khi sinh con.
Nếu không được điều trị kịp thời, trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Theo nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP, phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh có nhiều biểu hiện như: suy nhược thể chất (khó ăn ngủ), có nhiều rối loạn tinh thần hay dễ mâu thuẫn với người thân trong gia đình. Đáng lo ngại hơn, điều này có thể dẫn đến những suy nghĩ và hành vi nguy hiểm ở người mẹ như tự tử hoặc gây tổn hại cho đứa trẻ của mình.
Theo một khảo sát của bệnh viện Từ Dũ TP.HCM năm 2002, 41% phụ nữ sau sinh từng có ý định tự tử.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng vụ Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em nhấn mạnh trầm cảm sau sinh là vấn đề ngày càng đáng báo động, cần sự chung tay của gia đình, xã hội và các đơn vị liên quan. |
Kết quả nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho thấy, có nhiều nguyên nhân tác động đến trầm cảm sau sinh. Có thể kể đến một số yếu tố như khó khăn phi kinh tế (áp lực khi sống cùng gia đình chồng, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, áp lực sinh con trai...), những nỗi lo xuất hiện trong thai kỳ chưa được giải tỏa hay bị bạo lực gia đình sau khi sinh.
Th.S. Trần Thu Hà (RTCCD) chia sẻ có nhiều nguyên nhân tác động đến trầm cảm sau sinh. |
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng: định kiến xã hội với phụ nữ là một nguyên nhân chính dẫn đến áp lực cho họ. Những quan niệm như “giỏi việc nước, đảm việc nhà” khiến phụ nữ thêm phần áp lực... Khi đã mắc trầm cảm, do sợ gia đình và người xung quanh không hiểu, nhiều phụ nữ đã im lặng và âm thầm chịu đựng, tự mình đối diện với những khó khăn.
Th.S Phạm Kiều Linh (CCIHP) thuyết trình kết quả nghiên cứu về trầm cảm sau sinh. |
Một số phụ nữ cho biết do sợ bị cho là làm nũng, lấy lý do mệt mỏi để lười biếng hay sợ bị đem ra so sánh với người khác nên không dám chia sẻ với chồng hoặc gia đình. Ngoài ra, do trầm cảm thường bị đánh đồng với bệnh lý thần kinh nên nhiều phụ nữ còn e ngại, không dám đi điều trị. Bởi vậy, đa số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường có cảm giác cô đơn, không biết làm cách nào để giải quyết tình trạng này.
Các chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y cho rằng không khó để điều trị trầm cảm nếu được phát hiện sớm. Nếu tự nhận thấy những triệu chứng trầm cảm như lo âu, mất ngủ, kém ăn và hay nghĩ ngợi..., phụ nữ nên sớm đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ. Ngoài ra, gia đình và xã hội cũng cần nâng cao nhận thức về vấn đề này để có thể hỗ trợ người phụ nữ nhiều hơn.
Dưới đây là trích dẫn một số câu trả lời phỏng vấn CCIHP ghi nhận trong Dự án "Khảo sát hiện trạng phòng ngừa và ứng phó với trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Ai? Đang làm gì?"
Thực tế cũng cho thấy, việc đào tạo chuyên môn đối với các bác sỹ không thuộc chuyên ngành tâm thần về trầm cảm sau sinh vẫn chưa được chú trọng. |
Ảnh: CCIHP
Trầm cảm sau sinh ở Việt Nam: Chúng ta biết gì và có thể làm gì? | |
Đây là những câu nói khiến các mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh | |
Chứng sát hại con đẻ do trầm cảm sau sinh |