Tranh cãi nón Huế 'cắm sừng' hay là 'vương miện'?

Festival nghề truyền thống Huế 2019 gây tranh cãi gay gắt với ý tưởng gắn chữ “HUE” lên nón lá bài thơ của nhà thiết kế Minh Hạnh. Cái nhìn khắt khe hay đó thực sự là sự sáng tạo?

Cụ thể, trong sự kiện lễ tế tổ bách nghệ - lễ rước tôn vinh nghề thuộc khuôn khổ “Festival nghề truyền thống Huế 2019” thiếu nữ trong tà áo dài tím đội chiếc nón có gắn chữ “HUE”. Những hình ảnh đó đã gây ra hai luồng ý kiến tranh cãi gay gắt nhiều ngày qua khi công chúng bảo trông như cái sừng, NTK nói là vương miện.

Tranh cãi nón Huế cắm sừng hay là vương miện? - Ảnh 1.

Tranh cãi nón Huế cắm sừng hay là vương miện? - Ảnh 2.

Hình ảnh áo dài Huế và nón bài thơ gắn "HUE" được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi

Ngay khi hình ảnh này được chia sẻ trên mạng xã hội tạo làn sóng dư luận phản đối dữ dội vì hình ảnh đó rất thô, gây phản cảm: “không phải cứ mặc áo dài tím với đội nón lá là tất cả mọi người đều biết đến Huế”. Luồng ý kiến này cho rằng hình ảnh đó giống “cắm sừng” xứ Huế.

“Nghệ thuật là có cả bầu trời sáng tạo nhưng thực sự màn sáng tạo chữ Huế này nhìn rất phản cảm. Áo dài tím Huế là Huế rồi còn phải cắm sừng lên làm chi nữa? Chiếc nón đó cảm giác 1 khối giấy cứng ngắc, nặng trịch đè lên đầu áo dài Huế vốn nhẹ nhàng, thướt tha, mềm mại. Lại còn lấp lánh công nghệ Led. Hình ảnh đó không ăn nhập với sự dịu dàng, duyên dáng của tà áo dài và cô gái Huế” - một khán giả bình luận.

Ngay như nhà thơ Phan Huyền Thư cũng bình luận trên facebook một cách hài ước rằng: “Nhớ làng Macondo trong “Trăm năm cô đơn” của G.Marquez. Họ bị chứng mất trí nhớ nên phải viết chữ “con bò” vào “con bò” cho đỡ quên”.

Tranh cãi nón Huế cắm sừng hay là vương miện? - Ảnh 3.

NTK Minh Hạnh lên tiếng cho rằng đừng khắt khe mà hãy coi đó như vương miện.

Ngược lại với công chúng, theo NTK Minh Hạnh, đây là công nghệ đèn led được sử dụng rất phổ biến trong nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể ở đây chữ "HUE" trên nón được làm bằng chất liệu format, màu tím, xung quanh trang trí đèn led và được gắn lên trên chiếc nón; quanh vành nón lớn nhất cũng được trang trí bằng công nghệ này.

“Không hiểu vì sao nhiều người nhìn ra đó là cái sừng, chuyện này hơi lạ. Cái gì mới cũng cảm thấy lạ, tạo hình làm sao là cái sừng được... Tại sao họ không hiểu đó là một vương miện cho Huế? Người ta nói vậy thì xúc phạm luôn Huế rồi và tự làm cho Huế thấp kém đi. Nhưng người ta nghĩ thế thì mình cũng phải lắng nghe" - NTK Minh Hạnh phát biểu với báo chí.

Một khán giả bày tỏ sự cảm thông: “Sự đa dạng văn hóa, những ý tưởng, những cách nhìn đã bị những người cho mình là người yêu Huế đến cùng cực vùi dập cuộc trình diễn này không thương tiếc. Ta cứ xem đó là một cuộc trình diễn phá cách, chuộng sự đổi mới để Huế hôm nay kế thừa và phát triển Huế từ muôn năm cũ. Chính sự phá cách ăn mặc từ thời Lê Trịnh mà Chúa Nguyễn đã tạo ra một chiếc áo dài mang hình hài như ngày hôm nay. Vấn đề thời trang chúng ta không nên quan trọng hóa và gắn những lời lẽ đao to búa lớn cho NTK Minh Hạnh. Người làm nghệ thuật cần có cái nhìn cảm thông từ công chúng”.

Tranh cãi nón Huế cắm sừng hay là vương miện? - Ảnh 4.

Ngoài ra, bên cạnh hai luồng ý kiến cũng xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng cần góp ý và đưa giải pháp cho ý tưởng lần này của nhà thiết kế Minh Hạnh.

“Tôi thì nghĩ là sáng tạo đôi khi cũng có những khoảng thời gian bị “bí”. Từ năm 1992 tới giờ, Festival Huế và Festival các làng nghề Huế được tổ chức liên tục xen kẽ lẫn nhau hàng năm. Có năm đẹp lộng lẫy, có năm bình thường, có năm “dở quẻ”. Đặc biệt khi là nghệ sĩ, việc giữ vững phong độ liên tục trong một quãng thời gian dài là chuyện hơi bị khó. Vậy nên thông cảm và đưa ra giải pháp, hoặc gợi ý mở cho nhau là điều sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Chứ chê thì dễ quá”.

Tranh cãi nón Huế cắm sừng hay là vương miện? - Ảnh 5.

Hình ảnh được "chế" lan rộng trên mạng xã hội

Trước những ý kiến trái chiều, bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Huế, Phó Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019, cũng cho rằng việc NTK Minh Hạnh thiết kế chữ HUE trên nón lá là hợp lý. Ý đồ của đạo diễn là chữ Huế như là vương miện để làm Huế rực rỡ, lung linh trong ngày hội. Chữ Huế được thiết kế rõ ràng chứ không phải trừu tượng nên những ai nghĩ đó là cái sừng thì người đó đã làm "tổn thương" chữ Huế.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival nghề truyền thống 2019 cho biết, các thành viên trong Ban tổ chức đều chung một ý kiến cho rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân của một vài thông tin trên mạng xã hội, không phải một nguồn chính thống nên không đưa ra ý kiến đánh giá thêm.


chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.