Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi nghị định 86/2014, trong đó có điều khoản quy định taxi công nghệ sẽ phải lắp phù hiệu “xe taxi”, gắn hộp đèn có dòng chữ “Taxi điện tử” cố định trên nóc xe.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu dự thảo nghị định được thông qua thì taxi công nghệ như Grab, Vato… sẽ phải có phù hiệu, mào gắn chữ “TAXI ĐIỆN TỬ”. |
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Dự thảo sửa đổi lần này nói rõ khái niệm vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, các taxi công nghệ được định danh là loại hình kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, các điều khoản quy định rõ taxi công nghệ cũng phải gắn phù hiệu “xe taxi” trên kính xe như taxi truyền thống; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định, và phải có thêm hộp đèn (mào) chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” gắn cố định trên nóc xe.
Phần mềm kết nối để giao dịch với khách hàng đảm bảo cung cấp các nội dung tối thiểu gồm: Thông tin doanh nghiệp kinh doanh, lái xe, xe, lộ trình, cự ly di chuyển, giá cước…
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu dự thảo nghị định được thông qua thì taxi công nghệ như Grab, Vato… sẽ phải có phù hiệu, mào gắn chữ “TAXI ĐIỆN TỬ”.
Hiện dự thảo Nghị định đã gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, việc quy định taxi công nghệ “gắn mào” là không hợp lý. Họ cho rằng qui định như vậy là thừa, chỉ mang tính hình thức, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp,…
Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng ban kiểm soát Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, dự thảo Nghị định quy định việc quản lý taxi công nghệ là việc làm cần thiết. Việc quy định taxi công nghệ phải gắn phù hiệu, mào mác sẽ giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng quản lý.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Quân cũng cho biết thêm, kinh doanh vận tải điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn và sự hài lòng cho khách hàng. Trong khi lái xe taxi truyền thống được đào tạo tập huấn. Ngoài bằng lái xe B2, lái xe taxi cần có nhiều kỹ năng mềm như: Về đường phố, giới thiệu du lịch, phòng chống cướp giật, đảm an toàn cho hành khách…
Có những đơn vị còn đào tạo lái xe hỗ trợ người khuyết tật. Điều này, đối với các ứng dụng đặt taxi qua điện thoại di động mặc dù có lượng tài xế lớn nhưng không được đào tạo bài bản và quản lý chặt chẽ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, taxi truyền thống phải có mũ, có mố đèn, có logo, thậm chí là màu sơn thì taxi công nghệ cũng phải thực hiện quy định đó và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Thậm chí là màu sơn, logo phù hợp đối với doanh nghiệp vận tải hay hợp tác xã taxi đưa phần mềm vào còn phải đăng ký bản quyền với cơ quan bảo vệ quyền tác giả. Xoay quanh việc gắn mào cho taxi công nghệ, có ý kiến cho rằng không cần thiết bởi làm tăng chi phí xã hội.
Ông Thanh cho hay: “Tại sao lại không hỏi câu hỏi đó với taxi truyền thống, tại sao taxi truyền thống có rất nhiều các điều kiện ràng buộc không thấy ai đặt câu hỏi chi phí tăng cao?".
Uber, Grab ra đời và phát triển ở nước ta đã phát sinh nhiều tranh cãi về hoạt động của loại hình taxi công nghệ này. Năm 2014, Uber, Grab tuyên truyền rất mạnh mẽ để thuyết phục các nhà chức trách nước ta cho vào là kinh tế chia sẻ. Cụ thể là những ứng dụng đi chung tận dụng xe nhàn rỗi, chứ không phải bỏ tiền ra mua ô tô chạy, hạn chế xe cá nhân ở các đô thị lớn; có lợi cả đôi bên: người có xe nhàn rỗi kiếm thêm tiền, người tiêu dùng có thêm lựa chọn giá rẻ.
Tuy nhiên, theo như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: “Khi áp dụng vào Việt Nam nó trở thành kinh doanh xe taxi hẳn hoi, không phải kinh tế chia sẻ gì cả. Mô hình chia sẻ xe biến thành hình thức “taxi không mào” tự bao giờ không hay”.
Theo ước lượng của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có đến 90% xe Uber, Grab tại nước ta là mua mới chứ không phải nhàn rỗi. Số lượng xe chạy dịch vụ này tăng tới mức chóng mặt, có thời điểm cả nước lên tới 50.000 xe.
Nhiều người kỳ vọng có thu nhập cao từ hình thức kinh doanh này đầu tư tiền, thậm chí cầm cố tài sản để mua xe, và đổ xô vào thành phố kiếm tiền. Và việc tăng ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. Việc không gắn “mào” được loại hình vận tải đã gây ra nhiều lúng túng trong quản lý, từ việc kiểm soát số lượng xe cũng như lái xe, xử phạt, thu thuế, hay quy hoạch...
Đơn cử như hồi tháng 11/2018 vừa qua, Hà Nội có quy định cấm xe taxi truyền thống và Uber, Grab lưu thông trên 11 tuyến phố gây ùn tắc vào giờ cao điểm, nhưng vì khó xử phạt được taxi công nghệ vì không nhận diện được.
Điều đó tạo ra mâu thuẫn lợi ích giữa xe taxi truyền thống và xe công nghệ. Bởi bản chất hai loại hình này là như nhau, đều là kinh doanh dịch vụ vận tải, chỉ khác nhau về hình thức điều phối xe cũng như gọi xe, cách tính tiền.
Nhưng taxi truyền thống phải chịu sự theo dõi, quản lý ngặt nghèo của các đơn vị chức năng, còn taxi công nghệ mặc sức tung hoành trên thị trường. Ngoài ra, các hãng taxi truyền thống mất nhiều chi phí cho việc đào tạo lái xe, trang bị cơ sở vật chất hay xây dựng thương hiệu nên khó cạnh tranh về giá với taxi công nghệ. Dẫn đến nhiều hãng taxi truyền thống chịu thiệt hại do khách hàng lựa chọn xe taxi công nghệ giá rẻ. Điển hình Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) chịu thiệt hại lên tới 40.000 tỷ từ việc cạnh tranh không lành mạnh của Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại vận tải hành khách là dịch vụ cần đảm bảo an toàn, việc “thả nổi” taxi công nghệ khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của doanh nghiệp dùng ứng dụng gọi xe với hành khách như thế nào?
Khi xảy ra cướp giật, hay quên đồ trên xe truy cứu trách nhiệm đến ai? Vì thế, quy định gắn “mào” được số đông dư luận đánh giá là thay đổi đáng chờ đợi nhất của Bộ GTVT nhằm tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống./.
'Cuộc chiến taxi': Bộ GTVT 'thừa nhận' quản lý chưa theo kịp thực tế
Liên quan đến việc thí điểm "taxi công nghệ", Bộ GTVT cũng "thừa nhận" rằng trình độ quản lý chưa theo kịp thực tế. |