Tranh luận về việc cô giáo tát trẻ vì viết bằng tay trái

"Hãy để trẻ tự phát triển" hay "Cần bắt ép trẻ viết theo tay phải" là những tranh luận của bậc làm cha mẹ về câu chuyện con viết bằng tay trái.

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện chị N.N.D. viết một năm trước về việc cháu chị bị cô giáo đánh và tát vì viết bằng tay trái.

Nên để trẻ tự do hay cần uốn nắn?

"Bé nói con viết bằng tay phải mỏi quá nên chuyển qua tay trái thì bị cô đánh. Sau đó, cô còn viết ghi chú và gửi cho cha mẹ bé. Chuyện gì đang xảy ra với cháu tôi và những đứa trẻ khác?", chị D. đặt câu hỏi.

Từ câu chuyện này, chủ đề con viết bằng tay trái khi mới vào lớp 1 được tranh luận trên các diễn đàn. Nhiều phụ huynh cho hay do lớp quá đông, không có thời gian luyện chữ cho từng em nên giáo viên chủ nhiệm đã bắt tất cả trẻ viết bằng tay phải.

Một số ý kiến cho rằng dạy trẻ mầm non là cách dạy sáng tạo tư duy, không phải để nắn nót chữ viết sao cho đẹp.

tranh luan ve viec co giao tat tre vi viet bang tay trai

Cô giáo gửi ghi chú về cho cha mẹ về tình hình con viết chữ bằng tay trái. Ảnh: N.N.D.

Tài khoản Jenny Nguyễn chia sẻ câu chuyện trẻ em ở Mỹ không cần luyện chữ viết đẹp, mà quan tâm đến nội dung trẻ viết ra. Khi đi học trẻ, chỉ cần có bút chì và cục gôm.

Thành viên này cho hay con của chị khi đến trường sẽ vẽ vào chỗ trống của quyển vở khi thừa thời gian để minh họa. Thầy cô thậm chí không cấm, mà còn chấm điểm luôn các hình vẽ đó, đồng thời nói với con lần sau nên vẽ vào một tờ giấy khác để có nhiều chỗ trống hơn. Đó mới thực sự là môi trường giáo dục tự do và tôn trọng tư tưởng cá thể đặc biệt của mỗi người.

Luồng ý kiến khác lại nêu quan điểm giáo viên bắt trẻ viết bằng tay phải là đúng. Ngành giáo dục cần đặt ra những quy chuẩn cầm bút và viết chữ sao cho đẹp.

Tuy nhiên, sự bắt ép này lại gây ra các hệ lụy. Chị Nguyễn Thu Trang kể con của chị đã bị đánh vào tay ở lớp mẫu giáo vì không vẽ tay phải, dù trong bản khai nêu đặc điểm của con mẹ đã cẩn thận viết con thuận tay trái. Kết quả là con sợ đi học và không vẽ nữa.

Còn anh Như Vương cũng chia sẻ câu chuyện ngày học mẫu giáo đã bị cha đánh gãy đôi cây bút chì anh đang cầm, khi nghe cô giáo báo rèn viết bằng tay phải nhưng không được.

Chị Nguyễn Khánh - một giáo viên dạy lớp 1 - cho hay chị vẫn thường xuyên gặp học sinh viết tay trái. Cách xử lý là cho học sinh, phụ huynh lựa chọn cách viết. Nếu con viết bằng tay trái, cô giáo sẽ có khuyến cáo về chữ viết xấu, vở bẩn. Qua thời gian, khi phụ huynh đồng ý, nhà trường và gia đình sẽ hướng dẫn con viết tay phải, còn mọi sinh hoạt sẽ làm bằng tay trái.

Theo chị Khánh, nhiều người chỉ trích giáo viên khi cho rằng họ ép trẻ. Tuy nhiên, tâm lý của phụ huynh mong muốn con được viết tay trái nhưng thường thái độ không hài lòng với giáo viên khi con viết chữ xấu.

Biện pháp cưỡng chế sẽ gây tiêu cực

Theo bà Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, theo quan sát cá nhân, số trẻ em thuận tay trái khá lớn, chiếm 30%. Thực tế, hiện tại chưa có chương trình học tập cho người viết bằng tay trái nên nhiều giáo viên cũng không biết phải dạy học sinh như thế nào.

TS Vũ Thu Hương cho hay thuận tay phải hay tay trái đều do tự nhiên của mỗi người. Có nhiều người làm mọi việc bằng tay trái rất thuận, thành thạo nhưng khi viết nên luyện bằng tay phải.

"Chúng ta không nên ép mà hãy khuyến khích con viết bằng tay phải để không gây khó khăn khi con ngồi cùng các bạn. Cha mẹ động viên con khi viết 10 dòng thì nên 8 dòng bằng tay phải, 2 dòng tay trái", bà Hương nói.

TS Vũ Thu Hương lý giải khi viết tay trái, chữ của trẻ sẽ bị nhòe và bị xóa mất vì tay đè lên. Trẻ cũng dễ dàng chọc bút vào bạn ngồi cạnh vì đa số các bạn đều viết bằng tay phải. Phụ huynh nên nhờ cô giáo chuyển chỗ cho con ngồi đầu bàn bên trái để không làm phiền các bạn xung quanh. Đồng thời, khi tập luyện cha mẹ nên khen ngợi thật nhiều để con hào hứng luyện cả hai tay.

TS Vũ Thu Hương cho rằng bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào ép trẻ viết bằng tay phải đều không tốt. Trẻ rất dễ phản ứng tiêu cực. Trẻ rất dễ bị thuyết phục nên cần phương pháp động viên, khích lệ.

Người lớn cần tôn trọng trẻ để các em có sự phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý. Đồng thời, cha mẹ cần tìm đến sự hỗ trợ, thấu hiểu của giáo viên để trẻ không bị ảnh hưởng khi bước vào năm học mới.

Cho con thời gian

Bàn luận về vấn đề này, chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam - cho hay con trai chị thuận tay trái, đến nỗi bê vật nặng cũng dùng tay trái.

Trước tình hình đó, khi chuẩn bị cho Nam vào lớp 1, chị Điệp có viết cho cô giáo bức thư với nội dung "thống thiết" rằng: "Thưa cô, cháu thuận tay trái. Nhưng gia đình mong con vẫn được giữ tay thuận. Nếu con chưa quen viết tay phải, mong cô cho con thời gian để con từ từ luyện tập".

Chị Điệp kể cô giáo của Nam rất tâm lý, vui vẻ đón nhận "một cậu bé tay trái". Chị Điệp mong muốn việc chia sẻ với giáo viên để cả hai cùng có thời gian thích nghi, làm quen. Việc rèn cho con hoạt động mỗi ngày bằng cả hai tay càng nhiều càng tốt vì đồ vật đều được thiết kế, chế tạo để phù hợp với người thuận tay phải.

tranh luan ve viec co giao tat tre vi viet bang tay trai

Chị Phan Hồ Điệp và thần đồng Đỗ Nhật Nam. Ảnh: NVCC.

Theo kinh nghiệm của chị Phan Hồ Điệp, trước khi đi học, chị sẽ cùng con chơi những trò chơi con chỉ được dùng tay phải, còn mẹ dùng tay trái. Đó là các trò chơi: Bắt hay ném bóng, vẽ những hình dạng có hình tròn, di tay trên đường zíc zắc, đánh răng, cầm chổi quét nhà, viết chữ cái, nhặt rau, làm bánh, viết chữ gương. Cùng với đó là những trò chơi có thể sử dụng hai tay như nhau như tung hứng.

Ngoài ra, chị Điệp thường xuyên hướng dẫn con cầm bút bằng tay phải, bởi thông thường khi các bạn thuận tay trái khi cầm sang tay phải thường nắm rất chặt. Chị nói với con: "Con thở ra, từ từ buông lỏng bút, giữ bút có thể viết được mà không bị rơi".

Chị dạy con cách để giấy chếch khoảng 30 độ, chứ không giữ thẳng sẽ khó sử dụng tay phải.

Qua quá trình luyện tập liên tục, Đỗ Nhật Nam có thể viết được bằng cả hai tay.

Mẹ thần đồng chia sẻ chị biết ơn cô giáo dạy Nam ngày lớp 1, vì chính cô đã sử dụng nguyên tắc "Hãy để thời gian có thì giờ" mà không ép uổng.

"Người thầy cô tốt nhất là người chấp nhận những điều không hoàn hảo của trẻ, đồng hành để cho trẻ tốt hơn chính nó ngày hôm qua, ngày hôm kia bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn và hiểu biết", chị Phan Hồ Điệp nói.

tranh luan ve viec co giao tat tre vi viet bang tay trai Có nên ép trẻ thuận tay trái chuyển sang viết tay phải?

Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều bố mẹ có con thuận tay trái lo lắng băn khoăn có nên ép con đang thuận tay ...

tranh luan ve viec co giao tat tre vi viet bang tay trai Sự thú vị của những người thuận tay trái

Theo một thống kê, nam giới thuận tay trái, có thu nhập cao hơn khoảng 26% so với những người thuận tay phải.

tranh luan ve viec co giao tat tre vi viet bang tay trai Giáo viên tất tả với công việc 'tay trái'

Nếu không có chỗ nguồn “viện trợ” từ gia đình, nhiều giáo viên phải xoay sở thêm đủ nghề tay trái để trang trải cho ...

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.