Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường Tố Hữu qua Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là tuyến đường huyết mạch kết nối quận Hà Đông với Vành đai 3 và các quận trung tâm Hà Nội.
Vài năm trở lại đây, tuyến đường Tố Hữu phải gánh lượng lớn phương tiện từ các khu đô thị như An Hưng, Văn Khê, La Khê, Dương Nội... khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cuối năm 2016, tuyến buýt nhanh BRT chính thức đi vào hoạt động khiến các phương tiện phải nhường ra một làn đường càng khiến ùn tắc gia tăng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Bảo (sống ở chung cư Xuân Mai Complex, đường Nguyễn Văn Trác) cho biết trước năm 2016, đường Tố Hữu khá thoáng, thông thường chỉ ùn tắc nhẹ.
"Tuy nhiên, sau năm 2016, đặc biệt từ 2018 trở đi, đường Tố Hữu đoạn qua phường Trung Văn thường xuyên tắc dài vào giờ cao điểm sáng.
Mỗi sáng, tôi mất khá nhiều thời gian để di chuyển trên đường Tố Hữu đoạn từ Mỗ Lao", anh Bảo nói.
Theo anh Hoàng Mai Huy (Dương Nội), ùn tắc trên đường Tố Hữu do dọc tuyến đường có nhiều chung cư, khu đô thị khiến lượng phương tiện ngày một tăng nhanh.
"Bên cạnh đó, từ khi đóng nút giao Trung Văn - Tố Hữu, các phương tiện muốn rẽ trái vào Đại Linh phải di chuyển khá xa để quay đầu.
Khi các phương tiện quay đầu sẽ khiến buýt nhanh và các phương tiện khác bị ùn ứ. Điều này dẫn đến hệ quả dây chuyền là cả đoạn đường bị ứ lại", anh Huy nói.
Năm 2017, UBND TP Hà Nội có trả lời cử tri về tình trạng ùn tắc tại nút giao Trung Văn - Tố Hữu.
Cụ thể, cử tri đề nghị TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, qui hoạch lại hệ thống giao thông khu vực ngã tư đường Tố Hữu và đường Trung Văn, điểm quay đầu hai phía bố trí xa khu vực ngã tư dẫn đến các phương tiện lưu thông không thuận tiện, dễ gây ùn tắc trong giờ cao điểm, để đảm bảo thuận lợi trong giao thông.
Trả lời cử tri, Hà Nội thừa nhận tuyến đường Tố Hữu và đường Trung Văn là 2 tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn.
Trước đây, nút Tố Hữu - Trung Văn được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu giao thông.
"Tuy nhiên, mặt cắt đường Trung Văn nhỏ hẹp đang được tổ chức giao thông 2 chiều khi các phương tiện dừng chờ đèn lấn hết sang chiều đường còn lại gây khó khăn cho các phương tiện rẽ từ Tố Hữu vào Trung Văn có những thời điểm xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ tại khu vực nút", Hà Nội cho biết.
Do đó, Công an TP đã phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp góp phần cải thiện tình hình giao thông tại nút như:
Bố trí lực lượng phân luồng hướng dẫn giao thông tại nút. Xén hè mở rộng các góc ngã 4 nút giao Trung Văn - Tố Hữu kết hợp duy tu lại mặt đường đảm bảo êm thuận; xén hè tạo làn rẽ phải cho các phương tiện rẽ phải không phụ thuộc vào đèn tín hiệu giao thông từ Trung Văn ra Tố Hữu. Điều chỉnh lại chu kì đèn phù hợp với lưu lượng giao thông từ các hướng theo thời gian.
Tuy nhiên, năm 2017, từ khi tuyến BRT hoạt động, tình hình giao thông tại nút Tố Hữu - Trung Văn lại có diễn biến phức tạp, nguyên nhân chính do:
Lưu lượng trên 2 tuyến Trung Văn - Tố Hữu rất lớn, mặt đường Tố Hữu lại phải dành 1 làn dành riêng cho xe BRT hoạt động (3,2m) nên khi các phương tiện dừng chờ đèn kéo dài trên tuyến gây ùn cục bộ.
Ý thức một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao khi dừng chờ đèn đỗ cả vào làn dành riêng cho xe buýt nhanh gây cản trở giao thông, khó khăn cho lực lượng hướng dẫn giao thông.
Để đảm bảo giao thông, Liên ngành Công an TP - Sở GTVT đã triển khai một số biện pháp tổ chức lại giao thông như sau:
Đóng điểm mở dải phân cách giữa trên đường Tố Hữu tại nút Tố Hữu-Trung Văn nhằm hạn chế xung đột tại nút.
Các phương tiện từ Trung Văn rẽ phải ra đường Tố Hữu và quay đầu tại Cầu Mỗ Lao và điểm mở phía sau nhà chờ Trung Văn (hướng Hà Đông - Hà Nội).
Mở rộng điểm mở quay đầu trên đường Tố Hữu phía sau nhà chờ Trung Văn (hướng Hà Đông - Hà Nội) tạo thuận lợi cho các phương tiện quay đầu đi về phía Hà Đông.
Tuy nhiên, sau các giải pháp của Hà Nội từ năm 2017, đến nay, tình trạng ùn tắc đường Tố Hữu qua Trung Văn vẫn trầm trọng.
Cách đây không lâu, khi ghi nhận ùn tắc tại nút giao Trung Văn - Tố Hữu, một tài xế BRT có trao đổi với chúng tôi rằng nên khôi phục nút giao này như trước. Tức là duy trì đèn tín hiệu giao thông thay vì đóng hẳn nút giao.
Theo tài xế trên, điều này sẽ khiến phương tiện di chuyển về Trung Văn để qua cầu vượt Mễ Trì nhanh hơn. Khi đóng nút giao để ưu tiên BRT, các phương tiện không phải chờ đèn đỏ nhưng mất rất nhiều thời gian quay đầu.
"Tôi cho rằng nên khôi phục đèn tín hiệu ở nút giao Trung Văn. Có đèn tín hiệu, các phương tiện có thể tốn vài phút của vài lượt đèn thay vì cả chục phút để quay đầu khiến hàng dài phương tiện đi thẳng bị ùn lại", anh Chu Văn Thắng (Hà Đông) chia sẻ.
Anh Phạm Tất Thắng (Mỗ Lao, Hà Đông) cũng cho biết trước đây khi có đèn tín hiệu tình trạng ùn tắc có nhưng khi các phương tiện tuân thủ tín hiệu thì giao thông chậm chứ không tắc dài.
"Hiện tại, khi qua đây vào giờ cao điểm và đặc biệt là đi bằng ô tô thì chỉ còn cách "bò" từng bước theo dòng phương tiện đến khi nào qua điểm quay đầu mới thoát", anh Thắng nói.
Theo tìm hiểu, nút giao Trung Văn - Tố Hữu là điểm nóng về tai nạn, ùn tắc giao thông, việc đóng nút giao này cũng nhằm mục đích ưu tiên cho xe buýt nhanh di chuyển. Tuy nhiên, từ khi đóng nút giao, nhiều độc giả cho biết đường Tố Hữu ùn tắc hơn.
Điều này cũng dẫn đến tình trạng năm 2018, "phố dắt bộ" xuất hiện khi người dân đi từ Mỗ Lao về Lê Văn Lương có nhu cầu rẽ trái ở nút giao để vào Trung Văn rất nhiều.
Theo qui hoạch, trong tương lai, khu vực Trung Văn có một số tuyến đường dự kiến sẽ mở. Cụ thể là đường ven sông Nhuệ (nối dài đường Thanh Bình qua Tố Hữu) đi về Đại Linh.
Bên cạnh đó, qua nút giao Trung Văn - Tố Hữu cũng có đường nối Trung Văn cắt qua Tố Hữu và nối với Cương Kiên. Điều này có thể sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông khu vực này.
Video ùn tắc nút giao Tố Hữu - Trung Văn vì phương tiện quay đầu.