Buýt nhanh BRT bị đã qua 2 năm hoạt động. (Ảnh: Di Linh).
UBND TP Hà Nội vừa có trả lời kiến nghị cử tri sau kì họp thứ 9 HĐND TP khóa XV về đề nghị xem xét, đánh giá hiệu quả thực hiện dự án xe buýt nhanh BRT.
Cụ thể, Hà Nội cho biết, sau 2 năm vận hành, loại hình buýt nhanh BRT đã mang lại những hiệu quả nhất định, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, sản lượng hành khách ngày càng tăng trưởng.
Tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% (312.061 lượt HK) so với năm 2017; sản lượng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,68 triệu lượt, tăng 1,1% (29.819 lượt HK) so với thực hiện cùng kì 2018.
Khách bình quân/ lượt năm 2018 đạt 42,6 HK/lượt tăng 6,2% so với thực hiện cùng kì 2017; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 43,4 HK/lượt tăng 0,2% so với thực hiện cùng kì 2018, khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 70 HK/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển từ 95-110 HK/lượt.
UBND TP Hà Nội cũng cho biết sản lượng hành khách đi vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT cao nhất toàn mạng; bình quân đạt 2,2 nghìn hành khách/tháng (chiếm 7,6% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng).
Doanh thu năm 2018 đạt 27,5 tỉ đồng (đứng thứ 2 toàn mạng); doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 12,6 tỉ đồng (đứng thứ 1 toàn mạng) và cao gấp gần 3 lần doanh thu trung bình của toàn mạng.
Tỉ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 chỉ là 26,6%, thấp thứ hai toàn mạng; 6 tháng đầu năm 2019 cũng chỉ là 31,1%, thấp thứ nhất toàn mạng.
Nhóm hành khách của BRT là cán bộ công chức - viên chức (chiếm 43%) và nhân viên văn phòng (chiếm 36%), tiếp đến là nhóm hành khách khác, cuối cùng thấp nhất là tỉ lệ nhóm học sinh - sinh viên tỉ lệ lần lượt là 20% và 29%. (Ảnh: Di Linh).
Theo UBND TP Hà Nội, buýt nhanh BRT có một số ưu điểm khác biệt so với xe buýt thông thường.
Cụ thể, có làn đường dành riêng, xe BRT chạy được thông thoát, êm thuận, tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/h (nhanh hơn buýt thường khoảng 30%); thời gian chạy xe trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường), thời gian chạy xe ổn định, tỉ lệ đúng giờ cao tạo độ tin cậy cao cho hành khách sử dụng dịch vụ.
Nhà chờ được thiết kế với không gian riêng, hiện đại, tiện nghi và rất an toàn cho hành khách tiếp cận để đi xe buýt và tổ chức giao thông dọc tuyến.
Phương tiện hiện đại, tiện nghi, sàn phẳng, sức chứa lớn; số tự động; khoang rộng tiện nghi cho hành khách, hệ thống tiếp cận cửa mở tự động giữa cửa xe và nhà chờ.
Sàn xe và sàn nhà chờ đồng mức, giúp hành khách lên xuống xe an toàn, thuận tiện. Bán vé và kiểm soát vé ngay tại nhà chờ giúp hành khách lên xuống xe không phải mua vé trên xe tạo tiện lợi, nhanh chóng.
"Buýt nhanh có sự kết nối ngang và dọc tuyến tạo cho hành khách chuyến tuyến mặc dù hệ thống tạo mạng gom và cấp khách đi - đến các nhà chờ từ các hướng khác nhau trong TP (đến các cơ quan, trường học, khu dân cư đông) còn hạn chế", UBND TP Hà Nội cho hay.
Ngoài ra, theo Hà Nội, tỉ lệ các nhóm hành khách sử dụng tuyển buýt BRT có sự khác biệt so với các tuyến buýt thường.
Nhóm hành khách cán bộ công chức - viên chức (chiếm 43%) và nhân viên văn phòng (chiếm 36%), tiếp đến là nhóm hành khách khác, cuối cùng thấp nhất là tỉ lệ nhóm học sinh - sinh viên tỉ lệ lần lượt là 20% và 29%.
Đối với các tuyển buýt thường, tỉ lệ nhóm học sinh - sinh viên luôn chiếm ở mức cao, khoảng 78%, và tỉ lệ nhóm người đi làm chỉ chiếm 22%.
Người dân lấn làn BRT. (Ảnh: Di Linh).
UBND TP Hà Nôi cho biết, bên cạnh những ưu điểm của chất lượng dịch vụ, việc thiết lập tuyến BRT và không gian dành riêng cho tuyến vận hành cũng tích cực góp phần nâng cao ý thức chung của xã hội.
Đặc biệt, tuyến BRT cải thiện ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông và nhận thức xã hội như đi đúng làn đường qui định, ưu tiên đường dành cho tuyến BRT tại các điểm giao cắt cũng như là việc chiếm làn của các phương tiện khác; nhận thức rõ ràng và đẩy đủ về ưu điểm của vận tải công cộng so với các phương tiện cá nhân.
Ý thức của người tham gia giao thông được cải thiện là tiền đề cho việc tham gia giao thông có trật tự, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận buýt nhanh BRT có nhiều hạn chế như vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân đi phương tiện cá nhân vào làn BRT, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.
Chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT qua các nút giao thông nên mặc dù đã có làn đường riêng nhưng vẫn còn hạn chế trong việc đảm bảo lưu thoát cho BRT khi qua các nút ngã tư.
Khả năng tiếp cận cho hành khách còn hạn chế, chỉ có 10/21 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường. Khoảng cách từ vỉa hè qua cầu đi bộ đến nhà chờ còn xa, không có hệ thống vạch và đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường.
Các nhà chờ BRT chưa được thiết kế bố trí nhà vệ sinh cho hành khách chờ xe; nhà chờ có thiết kế cầu đi bộ thì xe lăn người khuyết tật khó tiếp cận được nhà chờ; Chưa có điểm gửi xe cá nhân cho hành khách tại các khu vực lân cận nhà chờ BRT.
Trung tâm Quản lí và điều hành giao thông đô thị cho biết, theo số liệu trích xuất camera đặt trên đường Quang Trung, bình quân 1 giờ có 308 phương tiện chạy vào làn BRT.
Theo Tramoc, lượng xe máy lấn làn BRT chiếm 85,4%, ô tô con chiếm 10,4%, xe tải chiếm 2,2% và các phương tiện khác là 0,4%.
Trong khi đó, trên đường Tố Hữu, bình quân 1 giờ có 707 phương tiện chạy vào làn BRT.
Xe máy chiếm 86,2%, ô tô con chiếm 11,6%, xe tải chiếm 0,8% và phương tiện khác là 0,5%.