Kết nối xe buýt với đường sắt đô thị

Chuẩn bị cho tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội đã đưa ra phương án điều chỉnh hàng chục tuyến buýt. Các tuyến buýt được điều chỉnh sẽ hoạt động theo hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị và có các điểm dừng đỗ hoặc điểm đầu - cuối tại ga đường sắt đô thị.
Kết nối xe buýt với đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Các tuyến buýt được điều chỉnh sẽ hoạt động theo hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị.

Tầm nhìn vĩ mô

Để xe buýt hoàn thành các chỉ tiêu về nhu cầu phục vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo, Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt. Cụ thể, để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 20 đến 25% vào năm 2020, trong đó xe buýt đạt từ 17 đến 20%, Thành phố sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như: Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng...

Với xe buýt, Thành phố sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. Trong các tuyến đường được Thành phố lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt gồm có: Nguyễn Trãi - Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông) dài 5km; tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7km; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6km... Với trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông) sẽ được khôi phục lại vì trước đây tuyến đường này đã có 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt ở hai bên.

Song song với kế hoạch trên, Hà Nội cũng rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị...

Với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đi vào hoạt động, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT tại điểm đầu, cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng; nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố nhỏ hẹp; triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng...

Về mạng xe buýt, trong năm nay Thành phố sẽ hoàn thành việc mở mới khoảng 20 tuyến, năm 2020 tiếp tục mở mới từ 20 - 25 tuyến. Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới xe buýt tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, du lịch... Với xe taxi, Thành phố sẽ phát triển số lượng một cách hợp , đảm bảo theo đúng quy hoạch và nhu cầu sử dụng; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe taxi.

Kết nối thuận tiện với các ga đường sắt

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản và điều hành giao thông đô thị cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga sẽ có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để kết nối thuận tiện với các ga đường sắt này, trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến. Trong đó, có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự li các điểm dừng khoảng 400m.

Cũng theo ông Hải, hiện các đơn vị đã thống nhất việc kết nối xe buýt với các ga trên. Cụ thể, ga Cát Linh có quy mô lớn nhất, nằm ở đoạn giao ngã năm Cát Linh - Hào Nam - Giảng Võ - Giang Văn Minh. Nhà ga này được thiết kế nhiều tiện ích phục vụ khách hàng như: Các kiốt và cửa hàng tiện ích, quầy ATM... Từ ga Cát Linh, hành khách có thể kết nối với tuyến metro số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), BRT số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt số 18, 22, 23. Ga La Thành nằm trên cao gần ngã tư La Thành - Hào Nam, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 50, 99, 23, 30. Ga Thái Hà đặt trên phố Hoàng Cầu mới, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 26, 30, 50, 18, 35A, 84. Ga Láng nằm sát bờ sông Tô Lịch, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến buýt số 09B, 16, 24, 27. Ga Thượng Đình ở gần đoạn giao cắt Khương Đình - Nguyễn Trãi, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 02, 19, 01, 27.

Ga vành đai 3 nằm ở hầm chui Thanh Xuân, tại đây có nhiều tuyến xe buýt kết nối là 27, 29, 01, 02, 05, 19, 21B, 21A trên đường Nguyễn Trãi và tuyến số 22C, 29 tại hầm đường bộ Nguyễn Xiển. Ga Phùng Khoang nằm ở đoạn giao giữa phố Nguyễn Trãi và Phùng Khoang, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 39, 27, 02, 19, 01. Ga Văn Quán nằm ở bến xe Hà Đông cũ, có vị trí thuận tiện giúp hành khách kết nối với các tuyến buýt, xe khách tại bến xe Hà Đông. Ga Hà Đông nằm gần Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 89, 01, 02, 27, 33. Ga La Khê gần nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung, từ đây hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 01, 02, 21A, 27. Ga Văn Khê nằm giữa phố Quang Trung và đường Ba La, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 91, 01, 02, 21A, 27. Ga Yên Nghĩa là ga cuối của tuyến, nằm ngay trước bến xe Yên Nghĩa trên đường Quang Trung, Hà Đông, giúp hành khách kết nối với các tuyến xe buýt nội đô cũng như các xe khách liên tỉnh đi Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa...

Theo dự báo, có khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân đi đường sắt đô thị nên với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải khách công cộng tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở) tăng từ 3 - 4 lần so với hiện nay, đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. Trong thời gian đầu, Sở GTVT Hà Nội dự báo khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông , trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.

Cá biệt, lưu lượng xe taxi, grab... hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị khi đó cũng sẽ giảm do người dân sẽ có xu hướng sử dụng xe buýt đến các nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để trung chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị do có chi phí đi lại thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông...

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản và điều hành giao thông đô thị cho biết, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, các tuyến buýt này chiếm khoảng 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt tại Hà Nội. Với tuyến quốc lộ 6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến buýt chạy trùng với đường sắt đô thị nhất, gồm 5 tuyến, như: 01, 02, 21A, 27, 33. “Đây là các tuyến buýt rất quan trọng của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội, các tuyến này có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao” - ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá.

Để hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga, trên dọc hành trình của tuyến đường sắt đô thị số 2A, Trung tâm Quản và điều hành giao thông đô thị cũng lên phương án kết nối các tuyến buýt với đường sắt đô thị. Cụ thể, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga đường sắt đô thị. “Đề xuất tổ chức phân tách khu vực cho xe buýt hoạt động tại các nhà ga để hạn chế tối đa tình trạng các phương tiện khác chiếm dụng, cản trở xe buýt tiếp cận dừng đón trả khách tại các nhà ga”, ông Hải thông tin.

Tại ga Bến xe Yên Nghĩa, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ mở thêm cổng cho người đi bộ kết nối trực tiếp nhà ga với quảng trường dành cho xe buýt của bến xe Yên Nghĩa để giảm thời gian đi bộ của hành khách trung chuyển giữa đường sắt đô thị và xe buýt. Ngoài ra, các tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị được dán thêm ký hiệu chỉ dẫn là tuyến đi đến các ga đường sắt trên cao để nhân dân tiện sử dụng. Với 29 tuyến buýt đang hoạt động trên các tuyến đường chạy cắt ngang tuyến đường sắt đô thị số 2A, Trung tâm Quản và điều hành giao thông đô thị cũng bố trí thêm các điểm dừng, đỗ tại khu vực giao cắt với đường sắt Cát Linh - Hà Đông để hành khách dễ dàng tiếp cận.

Với chiều dài 13km, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 9-2010, sau 6 lần điều chỉnh tiến độ đến nay dự án đã đi vào hoàn thành và chạy thử nghiệm. Việc các cơ quan chức năng của Hà Nội chuẩn bị những phương án kết nối xe buýt được kỳ vọng sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn, qua đó giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần mang lại hiệu quả cho đường sắt đô thị nói riêng cũng như đề án phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.