Ngày 15/11, tại phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP HCM do Thường trực HĐND TP HCM tổ chức, đại diện các HTX, doanh nghiệp vận tải xe buýt nêu ra hàng loạt hạn chế, bất cập của ngành xe buýt khiến lượng khách giảm mạnh, đơn vị vận tải cũng khó khăn vì lỗ.
Kẹt xe khiến xe buýt chạy không đúng biểu đồ giờ qui định.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19/5 cho rằng hiện nay hành trình bình quân chậm hơn biểu đồ giờ quy định là từ 15-20 phút, thậm chí có tuyến chậm hơn 30 phút.
"Xe buýt là phải nhanh, đúng giờ và an toàn nhưng giờ giấc không đảm bảo, khách bỏ xe buýt là điều tất nhiên", ông Triệu nói.
Theo ông, khách giảm khiến doanh thu giảm nhưng tiền nhiên liệu tăng, tài xế vẫn phải trả lương nên tình hình đơn vị vận tải cực kỳ khó khăn.
Do đó, ông đề nghị thành phố nên hỗ trợ các đơn vị vận tải đầu tư xe mới, nhân lực, có làn đường riêng cho xe buýt, đồng thời cải thiện hệ thống trạm dừng, nhà chờ để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cụ thể hơn, bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải Quyết Thắng (đơn vị quản lý 168 xe buýt) cho biết đang phục vụ tuyến sinh viên từ trung tâm ra Thủ Đức với giá vé 3.000 đồng. Trước trung bình mỗi chuyến có 82 khách nhưng 2 năm nay chỉ còn khoảng 60 khách.
Bà Thanh cũng đề cập đến tình hình khó khăn của tuyến 56, đối tượng phục vụ chính là học sinh, thầy cô giáo từ Chợ Lớn về Trường ĐH Giao thông vận tải với quãng đường hơn 23km. Tính từ 12/2018 đến nay, mỗi xe nợ khoảng 300 triệu đồng. Bà cho biết sẽ báo với Trung tâm Quản lí giao thông công cộng TP ngưng hoạt động tuyến này.
"Ngay đến sinh viên nghèo tưởng chừng luôn ủng hộ xe buýt thì nay số lượng cũng giảm. Nhiều khó khăn nên HTXT Quyết Thắng phải giảm cắt chuyến nhưng càng giảm chuyến thì càng mất khách vì hành khách chờ xe buýt lâu.", bà Thanh trăn trở.
Cũng theo bà Thanh, khi có chủ trương phát triển xe buýt phục vụ dân văn phòng, đơn vị cũng kỳ vọng nhưng khi tuyến 35 ra đời thì chạy lòng vòng ở quận 1, quận 2 mà chẳng ai đi.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho biết do ùn tắc giao thông nên xe buýt chạy không đúng giờ. Ngoài ra, xe buýt còn tình trạng trộm cắp, móc túi.
Về việc người dân thành phố không chọn xe buýt, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang chỉ ra nguyên nhân là phương tiện chưa được cải tiến, chất lượng phục vụ chưa cao, có tình trạng trộm cắp, móc túi.
"Cái quan trọng nhất là ùn tắc khiến xe buýt không thể chạy đúng giờ. Tài xế xe buýt cũng gặp áp lực rất lớn, trong khi đãi ngộ lại hạn chế thì phục vụ khách sẽ không được tốt", ông Quang nói.
Theo đại biểu Minh Quang, muốn thu hút khách cho xe buýt thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ và quan trọng là làm thế nào để xe buýt chạy nhanh hơn.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đề nghị nghiên cứu trợ giá xe buýt theo "đầu ra" chứ không phải "đầu vào". Theo đó, căn cứ vào tuyến đường, tùy đối tượng hành khách mà nghiên cứu trợ giá theo quí, tránh lãng phí. Như vậy, các đơn vị cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2019, lượng hành khách sử dụng xe buýt đạt 131 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kì năm 2018, và chỉ đạt 51% kế hoạch năm 2019.
TP HCM cần nhiều giải pháp đồng bộ để tăng lượng khách đi xe buýt.
Theo ông Lâm, việc hành khách đi xe buýt giảm là do kẹt xe. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.00 chuyến chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm ùn tắc giao thông.
Cũng theo ông Lâm, nhiều năm qua, thành phố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động xe buýt còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí bố trí hàng năm cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là công tác duy tu, vị trí bố trí nhà chờ không phù hợp và thuận tiện cho tổ chức các tuyến xe buýt kết nối và trung chuyển.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết sẽ nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt.
Ngoài ra, việc chậm triển khai các dự án cầu vượt bộ hành đặc biệt là các tuyến trục Quốc lộ và xa lộ Hà Nội, vỉa hè bị lấn chiếm hoặc không có vỉa hè nên điều kiện cho người dân tiếp cận sử dụng xe buýt còn hạn chế.
Giải pháp sắp tới cho xe buýt, ông Lâm cho biết sẽ nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt; sắp xếp lại các tuyến buýt hiện hữu và tổ chức mạng lưới phù hợp nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực, thời điểm...
Ngoài ra, thành phố cũng bố trí ngân sách trợ giá phù hợp với phương án vé và phương pháp trợ giá, khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút hành khách.
Giám đốc Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận, huyện lưu ý khi lập quy hoạch cần ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng tại các khu dân cư mới, khu đô thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, các khu chế xuất, khu công nghiệp và trường học.
Bên cạnh đó, từng bước hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân với các giải pháp trực tiếp và gián tiếp theo đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố”.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ ưu tiên quỹ đất dành cho xe buýt.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lí liên quan đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt về trợ giá, xã hội hoá để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát lập, phê duyệt qui hoạch và triển khai sử dụng đất tại các quận, huyện trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu qui hoạch phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng.