Hai luật lớn về bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm nửa năm.

Cuối tháng 11 năm ngoái, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua và đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép hai luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng so với quy định trước đó. 

(Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các cơ quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm 3 luật này.  

Ngày 24/4, Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị cho phép Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực sớm. Theo cơ quan này, đây là 2 đạo luật quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.

Đồng thời, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản, có tác động trực tiếp đến nhân dân và doanh nghiệp; có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác liên quan, trong đó có Luật Đất đai. 

Với Luật Nhà ở, 2 chính sách mới được bổ sung là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như hiện hành, đối tượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân; đối tượng là lực lượng vũ trang được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Với Luật Kinh doanh bất động sản, có nhiều nội dung mới giúp tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng cho biết việc sớm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai. Cùng với đó, giúp kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh nguồn cung phân khúc này gắn với Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. 

Đối với Nhà nước, sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu ngân sách. 

Đối với doanh nghiệp, giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án có liên quan đến nhà ở, bất động sản, đất đai. Hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản và nhà ở phát triển.

Đối với người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận nhà ở, bất động sản, thực hiện thủ tục hành chính.

Ngoài ra, việc 2 luật này có hiệu lực sớm 6 tháng nhằm bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai 2024 hiện cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.  

chọn
Chủ dự án 8.600 tỷ ở khu Nam Sài Gòn gặp khó, hàng loạt nhà đầu tư chuẩn bị tham gia giải cứu
Investco là chủ đầu tư của dự án Green City tại Bình Chánh, TP HCM. Từ năm 2005 đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc pháp lý khiến Investco thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, kéo theo cổ phiếu bị hạn chế giao dịch. Hiện nay, danh sách các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ Investco đã bắt đầu lộ diện...