'Trùm' BĐS công nghiệp Kinh Bắc tham vọng mở rộng quỹ đất, có thể thu về 1.800 tỷ mỗi năm nhờ 4 KCN đang triển khai

Kinh Bắc hiện nắm tới 5% tổng diện tích đất công nghiệp cả nước và còn có mục tiêu mở rộng hàng nghìn ha đất tại một số địa bàn như tỉnh Long An, Hải Dương, Thái Nguyên... Theo báo cáo mới đây của MBS, mảng KCN của Kinh Bắc sẽ còn tăng trưởng mạnh nhờ dòng tiền từ các dự án Tràng Duệ, Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung.

Thị trường BĐS khu công nghiệp vẫn vững vàng sau "cú đấm bồi" của Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được nâng hạng đánh giá tích cực bởi cả ba tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế bao gồm Moody's, S&P và Fitch. 

Đặc biệt, Việt Nam vẫn duy trì nền kinh tế tăng trưởng dương, lạm phát ổn định, thị trường tài chính tiền tệ không biến động lớn... Những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô đã giúp thị trường bất động sản Việt Nam giữ được sự ổn định cần thiết. 

Dữ liệu của Savills Hong Kong cho thấy Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về ngành bất động sản công nghiệp, Chứng khoán MBS cho rằng thị trường khu công nghiệp vẫn duy trì được sự tích cực về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy bất chấp những khó khăn về tình hình dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, tại thị trường miền Bắc trong quý II/2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại tỉnh và thành phố công nghiệp chính như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng,... đạt khoảng 80%. Còn tại thị trường miền Nam, tỷ lệ lấp đầy tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An đạt khoảng 90%, tỉnh Bình Dương với 99% và Bà Rịa – Vũng Tàu 79%.

Nguồn: MBS.

Ngoài ra, Cục đầu tư Nước ngoài cho biết số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn là những địa phương thu hút nguồn vốn FDI đầu tư và vẫn nằm trong top 10 địa phương được đầu tư nhiều nhất.

Đánh giá thêm triển vọng của ngành, JLL cho rằng giá thuê đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng do hạ tầng không ngừng được cải thiện. Điển hình như các dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành... đều nằm ở các thị trường công nghiệp chủ lực xung quanh TP HCM. 

Do đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể. Nhất là tại các vị trí đắc địa với hạn chế về nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ bắt đầu xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm giao hàng chặng cuối.

Kinh Bắc nắm 5% tổng diện tích đất công nghiệp cả nước, tham vọng mở rộng cả nghìn ha

Trong bối cảnh thị trường BĐS khu công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng bất chấp lần bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam, các doanh nghiệp đầu ngành trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, nổi bật là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc -CTCP (mã chứng khoán: KBC).

Theo Chứng khoán MBS, Kinh Bắc đang là một trong những nhà phát triển BĐS công nghiệp lớn nhất Việt Nam với quỹ đất công nghiệp hơn 4.713 ha, chiếm gần 5% tổng số diện tích đất công nghiệp của cả nước và 917,9 ha đất cho phát triển KĐT, dân cư.

Quỹ đất công nghiệp của Kinh Bắc tập trung chủ yếu ở miền Bắc như Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Tràng Duệ (Hải Phòng),… Ngoài ra cũng có những KCN lớn ở TP HCM như KCN Tân Phú Trung, hiện đang là một trong những KCN lớn có tỷ lệ lấp đầy cao nhất khu vực miền Nam. 

Bên cạnh đó, thời gian lấp đầy các KCN được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, các KCN Quế Võ I và Quế Võ II mất trung bình 12 năm để đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% thì các KCN mới như Tràng Duệ 1 và 2 chỉ mất trung bình khoảng 6-7 năm để đạt tỷ lệ này.

Các đối tác lớn của Kinh Bắc chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao như Samsung, LG, Heesung Electronics,…

Tính đến cuối năm 2020, KBC sở hữu quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê với diện tích lớn, hơn 954 ha, trong đó các dự án trọng điểm bao gồm KCN Quang Châu (61 ha), KCN Tân Phú Trung (172 ha), KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (NSHL) (204 ha) và KCN Tràng Duệ III (456 ha).

'Trùm' BĐS công nghiệp Kinh Bắc tham vọng mở rộng quỹ đất, có thể thu về 1.800 tỷ mỗi năm nhờ 4 KCN đang triển khai - Ảnh 2.

Tình hình những dự án KCN của Kinh Bắc. (Nguồn: MBS tổng hợp).

Đáng chú ý, quỹ đất công nghiệp của Kinh Bắc vẫn trong xu hướng tiếp tục mở rộng. Vào tháng 2 đầu năm, doanh nghiệp đã thành lập thêm hai thành viên mới là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng) để phát triển dự án KCN (860 ha) tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Tiếp đó, Kinh Bắc thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Long An (vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng) để phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp tại tỉnh Long An với kế hoạch mở rộng quỹ đất tại địa phương này lên tới 2.000 ha. 

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có kế hoạch phát triển một số dự án mới tại Thái Nguyên (1.000 ha) và Hà Nội (400 ha).

KCN Tràng Duệ, Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung có thể mang về hơn 1.800 tỷ doanh thu mỗi năm

Theo đánh giá của Chứng khoán MBS, triển vọng mảng BĐS khu công nghiêp của Kinh Bắc tăng trưởng nhờ loạt dự án lớn.

Trong đó, tại khu vực phía Bắc, KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) giai đoạn III (687 ha) đã nhận được phê duyệt bổ sung vào khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải sau 3,5 năm. Doanh nghiệp hiện đang tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đền bù, giải phóng mặt bằng và hạ tầng để đưa KCN này vào hoạt động trong năm 2022.

MBS ước tính dự án đem lại doanh thu ít nhất 640 tỷ đồng, tương ứng với lợi nhuận khoảng 256 tỷ đồng mỗi năm cho Kinh Bắc, bắt đầu từ năm 2023.

MBS: "Kinh Bắc là một trong những nhà phát triển BĐS KCN lớn nhất Việt Nam" - Ảnh 3.

Vị trí các dự án của Kinh Bắc. (Nguồn: Chứng khoán MBS).

KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) hiện tại đã tiến hành đền bù 185 ha trên tổng diện tích 300 ha cùng với việc xây dựng và lắp đặt hệ thống nước sạch cho khoảng 100 ha đã đền bù.

Dự án được kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu trong năm 2021, ước tính sẽ mang lại trung bình hơn 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2026.

Tại Bắc Giang, KCN Quang Châu cũng được kỳ vọng mang đến doanh thu cho Kinh Bắc trong 3 năm tới nhờ ưu thế thu hút được nhiều các nhà đầu tư nước ngoài kể từ 2016 như Nichirin Viet Nam Co.,Ltd, Umec Vietnam, Crystal Việt nam, JA Solar, ZYF, Luxshare – ICT, Samkwang Vina, HIQ Vina,... 

Theo MBS, doanh thu mỗi năm của dự án Quang Châu vào khoảng 350 tỷ đồng.

Tại khu vực phía Nam, KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) là một trong những KCN có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ vào quỹ đất sẵn có với chi phí thấp, đánh giá của MBS. Việc TP HCM đang đẩy mạnh đầu tư sang phía Tây cũng sẽ giúp cho KCN có được tăng trưởng ổn định trong năm tiếp theo. 

Chứng khoán MBS cho rằng dự án này sẽ mang lại cho Kinh Bắc khoảng 330 tỷ đồng doanh thu hàng năm.

Thông tin đáng chú ý gần đây, ngày 22/9 vừa qua, Tập đoàn Quantum vừa ký thỏa thuận hợp tác cùng liên danh Kinh Bắc và Saigontel. Theo đó, tập đoàn từ Mỹ cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam với chuỗi các dự án trong những lĩnh vực trọng điểm như hạ tầng, BĐS công nghiệp, nhà máy điện, logistics, năng lượng tái tạo... với tổng giá trị 20 - 30 tỷ USD.

'Trùm' BĐS công nghiệp Kinh Bắc tham vọng mở rộng quỹ đất, có thể thu về 1.800 tỷ mỗi năm nhờ 4 KCN đang triển khai - Ảnh 4.

Tình hình kinh doanh của Kinh Bắc qua các quý. (Nguồn: MBS).

Về tình hình kinh doanh 6 tháng của Kinh Bắc, tổng doanh thu đạt khoảng 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 278,4% và 647,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Kế hoạch kinh doanh năm nay của doanh nghiệp là tổng doanh thu 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 41,7% kế hoạch doanh thu và 39,3% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm.