Chiêu lật tẩy lời dối trá của Clinton, Trump | |
Trump từng khoe 'thành tích' sàm sỡ phụ nữ |
Clinton: Tôi tôn trọng các con của Trump
Một khán giả trong khán phòng đặt câu hỏi: "Hai người có thể nói một điểm tích cực mà ông bà coi trọng ở người kia".
Bà Clinton nói "đó là các con của ông ấy". Bà cho biết các con của Trump đã luôn nói về cha mình với những điều tốt đẹp. Là một người mẹ và một người bà, bà Clinton cho rằng đó là điều rất quan trọng.
Trump cảm ơn câu trả lời của bà Clinton và nhận xét đối thủ là người không bao giờ bỏ cuộc.
"Bà ấy không bao giờ từ bỏ. Tôi tôn trọng điều đó. Bà ấy là một chiến binh và tôi cho rằng đó là một tính cách tuyệt vời".
Câu hỏi này cũng đã kết thúc cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng viên. Hai ứng viên bắt tay nhau.
Trên Twitter cá nhân, ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hoà Mike Pence chúc mừng tỷ phú Trump "đã thắng lớn" trong cuộc tranh luận.
Hai ứng viên cuối cùng cũng bắt tay nhau khi cuộc tranh luận kết thúc. Ảnh: Reuters |
Công kích về thuế
Một khán giả đặt câu hỏi về việc giới nhà giàu sẽ đóng thuế đầy đủ.
Trump khẳng định ông đã đóng hàng trăm triệu tiền thuế, nhiều hơn cả người bạn Warren Buffett của bà Clinton. Ông cho rằng bà Clinton đã không làm được gì để thay đổi những quy định thuế lộn xộn trong hơn 30 năm làm việc. Trump đồng thời cho rằng ông am hiểu các quy định về thuế hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào.
Bà Clinton đáp trả rằng "mọi điều bạn nghe về Trump đều không đúng. Thật nực cười khi nghe ai đó không trả thuế trong suốt 20 năm lại đi nói rằng ông ta sẽ làm gì". "Donald sẽ chỉ quan tâm đến bản thân và những người giống ông ấy mà thôi", bà nói.
Trump nói rằng với vai trò thượng nghị sĩ, bà Clinton nên nhận thức được về sự thay đổi luật thuế. Bà Clinton nhắc nhở Trump rằng, theo hiến pháp, tổng thống có quyền phủ quyết. Tiếp đó, bà liệt kê những chính sách của mình như bảo hiểm sức khỏe cho trẻ em, xây dựng lại New York sau thảm họa 11/9, chăm sóc sức khỏe cho những người bảo vệ và phục vụ quốc gia, y tế an toàn hơn cho trẻ em... Bà tự hào: Trong 30 năm tôi đã làm được những điều đó đấy".
"Có đúng là ông đã dùng 916 triệu USD thua lỗi để tránh thuế liên bang hay không", Cooper hỏi.
"Tất nhiên tôi đã làm thế", Trump nói.
Trump không đủ tư cách làm tổng thống
Khi được hỏi về các bình luận người ủng hộ Trump "đáng thương hại", bà Clinton đã đưa ra lời xin lỗi, giải thích rằng: "Tôi không tức giận với những người ủng hộ Trump, mà là với ông ấy, về chiến dịch tranh cử gây hận thù và chia rẽ mà ông ấy tiến hành. Trump chưa bao giờ xin lỗi về những điều ông ta nói với những người Mỹ gốc Phi và Latin. Tôi tự hào về chiến dịch mà Bernie Sanders và tôi thực hiện".
Ông Trump đáp trả: "Bà hãy nhìn vào Charlotte, vào Baltimore, Chicago, thủ đô Washington...Tin tôi đi, bà ấy thật sự có lòng hận thù khi nói ra câu thương hại. Và đất nước này không thể bước tiếp thêm 4 năm giống như nhiệm kỳ của Barack Obama".
Trump đồng thời khẳng định sẽ không dùng bình luận "đáng khinh" như bà Clinton và sẽ là tổng thống của tất cả người dân.
Trump được hỏi về dòng trạng thái trên Twitter về "băng khiêu dâm” của cựu Hoa hậu Hoàn vũ Alicia Machado. Ông phủ nhận và chuyển sang vấn đề Benghazi.
Câu hỏi đặt ra cho bà Clinton" "Liệu Donald Trump có thể trở thành một lãnh đạo tốt hay không", Bà trả lời ngay lập tức: "Không". Trump đáp: Tôi thật sốc khi nghe thấy điều này".
Tranh cãi về Syria
Người dẫn chương trình Raddatz đặt câu hỏi cho bà Clinton về chính sách tị nạn với người Syria.
Bà Clinton trả lời: "Tôi sẽ không để bất cứ ai có nguy cơ gây rủi ro được đặt chân vào nước Mỹ". Bà nhắc đến những đứa trẻ dang sống trong tình trạng chiến tranh và nói rằng điều này chủ yếu do "sự gây hấn của Nga".
Bà nhắc lại việc Donald Trump muốn đưa ra chính sách cấm cửa người theo Hồi giáo, khẳng định rằng Mỹ là quốc gia được thành lập dựa trên tự do tôn giáo và nói rằng chính sách của Trump là bất khả thi.
Bà cho biết những phát ngôn của Trump về người Hồi giáo được sử dụng để tuyển mộ các chiến binh khủng bố. Clinton lên án Trump vì đã 11,12 lần thể hiện thái độ không ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq.
Khi Trump lên tiếng, Raddatz cố gắng ngắt lời.
Trump tiếp tục ngắt lời rằng ông luôn luôn phản đối cuộc chiến tranh Iraq và chỉ trích Raddatz vì để Clinton nói quá 25 giây so với thời lượng cho phép.
Trong khi bà Clinton ngồi xuống ghế và tỏ ra bình tĩnh, Trump liên tục đi lại và chỉ tay khi trả lời câu hỏi trong buổi tranh luận. Ảnh: Reuters |
Trump: Tôi không biết gì về nước Nga
Bà Clinton cáo buộc chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin "cố tác động đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" và tố Moscow "giúp Trump giành chiến thắng".
Trong khi đó, Trump nói: "Tôi không biết Putin. Tôi không biết gì về Nga. Tôi không có khoản nợ nào từ Nga". Tuy nhiên, Trump cho rằng sẽ sẽ thật tốt nếu hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.
Người điều phối Raddatz mô tả xung đột ở Syria, đặc biệt là các cuộc tấn công ở Alleppo cùng mức độ tàn phá kinh hoàng của nó. Bà đưa ra lưu ý về sự can thiệp của Nga và hỏi rằng các ứng viên sẽ hành động thế nào.
Bà Clinton trả lời trước: "Tình hình Syria là một thảm họa. Lực lượng không quân Nga đã quyết tâm phá hủy Aleppo. Họ không quan tâm đến IS mà chỉ tập trung vào việc giữ quyền lực của Assad. Chúng ta cần một số bước tiến với Nga và phải quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các đối tác và đồng minh tại khu vực. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tình huống này là do tham vọng của Nga".
Bà Clinton và ông Trump nhận câu hỏi về nội chiến Syria. Trước câu hỏi hai ứng viên sẽ làm gì nếu trở thành tổng thống, bà Clinton nhấn mạnh sự liên quan của Nga trong vấn đề này. Bà ủng hộ điều tra tội ác chiến tranh của quân đội Syria hoặc có thể do quân đội Nga ở Syria. Bà nói sẽ không sử dụng các bộ binh tham chiến ở Syria, nhưng sẽ sử dụng lực lượng đặc nhiệm.
"Tôi hy vọng nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ đẩy lùi IS ra khỏi Iraq", bà nói.
Câu hỏi về người Hồi giáo
Hai ứng viên nhận được câu hỏi từ một phụ nữ đạo Hồi về sự kỳ thị Hồi giáo.
Trước câu hỏi "ông giải thích thế nào về việc những người như chúng tôi bị coi là mối đe doạ với đất nước", ông cho rằng người Hồi giáo là những người đầu tiên cần trình báo những vấn đề khủng bố nếu họ biết và báo tin nếu thấy rắc rối. Ông nói bà Clinton sẽ không sử dụng từ "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan".
Bà Clinton thừa nhận vấn đề người Hồi giáo đang là chủ đề gây tranh cãi, "nhưng thật không may, nhiều điều chia rẽ đó xuất phát từ Donald Trump". Bà cho rằng để tiêu diệt IS, cần có một liên minh với các nước theo đạo Hồi.
Tranh cãi về Obamacare
Trước câu hỏi về chăm sóc sức khỏe, bà Clinton đưa ra một câu trả lời chi tiết và tâm huyết về việc làm thế nào để khắc phục chương trình Obamacare. Bà cho rằng nếu đạo luật chăm sóc sức khoẻ bị hủy bỏ, tất cả lợi ích mà nó mang lại sẽ biến mất.
Trong khi đó, Trump gọi "Obamacare là một thảm hoạ". Theo ông, chương trình này đắt đỏ và không hiệu quả.
Hai ứng viên không đứng nguyên một chỗ mà di chuyển trên sân khấu khi trả lời câu hỏi. Ảnh: Reuters |
Trump doạ 'bỏ tù' Clinton
Trump nói nếu thắng cử, ông sẽ chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp điều tra đặc biệt bà Clinton về vấn đề liên quan đến bê bối email cá nhân.
"Những điều ông ấy nói đều hoàn toàn sai và tôi không thấy bất ngờ", nữ ứng viên đáp trả.
Trump nhiều lần ngắt lời bà Clinton, thậm chí nói rằng bà nên ngồi tù nếu ông đắc cử. Tiếng lá ó vang lên từ phía khán giả.
Bà Clinton nói ông Trump chưa xin lỗi về những bình luận tục tĩu hoặc công kích người khác. Trong khi đó, Trump đáp trả khi nói đối thủ cần xin lỗi về bê bối email cá nhân và những bài phát biểu mà Wikileaks công bố.
Câu hỏi về chuyện sàm sỡ phụ nữ
Trump nhận được câu hỏi từ Cooper về việc "ông đã nói rằng ông từng tấn công tình dục phụ nữ".
Trump phủ nhận. "Đó là cuộc trò chuyện trong phòng thay đồ. Tôi không tự hào về điều đó". Ông cũng xin lỗi vì đoạn video này.
Trump "lảng tránh" câu hỏi về đoạn video năm 2005 bằng cách đột ngột đổi sang chủ đề khác. "Tôi sẽ tiêu diệt IS", Trump nói và cam kết "xây dựng đất nước chúng ta an toàn hơn".
Bà Clinton công kích Trump bằng cách nhấn mạnh bà từng nói Trump không phù hợp để làm tổng thống. "Những gì chúng ta nhìn thầy và nghe thấy là Trump đang nói về phụ nữ. Tôi nghĩ chắc ai cũng từng nghe đều hiểu rằng điều đó cho thấy ông ấy là người như thế nào. Vì chúng ta đã chứng kiến điều này trong suốt chiến dịch. Chúng ta đã thấy ông ấy xúc phạm phụ nữ. Chúng ta thấy ông ấy đánh giá phụ nữ bằng ngoại hình của họ. Vâng đó chính là Donald Trump".
Trump đáp trả bằng cách nhắc đến ông Bill Clinton.
"Những gì ông ta từng làm với phụ nữ là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị", Trump nói. Tiếng vỗ lên trong hội trường vang lên khi Trump cáo buộc cựu tổng thống Mỹ Bill Cliton. Hai người điều phối lên tiếng kiềm chế những tiến vỗ tay của khán giả.
Hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận. Họ không bắt tay nhau. Ảnh: Reuters |
Trump - Clinton không bắt tay
Câu hỏi đầu tiên từ một phụ nữ. Người này đặt câu hỏi rằng liệu các ứng viên có nên làm gương về hành vi phù hợp cho giới trẻ ngày nay hay không. Bà Clinton cho rằng đây là một câu hỏi hay.
"Điều quan trọng với chúng ta là để những đứa trẻ hiểu rằng đất nước chúng ta thực sự to lớn. Chúng ta sẽ thực sự tôn trọng nhau, nâng đỡ nhau, hoan nghênh sự đa dạng. Tôi có quan điểm tích cực và lạc quan về những gì chúng ta có thể làm. Đó là lý do vì sao khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của tôi là 'Cùng nhau lớn mạnh hơn'", bà Clinton nói.
"Hy vọng của tôi là chúng ta có thể cùng nhau trong chiến dịch này. Tôi hy vọng dành được sự ủng hộ của các bạn. Tôi muốn trở thành tổng thống của người dân Mỹ".
Trump nói: "Tôi đồng ý với tất cả những gì bà Hillary vừa trả lời. Tôi quyết định bắt đầu chiến dịch tranh cử, bởi tôi đã quá mệt mỏi với việc chứng kiến những điều ngu ngốc xảy ra ở đất nước này. Kế hoạch của tôi là để khiến nước Mỹ vững vàng trở lại".
Ông chỉ trích chương trình Obamacare và không đề cập tới thỏa thuận với Iran. Trump lại tiếp tục hành động khịt mũi quen thuộc, đề cập đến tình trạng nhập siêu, và không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.
Cuộc đại chiến kịch tính
Cuộc tranh luận giữa bà Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Trump diễn ra vào lúc 21h00 ET ngày 9/10 (8h00 ngày 10/10 giờ Hà Nội) tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, bang Missouri. Cuộc tranh luận dự kiến kéo dài 90 phút.
Người dẫn chương trình Martha Raddatz của ABC và Anderson Cooper của CNN sẽ là hai điều phối viên của buổi tranh luận trực tiếp lần hai giữa hai ứng viên tổng thống. Cooper đã làm việc cho kênh truyền hình CNN hơn một thập kỷ và từng dẫn dắt nhiều cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ trong vòng bầu cử sơ bộ. Raddatz là phóng viên am hiểu sâu sắc về vấn đề thế giới.
Trong cuộc tranh luận này, hai ứng viên sẽ không chỉ nhận câu hỏi từ người điều phối, mà còn nhận một nửa số câu hỏi từ khán giả theo dõi trực tiếp. Màn so găng dự kiến thu hút khoảng 84 triệu khán giả.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ sắp bước vào cuộc so găng thứ hai được dự đoán là đầy kịch tính. Ảnh: Yahoo |
Theo CNN, trước khi cuộc "đại chiến" bắt đầu, Trump tổ chức một cuộc họp và xuất hiện cùng những người phụ nữ từng tố cáo cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chồng bà Hillary Clinton, về hành vi tấn công tình dục.
"Cả 4 người phụ nữ dũng cảm đã yêu cầu tôi giúp họ có mặt ở đây", Trump nói. Những người này đều là khách mời trong hội trường tranh luận.
Trước đó, ứng viên đảng Cộng hoà từng đe doạ sẽ dùng đòn bê bối tình dục của ông Bill Clinton để hạ gục đối thủ.
"Chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy Trump tiếp tục cuộc đua khốc liệt đến cùng. Bà Hillary Clinton hiểu rằng cơ hội trong hội trường này là để trò chuyện với các cử tri trên sân khấu và khán giả về các vấn đề quan trọng với họ. Chiêu trò gây chú ý của Trump không thay đổi được điều đó. Nếu ông Trump vẫn không nhận ra điều này, đó là thiệt hại cho ông ta. Như mọi khi, bà Clinton đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất cứ thứ gì mà Trump tung ra", Guardian dẫn lời Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông của chiến dịch Clinton, nói trong thông cáo.
Tỷ phú Trump bước vào vòng tranh luận trực tiếp thứ hai với thế bất lợi hơn so với nữ ứng viên đảng Dân chủ, sau khi Washington Post công bố đoạn video về chuyện ông từng sàm sỡ phụ nữ và dùng lời lẽ thô tục.
Sau khi đoạn video được công bố, ít nhất 33 quan chức của đảng Cộng hoà tuyên bố sẽ không ủng hộ Trump hoặc kêu gọi ông rút lui. Tuy nhiên, vị tỷ phú người New York vẫn khẳng định ông sẽ không bỏ buộc.
Theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos trong thời gian 30/9-6/10, Clinton hiện dẫn trước Trump 5% về mức độ ủng hộ của cử tri với con số 43%.