Những người từ 'vùng cấm' được phép trở lại Mỹ | |
Hơn 10 ngày nhậm chức, Trump đối mặt với 52 vụ kiện |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 trả lời phỏng vấn với phóng viên kênh ABC David Muir. Ông đã chia sẻ về các vấn đề quan trọng bao gồm vấn nạn bạo lực súng đạn ở Chicago, chính sách hạn chế người nhập cư hay việc bắt Mexcio phải trả phí xây dựng bức tường biên giới.
Bức tường biên giới
David Muir đặt câu hỏi đầu tiên về việc ai sẽ trả phí xây bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico theo sắc lệnh được ký ngày 25/1. Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ đàm phán với quốc gia láng giềng và Mexico "sẽ phải trả hoàn toàn 100% kinh phí xây tường".
5 ngày sau lễ nhậm chức, Trump ký sắc lệnh yêu cầu xây dựng bức tường trị giá nhiều tỷ USD dọc đường biên giới dài gần 3.200 km giữa Mỹ và Mexico, cắt ngân sách liên bang đối với những tiểu bang và thành phố có hành vi bao che người nhập cư trái phép, mở rộng lực lượng kiểm soát người nhập cư.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh xây tường biên giới với Mexico |
Trước tuyên bố của ông Trump về việc xây tường biên giới, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto khẳng định “không đời nào trả tiền cho bất cứ điều gì đi ngược lại phẩm giá của chúng tôi”.
“Ông ta có nói vậy. Nhưng tôi chỉ nói với bạn rằng sẽ có một khoản thanh toán. Sẽ có một hình thức thanh toán, có lẽ sẽ phức tạp. Và bạn phải hiểu những gì tôi đang làm sẽ tốt cho Mỹ. Nó cũng tốt cho cả Mexico”, ông Trump nhấn mạnh khi đề cập tới lời đáp trả của người đồng cấp Nieto.
Ông Trump cũng nói thêm rằng kế hoạch xây tường dọc biên giới với Mexico sẽ được bắt đầu “trong vài tháng”.
Tổng thống Donald Trump trả lời phóng viên phóng viên David Muir tại Nhà Trắng. Ảnh: ABC |
Chính sách hạn chế người nhập cư
“Thế giới là một mớ hỗn độn. Hãy nhìn những gì đang xảy ra với Aleppo. Hãy xem chuyện gì đang diễn ra ở Mosul. Hãy xem những gì đang xảy ra ở Trung Đông. Mọi người đang chạy trốn, họ đang tới châu Âu và khắp nơi”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn.
"Tôi nghĩ châu Âu đã mắc một sai lầm to lớn khi cho phép hàng triệu người nhập cảnh vào Đức và các nước khác. Và hãy nhìn xem, thảm họa đang xảy ra ở đó”, Trump nói, đồng thời khẳng định "sẽ là tổng thống của một đất nước an toàn".
Thành phố Mỹ kiện Tổng thống Trump vì lệnh cấm nhập cảnh |
Trên cương vị tổng thống, ông chỉ trích những chính sách về người nhập cư dưới thời người tiền nhiệm và không muốn điều tương tự xảy ra ở Mỹ.
“Tổng thống Obama, bà Hillary Clinton và Kerry (Ngoại trưởng John Kerry) đã cho phép hàng chục nghìn người nhập cảnh vào Mỹ. FBI phải điều tra số lượng người nhiều hơn bao giờ hết trước khi đối phó với khủng bố”, ông nói.
"Ngài tổng thống, tôi muốn hỏi ngài về vấn đề người tị nạn. Ngài sắp ký sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn người nhập cư vào nước Mỹ", phóng viên hỏi và nhận được câu trả lời xác nhận của ông Trump.
"Chúng ta đang nói đến ai vậy. Đó có phải lệnh cấm người Hồi giáo hay không?, David Muir hỏi tiếp.
"Chúng ta đang nói đến - không, đó không phải cấm người Hồi giáo. Nhưng đó là các quốc gia có nguy cơ khủng bố. Đó là các nước mà người dân có thể gây nguy hiểm cho chúng ta. Nước Mỹ đã có đủ vấn đề, không cần cho phép thêm nhiều người có thể gây huỷ hoại, dù trong nhiều hay một vài trường hợp, thêm nữa", ông đáp.
Tổng thống thứ 45 hôm 27/1 ký sắc lệnh hành pháp mới, cấm công dân 7 nước Hồi giáo bao gồm Iran, Iraq, Libya, Yemen, Syria, Sudan và Somalia nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, đồng thời tạm dừng chương trình tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày.
Sắc lệnh này đã gây hỗn loạn trên khắp các sân bay Mỹ và thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối. Nhiều người trên đường đến Mỹ, bao gồm cả người có thẻ xanh, đã bị tạm giữ khi đến sân bay hoặc nhân viên an ninh từ chối cho lên máy bay.
Ông Trump khẳng định sẽ rà soát chặt chẽ mọi đối tượng, bởi không muốn để lọt những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan vào Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sẽ loại trừ một số quốc gia khỏi “danh sách đen”. Cũng trong bài phỏng vấn, người đứng đầu nước Mỹ khẳng định việc hạn chế người nhập cư không đồng nghĩa với việc cấm cửa người Hồi giáo.
Obamacare
Trong bài phỏng vấn với Washington Post ngày 15/1, Trump cam kết sau khi bãi bỏ Obamcare - một di sản dưới thời người tiền nhiệm, ông sẽ có kế hoạch thay thế bằng chương trình "bảo hiểm cho mọi người".
Khi người dẫn chương trình đặt lại câu hỏi về vấn đề này, tân tổng thống khẳng định ông sẽ thực hiện kế hoạch, với mục tiêu đảm bảo chăm sóc y tế cho tất cả người dân Mỹ. Ông một lần nữa nhấn mạnh Obamacare là "thảm hoạ", một đạo luật chăm sóc sức khoẻ "khủng khiếp" và đắt đỏ.
"Tôi muốn đảm bảo rằng khi tôi làm tổng thống, không ai phải chết trên đường. Chúng tôi sẽ mở ra một chương trình tuyệt vời. Và hãy nhớ điều này, trước Obamacare, rất nhiều người hài lòng với chương trình chăm sóc sức khoẻ của họ. Nhưng hiện nay, nhiều người thậm chí không được hưởng điều đó. Obamacare là một thảm hoạ. Chúng ta sẽ đưa ra kế hoạch với ý tưởng mới, không phải một kế hoạch được sửa đổi. Chúng ta sẽ đưa ra kế hoạch có thể chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho nhiều người hơn, với chi thi thấp hơn", ông khẳng định.
Tổng thống Donald Trump bắt đầu phá bỏ di sản đầu tiên của Obama |
Lễ nhậm chức của Obama năm 2009 (phải) và Trump năm 2017 (trái). Ảnh: Reuters |
Đám đông dự lễ nhậm chức
Hôm 20/1, Reuters công bố bức ảnh so sánh sự khác biệt về hai thời khắc quan trọng trong lịch sử. Một bức chụp khi Donald Trump đọc lời tuyên thệ hôm 20/1, một bức ghi lại lễ nhậm chức của Barack Obama năm 2009. Dù không chỉ rõ đám đông nào lớn hơn, bức ảnh nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, kéo theo loạt bình luận so sánh về quy mô người tham dự hai sự kiện. Những tranh cãi này đã khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump tức giận và tuyên bố "chiến đấu quyết liệt" với giới truyền thông Mỹ.
Trong bài phỏng vấn,Trump trả lời rằng nếu muốn, ông sẽ cho xem bức ảnh cho thấy đám đông lớn đã có mặt tại buổi nhậm chức.
"Nếu nhắc đến tất cả khán giả, bao gồm qua truyền hình và mọi kênh khác, chúng tôi đã có số lượng đám đông lớn nhất trong lịch sử", ông nhấn mạnh.
"Tôi không để tâm đến đám đông tại lễ nhậm chức. Tôi nghĩ người dân Mỹ có thể xem các bức ảnh và tự quyết định. Tôi tò mò về ngày làm việc đầu tiên ở Nhà Trắng, khi ông triệu tập phóng viên để nói về việc đó. Phải chăng điều đó nhằm truyền đi thông điệp tới người Mỹ rằng, điều này còn quan trọng hơn nhiều vấn đề cấp bách khác?", phóng viên hỏi.
"Một phần trong chiến thắng của tôi là cả đàn ông và phụ nữ ở đất nước này, những người đã bị lãng quên, sẽ không bao giờ bị lãng quên một lần nữa", ông Trump trả lời dường như không đúng trọng tâm câu hỏi. Tổng thống tiếp tục khẳng định "biển người" đã có mặt tại lễ nhậm chức và không muốn bất cứ ai hạ thấp họ, những người đã không quản đường xá xa xôi đến thủ đô Washington để chứng kiến giây phút quan trọng vì ủng hộ ông.
Phóng viên kể chuyện tác nghiệp tại lễ nhậm chức của ông Trump |
Trump cho phóng viên xem lá thư của người tiền nhiệm Barack Obama để lại trong phòng Bầu dục. Tuy nhiên ông không tiết lộ nội dung bức thư. Ảnh: ABC |
Chicago giống "vùng chiến sự"
Khi đề cập đến tình trạng bạo lực ở thành phố Chicago, ông Trump chỉ trích và mô tả các vụ nổ súng ở đó còn tồi tệ hơn cả các khu vực chiến tranh trên thế giới.
“Đó là sự chém giết. Đó là Afghanistan, dường như không phải thành phố Chicago. Hàng nghìn người trong một thời gian ngắn. Chicago giống như vùng chiến sự”, ông nói.
"Đó không thể là một thành phố tuyệt vời. Thật xin lỗi. Nó không thể là một thành phố tuyệt vời nếu người đi bộ bị bắn gục trên đường phố vì ổ bánh mì", Trump nhấn mạnh.
Cam kết và những chỉ trích
Tổng thống Trump đã thực thi nhiều cam kết từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, qua các cuộc phỏng vấn hay ngay trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, những sắc lệnh mới đã khiến ông vướng vào 52 vụ kiện ở 17 bang khác nhau.
Các tổ chức vì Quyền công dân và Vận động vì quyền lợi của người Hồi giáo cùng các nhóm nhập cư liên tiếp thách thức sắc lệnh di trú. Các tiểu bang New York, Massachusetts và Virginia đã đệ đơn kiện, tiếp sau đó là chính quyền tiểu bang Washington, Minnesota. Các bang cho rằng sắc lệnh vi phạm quyền tự do tôn giáo của mỗi cá nhân.
Ông Trump cũng đối diện với các vụ kiện về xây tường biên giới Mexico và ngừng cấp ngân sách cho các thành phố bảo vệ người nhập cư. Tổng công tố bang California, ông Xavier Becerra, thậm chí cam kết trên kênh NBC rằng ông sẽ làm mọi điều cần thiết để chống lại một cách hợp pháp việc xây bức tường biên giới với Mexico theo lệnh của tổng thống.
Theo số liệu thăm dò gần đây, 52% người Mỹ tham gia khảo sát của Public Policy Polling nói họ muốn ông Barack Obama quay trở lại làm tổng thống Mỹ, trong khi chỉ 43% cử tri vui mừng khi ông Trump nhận việc ở Nhà Trắng, theo Independent. Không chỉ vậy, 40% người dân muốn tân tổng thống bị luận tội, tăng thêm 5% so với con số được thống kê chỉ một tuần trước đó.