Trung Quốc mua ít nhất 100 triệu liều vắc xin của Pfizer-BioNTech để đảm bảo chương trình tiêm chủng

Trung Quốc mới đây vừa thêm ít nhất 100 triệu liều vắc xin của Pfizer-BioNTech bên cạnh vắc xin tự phát triển trong nước để đảm bảo chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 1,4 tỷ dân.
Trung Quốc mua ít nhất 100 triệu liều vắc xin của Pfizer-BioNTech - Ảnh 1.

Vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech. (Ảnh: Bloomberg).

Theo tài liệu nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong hôm 16/12, Shanghai Fosun Pharmaceutical Group (Fosun) sẽ thanh toán trước 250 triệu euro (tương đương 300 triệu USD) cho công ty dược phẩm Đức BioNTech để nhận 50 triệu liều vắc xin đầu tiên.

Đến cuối năm 2021, BioNTech sẽ cung ứng ít nhất 100 triệu liều vắc xin cho Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới hiện nay. Hồi tháng 3, Fosun và BioNTech đã đạt được thỏa thuận phát triển và bán vắc xin này tại thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm vắc xin được nhắc đến do BioNTech và Pfizer đồng phát triển, song hãng dược Mỹ không tham gia vào thỏa thuận với Fosun, Bloomberg nêu rõ.

Hai loại vắc xin thử nghiệm do các hãng dược nội địa phát triển cũng sắp được cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc phê duyệt, dự kiến 1,6 tỷ liều vắc xin sẽ được tung ra thị trường trong năm 2021.

Một trong hai ứng viên được nhắc đến do China National Biotec Group (CNBG), một công ty con của toàn đoàn dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinopharm, điều chế. Đầu tháng 12, UAE cho biết vắc xin này cho hiệu quả phòng bệnh đến 86%. Vắc xin này đã được sử dụng khẩn cấp cho hàng trăm nghìn người tại Trung Quốc, song chưa được chấp thuận sử dụng trên qui mô toàn quốc từ bất kì cơ quản quản lí dược phẩm nào.

Đáng chú ý, hai ứng viên vắc xin nội địa đều yêu cầu hai mũi tiêm và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ giúp các nước đang phát triển tiếp cận vắc xin của Trung Quốc như một biện pháp nhằm khôi phục hình ảnh của Bắc Kinh sau khi đại dịch bùng phát tại thành phố Vũ Hán.

Do đó, tình trạng thiếu hụt vắc xin có thể xảy ra khi Trung Quốc tiến hành tiêm chủng cho 1,4 tỷ dân. Kịch bản này khiến các doanh nghiệp dược phẩm nội địa phải tìm kiếm nguồn cung vắc xin bổ sung.

Theo Bloomberg, hãng dược AstraZeneca (trụ sở tại Anh) cũng đã kí thỏa thuận với một đối tác Trung Quốc để đưa vắc xin vào thị trường tỉ dân.

Trong khi đó, ứng viên vắc xin của một số hãng dược Trung Quốc khác như CanSino Biologics và Chongqing Zhifei Biological Products cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Khi được phê chuẩn, vắc xin của các hãng này sẽ giúp nguồn cung trong nước tăng đáng kể.

Cho đến thời điểm hiện tại, vắc xin của Pfizer-BioNTech đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Anh và Mỹ. Chính phủ Anh đã bắt đầu tiêm chủng từ đầu tuần trước, còn chính phủ Mỹ vừa bắt đầu triển khai chương trình từ đầu tuần này.

Tại Trung Quốc, Fosun sẽ nộp hồ sơ xin phê duyệt dựa theo các dữ liệu từ một thử nghiệm giai đoạn hai mà họ tiến hành trong nước cũng như theo dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn ba ở nước ngoài. Tuần trước, Fosun đã giành được một đơn đặt hàng từ Hong Kong, số lượng khoảng 7,5 triệu liều.

chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.