Chủ tịch HĐQT FPT - ông Trương Gia Bình, là người được biết đến nhiều nhất với vai trò là một doanh nhân, đồng thời là một nhà giáo.
Chủ tịch FPT sinh năm 1956, tốt nghiệp chuyên ngành Toán học và Vật lí học tại Đại học Moskva năm 1979. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ cũng với ngành học này tại Đại học Moskva năm 1982.
Năm 1985, TS. Trương Gia Bình về nước và bắt đầu công tác giảng dạy đại học. Ông Bình từng chia sẻ một người bạn thân thở rằng thời điểm đó đói quá, đến mức không nuôi nổi vợ con. "Ông giáo" Trương Gia Bình đã lập nhóm "Nhiệt và chất" ở Viện Cơ rồi bắt tay làm kinh tế.
Năm 1988, FPT ra đời với vỏn vẹn hơn chục thành viên. Tính đến thời điểm này, FPT đã trở thành một tập đoàn công nghệ lớn với giá trị vốn hoá thị trường ước tính hơn 1,3 tỉ USD, có mặt tại 43 quốc gia trên thế giới cùng số lượng nhân viên gần 30.000 người.
Ông chủ FPT cũng là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội vào năm 1995.
Dù bước chân vào kinh doanh nhưng nghề giáo vẫn luôn hiện hữu trong ông. Năm 2006, FPT đã mở trường Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam và giáo dục cũng là một lĩnh vực hoạt động chính của FPT hiện nay bên cạnh công nghệ và viễn thông.
Đang giữ vị trí cao nhất tại tập đoàn công nghệ này nhưng ông Trương Gia Bình vẫn tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều lứa sinh viên với các môn như Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp…
Xuất thân từ nhà giáo đi làm kinh doanh, ông Trương Gia Bình đã "rủ" thêm ông Bùi Quang Ngọc - hiện là Tổng giám đốc FPT, cùng mình tham gia vào nhóm những thành viên đầu tiên của FPT.
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc có 10 năm là giảng viên khoa Toán - Tin, trường Đại học Bách Khoa. Ông Ngọc tốt nghiệp khoa Toán, trường ĐH Tổng hợp Kishinhov (Cộng hòa Moldova) năm 1979.
Trải qua chặng đường 30 năm thăng trầm cùng FPT, nhiều bước phát triển quan trọng của tập đoàn đều in dấu chân của vị lãnh đạo này.
Ông Ngọc chịu trách nhiệm quản trị nhiều dự án lớn của FPT như thống nhất các công ty FPT trên toàn quốc năm 2002, cũng trong năm này đã tiến hành cổ phần hóa FPT, tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software và FPT Trading năm 2011.
Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đã chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống quản trị bằng thẻ điểm cân bằng cho tập đoàn.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - ông Trần Mộng Hùng, ngoài là một doanh nhân quyền lực trong giới tài chính thì ông còn được biết đến với vai trò là một nhà giáo.
Trước khi bước chân vào làm kinh doanh, nguyên Chủ tịch ACB từng là giảng viên Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng từ năm 1978.
Thầy giáo Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập ACB.
Năm 1980, ông nhìn ra cơ hội của thị trường lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp: ngân hàng nhà nước và thương mại. ACB đã ra đời trong thời điểm đó.
Với chuyên môn về ngân hàng, ông ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Vì vậy, ngoài ông Hùng, một loạt lãnh đạo khác tại ACB cũng là nhà giáo như nguyên Phó chủ tịch ACB - ông Trịnh Kim Quang, nguyên Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại.
Sau 15 năm giữ ghế Chủ tịch ACB, năm 2008, ông Hùng rút khỏi HĐQT và lui về với vai trò cố vấn. Sau vụ việc liên quan bầu Kiên, ông Hùng đã quay trở lại ghế HĐQT để xử lí các rắc rối năm 2012. Hiện ACB đã vực dậy và trở thành một ngân hàng có tiếng.
Người thay ông Trần Mộng Hùng dẫn dắt ACB hiện nay chính là con trai ông: Trần Hùng Huy. Ông Huy hiện giữ chức Chủ tịch ACB, và là Chủ tịch trẻ nhất trong hệ thống ngân hàng.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova - PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, là một giảng viên có tiếng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Cần Thơ trước khi chính thức mang những nghiên cứu khoa học của chính mình ra kinh doanh.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hòe, nhà khoa học duy nhất hiện nay làm ra sản phẩm để kinh doanh từ chính công trình khoa học của mình.
Chủ tịch Sơn Kova tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên. Sau đó, bà chuyển vào Đại học Cần Thơ giảng dậy và nghiên cứu khoa học. Năm 1986, bà về Đại học Bách khoa TP HCM tiếp tục các đề tài nghiên cứu.
Với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm cùng nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu sơn, năm 1993, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng quốc tế danh giá dành cho các nhà khoa học nữ.
Tháng 9/1993, bà Hòe sang Mỹ nhận giải thưởng và quyết định kinh doanh những sản phẩm từ công trình mình làm ra. Sơn chống thấm do bà nghiên cứu được đặt tên là Kova, chữ viết tắt của giải thưởng bà được nhận.
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, sau hơn 20 năm, hiện Kova đã được công nhận tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Singapore, Nhật Bản… Và bà chủ Kova, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã mang được nghiên cứu của mình thành sản phẩm ứng dụng đời sống, bán được trên thị trường.
Sơn Kova hiện có 11 nhà máy kinh doanh tại 12 nước châu Âu, châu Á. Nhà máy Kova tại Long Thành - Đồng Nai cũng là một trong những nhà máy hiện đại nhất thế giới khi tất cả các hoạt động đều được vận hành bằng robot.
Một điều đặc biệt tại Kova hiện nay là ngoài PGS. TS Nguyễn Thị Hòe còn có nhiều thế hệ giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM cũng tham gia nghiên cứu, sản xuất, điều hành doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne và Chủ tịch HĐQT Công ty Nước mặt sông Đuống - bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), cũng từng xuất thân là một giáo viên dậy Văn trước khi bước vào kinh doanh với sự giúp đỡ của chồng.
Bà Liên từng cho biết nghề giáo là nghề cao quý, nhưng không cho bà cơ hội được sáng tạo nhiều. Vì là người mạnh mẽ, thích hợp với thương trường nên bà quyết định bỏ nghề giáo, dấn thân vào kinh doanh.
"Chồng là người vừa ủng hộ, vừa đồng hành cùng tôi trong hành trình xây từng viên gạch đầu tiên. Chúng tôi đã từng trải qua nhiều giai đoạn vô cùng khó khăn, để đưa bảo hiểm AAA từ một văn phòng chỉ vỏn vẹn 12 m2 với 9 nhân sự lên thành một thương hiệu nổi tiếng thế giới", Shark Liên từng cho biết về vai trò của chồng bà cũng như công ty khởi nghiệp đầu tiên của bà là Bảo hiểm AAA.
Sau khi chuyển nhượng AAA cho đối tác nước ngoài, bà Liên "ở ẩn" một thời gian với với tư cách Lãnh sự danh dự Nam Phi. Năm 2018, bà quay lại khởi nghiệp với ứng dụng bảo hiểm LIAN và dự án nước Sông Đuống. Giữa lùm xùm giá nước chưa hợp lí khi bị cho rằng Nước Sông Đuống tính cả lãi vay ngân hàng đầu tư nhà máy vào giá bán cho người tiêu dùng, Shark Liên mới đây đã rời ghế Tổng giám đốc Nước mặt Sông Đuống. Tuy nhiên, bà giáo Đỗ Thị Kim Liên vẫn là Chủ tịch doanh nghiệp này.
Chủ tịch Công ty TNHH An ninh mạng Bkav - Nguyễn Tử Quảng cũng là một doanh nhân xuất thân từ nghề giáo.
Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu thực hiện các chương trình chống virus khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội và cung cấp miễn phí đến năm 2005 cho cộng đồng mạng.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kĩ thuật máy tính, Khoa Công nghệ thông tin và tiếp tục nghiên cứu Bkav và các chương trình khác.
Năm 2005, ông Quảng lập công ty riêng lấy tên Bkav, để phát triển đội ngũ và theo đuổi đam mê an ninh mạng. Tên thành lập của Bkav là Công ty TNHH An ninh mạng Bkav với 100% sở hữu thuộc về Chủ tịch Nguyễn Tử Quảng.
Đến nay, Bkav có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực phần mềm, an ninh mạng, chống mã độc, nhà thông minh, điện thoại thông minh.
Trong lĩnh vực smartphone, sản phẩm tiêu biểu của Bkav là Bphone ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015. Bkav cho biết đã chi khoảng 500 tỉ đồng cho nghiên cứu và phát triển smartphone.
Theo chia sẻ mới nhất từ ông Nguyễn Tử Quảng, Bphone 4 sẽ ra mắt vào đầu năm sau.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tổng giám đốc Công ty Bình Tân - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu giày dép Bitas, ông Đỗ Long cũng được biết đến với công việc "gõ đầu trẻ" trước khi trở thành ông chủ doanh nghiệp.
"Tôi may mắn được làm thầy, dù thời gian đi dạy chỉ ngắn ngủi có 5 năm, nhưng từ đó đến nay, hơn 30 năm, lớp học trò cũ vẫn hàng năm tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi tôi vào dịp Ngày Nhà giáo 20/11", ông Long từng chia sẻ.
Vợ ông, bà Lai Kim, cũng là một nhà giáo. Ông Long cho biết cứ tưởng vợ chồng lấy nghiệp nhà giáo để mưu sinh, nhưng thật sự đến những năm sau 1978 thì không thể sống nổi với nghề, khi bắt đầu có con.
Xuất phát từ gia đình, các anh chị đang có cơ sở sản xuất giày dép dù quy mô nhỏ nhưng làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều, thế là đồng cam cộng khổ cùng gia đình dựng nghiệp, đến 1991 tự tách ra thành công ty Bitas.
Lí do ông giáo Đỗ Long chuyển sang làm nghề sản xuất giày dép cũng là do cơ duyên và thời cuộc đưa đẩy. Ngoài thương hiệu giày Bitas, vợ chồng ông Long còn sáng lập nên thương hiệu thời trang Newtop (Công ty Nhật Tân).
Nhà sáng lập Gỗ Trường Thành cũng là một người "gõ đầu trẻ" trước khi bắt tay vào kinh doanh. Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958 tại Bình Định.
Năm 21 tuổi, ông quyết định bỏ nghề giáo, rời quê hương lên Tây Nguyên lập nghiệp. Sau hơn 7 năm miệt mài với xưởng gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong tại Tây Nguyên, ông được bầu vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong.
Năm 1990, ông ra riêng thành lập Xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk. Năm 1999 mua lại Công ty Vinaprimart, mở rộng hoạt động đến các tỉnh phía Nam và phát triển thành Tập đoàn Kĩ nghệ gỗ Trường Thành.
Sau một thời gian phát triển mạnh, doanh nghiệp gỗ của đại gia đất võ này rơi vào khó khăn trong vòng xoáy khủng hoảng kinh tế năm 2011, nhiều lần bị ngân hàng đồng loạt đòi nợ và sức ép từ các cổ đông. Nhưng với kinh nghiệm từng trải, ông Thành vẫn kiên nhẫn từng bước giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất.
Gỗ Trường Thành hiện nay dưới quyền kiểm soát của doanh nhân Mai Hữu Tín. Gia đình ông Võ Trường Thành dù mất hết quyền điều hành tại doanh nghiệp. Thậm chí, ông và con trai bị khởi tố vì về tội danh "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán", tuy nhiên, ông Thành và thương hiệu Gỗ Trường Thành vẫn là cái tên hàng đầu với ngành gỗ Việt Nam.