Những ngày vừa qua, trang fanpage mang tên "Thông tin về Ban Mai School dành cho các bậc phụ huynh" trên mạng xã hội có đăng tải trạng thái, hình ảnh được cho là bữa ăn trưa của học sinh Trường Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Khay ăn của các con trưa 13/4 chỉ có bún trắng và hai cái nem kèm nước chấm.
![]() |
Hình ảnh bữa trưa 13/4 cho học sinh chỉ có 2 cái nem rán và ít bún khiến phụ huynh lo lắng. Ảnh: PHCC. |
Vị phụ huynh này cũng miêu tả: Đối với các bạn nhỏ khối 1 và 2 được ưu tiên 2 chiếc nem; lớp 3 có từ 2,5 - 3 cái nem. Riêng các anh chị khối 4 và 5 thì ưu tiên hẳn 3 chiếc, có anh may mắn thì được hẳn 4 chiếc nem cho bữa trưa. Thực đơn của bữa sáng 13/4 với món súp và một lát bánh mì mỏng như tờ giấy.
Bữa trưa vỏn vẹn ít bún với vài miếng nem rán trong tình trạng tiết kiệm mỡ nên bị cháy nhưng vẫn trắng, thêm tí nước mắm trong veo, vừa để chấm nem, vừa để chan bún. Ăn xong được uống thêm chai sữa nhỏ giúp tiêu hoá nhanh.
"Nhìn khay bún nem Hà Nội mà con được ăn trưa này, tôi có cảm giác nó còn không bằng suất ăn từ thiện phát cho người nghèo cơ, huống chi mỗi ngày phụ huynh chúng ta phải nộp 50.000 đồng để con mình được ăn. Liệu có ông bố, bà mẹ nào cầm lòng khi thấy con mình được chăm sóc 'chu đáo' như thế này không?", phụ huynh này viết.
Cũng theo vị phụ huynh này, sau sự việc này, đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) nhà trường đã gửi thư xin lỗi và mong muốn tổ chức bữa ăn ngày 16/4 với thực đơn 'thịnh soạn' hơn có bữa chính gồm cơm trắng, tôm chiên vừng, thịt rim tiêu, rau muống xào, sườn sốt chua ngọt, canh chua dầm me và dưa hấu.
Tuy nhiên, phụ huynh phản ánh sau đó đã có 5 học sinh ở cùng một lớp có hiện tượng đau bụng.
Trao đổi với chúng tôi ngày 18/4, bà Mai Thị Lan Anh - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Ban Mai cho biết: "Mỗi ngày các em học sinh được ăn 4 bữa tại trường. Trong đó có bữa sáng, bữa giữa, bữa trưa và bữa lỡ. Bữa sáng các con thường ăn cháo, bún, phở, bánh mì, súp...
Bữa lỡ uống sữa, bữa trưa ăn cơm và buổi chiều uống sữa. Từ thứ 2 - thứ 5 hàng tuần, các con ăn cơm. Riêng thứ 6 là cuối tuần, nhà trường đổi món, thường là đồ ăn Âu, Á hoặc món ăn truyền thống.
Ngày 13/4 có bữa trưa là món bún nem Hà Nội, bữa trưa này được đánh giá ngon về chất lượng nhưng trình bày chưa đẹp. Bữa ăn bún nem ở bên ngoài thường có thêm rau sống và dưa góp. Tuy nhiên, do một số trẻ không thích ăn rau sống và các con chưa đến tuổi ăn dưa góp nên nhà trường không đưa những thứ này để suất ăn được đẹp mắt hơn".
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, dù thông tin về suất ăn này xuất hiện trên một trang không phải là trang chính thức của nhà trường lập nên nhưng Ban Giám hiệu vẫn ghi nhận những góp ý này.
Cũng theo thông tin từ bà Mai Thị Lan Anh, sau sự việc ngày 13/4, bà đã quyết định từ ngày 16/4 sẽ thay đổi thực đơn, nhà cung cấp thực phẩm và nhân sự cho các em học sinh. Về việc phụ huynh phản ánh có tới 8 học sinh bị đau bụng, bà Lan Anh cho biết, sau khi bộ phận y tế của trường kiểm tra chỉ ghi nhận 4 em có hiện tượng đau bụng gồm:
1. Hà A. – Lớp 5A2 bị mệt và có buồn nôn lúc 10h30 phút, sáng có ăn sáng ở nhà với cơm và trứng. Bộ phận y tế đã chăm sóc, xử lý để gia đình đến đón con về.
2. Phạm Đình M.H.– Lớp 4A3 lúc 13h50 phút bị đau bụng không nôn, sau khi đi ngoài thì đỡ hơn.
3. Linh B. của lớp 4A3 ngủ trưa dậy có nôn và sức khỏe vẫn bình thường.
4. Lâm T. - Lớp 5A2 bị đau bụng từ sáng và đi ngoài hai lần. Cháu nói là ở nhà bị đi ngoài đau từ hôm trước.
Ngày 17/4, học sinh toàn trường đi học đầy đủ, có trường hợp cháu Hà A. lớp 5A2 nghỉ học. Cháu Đức A. lớp 4A3 nghỉ học do đau bụng nhưng em này lại nghỉ học ngày hôm trước (16/4) nên không tham gia bữa ăn tại trường.
"Như vậy, qua tổng hợp của bộ phận y tế nhà trường chỉ ghi nhận có 4 trường hợp có hiện tượng đau bụng. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh đau bụng. Chẳng hạn có em không thích hợp với hải sản. Có em lại ăn sáng ở nhà và bị đau bụng. Do đó không thể khẳng định là do thức ăn của nhà trường", bà Lan Anh cho biết thêm.
![]() |
Tuyển sinh lớp 6: 'Kiểm tra năng lực' và 'kiểm tra kiến thức' khác nhau như thế nào?
Cần phải phân biệt rõ hai khái niệm "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" và "kiểm tra kiến thức của học sinh" để ... |