Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Nhà nước vẫn chưa thể cung cấp đủ kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động giáo dục. Do đó, các trường nhận thấy có một khoản có thể huy động xã hội đóng góp được.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Dạ Thảo. |
Nói về nguyên tắc, khi Nhà nước và nhân dân cùng hợp sức để thúc đẩy quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục là rất tốt. Tuy nhiên, với số lượng hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân thì phải có vai trò quản lý của Nhà nước. Khoản nào Nhà nước không thể hỗ trợ thì cho phéo các trường được thu dưới dạng xã hội hóa.
"Nhưng, điều cực kỳ quan trọng là phải đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu chi. Tức, mức thu cụ thể là bao nhiêu? Thu để làm gì phải nói rõ ràng, chứ không thể để cho các trường làm một cách tùy tiện, mỗi trường thu một kiểu. Ở đây đang thiếu đi sự quản lý của Nhà nước ở điểm này. Nếu ta quản lý chặt thì sẽ không còn lạm thu", ông Trần Xuân Nhĩ lưu ý.
Cũng theo vị nguyên Thứ trưởng, dù đã có chỉ đạo bằng văn bản khá quyết liệt của Bộ GD&ĐT nhưng thời gian gần đây, một số trường vẫn tiếp tục "xé rào" bằng cách thu trước nhiều khoản tiền đầu năm mà lãnh đạo các địa phương chưa phê duyệt. Rồi chuyện thu tiền của phụ huynh không có hóa đơn, viết biên lai đưa lại cho phụ huynh.
"Đây là điều các trường cần hết sức chú ý, cần phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ thông qua các văn bản đã ban hành về quản lý thu, chi đầu năm. Tất cả phải được công khai, minh bạch cho phụ huynh biết để tránh tình trạng lạm thu", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Nhật Cường. |
Th.sĩ Trần Trung Hiếu – Giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, lạm thu dường như là một “căn bệnh” mà mỗi dịp đầu năm học đều khiến cho các bậc cha mẹ học sinh hết sức lo lắng, nhất là ở cấp tiểu học và và THCS.
Ông Hiếu chỉ rõ: “Để hạn chế được tình trạng lạm thu, phải thể hiện sự minh bạch hóa về mặt thông tin. Thu tiền phải nói rõ sử dụng vào mục đích gì chứ không thể nói chung chung như quỹ lớp, quỹ hội, quỹ trường… Có không ít trường không minh bạch hóa các khoản thu của mình mà đều núp bóng dưới cụm từ mỹ miều là ‘xã hội hóa’ giáo dục.
Vấn đề ở chỗ, có nơi lấy ‘xã hội hóa giáo dục’ là cái cớ để thu nhiều khoản. Khoản thu thì có nhưng khoản chi vào những việc gì, cuối năm hạch toán ra sao thì cái này trường ít khi công bố. Và đương nhiên, các khoản tiền như thế này nhà trường sẽ không trực tiếp thu mà nhờ cha mẹ học sinh thu”.
Th.sĩ Trần Trung Hiếu. Ảnh: Đình Tuệ. |
Bên cạnh đó, thầy giáo Trung Hiếu còn phân tích, trong chi tiêu của nhà trường luôn có hai khoản chi gồm trong ngân sách và ngoài ngân sách (hay còn gọi là ‘quỹ nội bộ’). “Quỹ nội bộ” này chi ra sao, chi như thế nào cũng là cả một vấn đề. Hơn nữa, phần lớn những vị được bầu làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường thường là người có điều kiện kinh tế khá giả.
“Tôi có thể tạm kết luận, không ít trường lấy ‘Hội phụ huynh’ ra làm ‘công cụ’ để thực hiện nhiều khoản thu chi không minh bạch cho nhà trường. Đầu năm học sẽ gánh nặng khủng khiếp đối với những phụ huynh không có điều kiện kinh tế mà có con vào học đầu cấp, nhất là lớp 1. Còn ở cấp THPT gần như rất ít.
Bởi các em đang quen môi trường mẫu giáo, giờ chuyển qua lớp 1 sẽ còn nhiều bỡ ngỡ. Và phụ huynh cũng muốn giáo viên ‘quan tâm’ cháu hơn để khỏi quấy khóc và đi vào nề nếp nhanh hơn nên tâm lý ‘trăm sự nhờ cô giáo’ lại xuất hiện. Thực trạng lạm thu chủ yếu diễn ra ở khu vực thành thị, ở nông thôn thì ít hơn. nếu không minh bạch hóa thì còn lâu mới chặn đứng được lạm thu”, Th.sĩ Trần Trung Hiếu chia sẻ thêm.
Phụ huynh đóng gần chục triệu đầu năm nhưng... 'không có biên lai' Khi đóng tiền đầu năm học 2017 - 2018 cho con, nhiều phụ huynh ở Hà Nội phản ánh việc nhà trường không hề viết ... |