Trường tiểu học chỉ có 5 học sinh: Không điện, không nước, không nhà vệ sinh

Lớp học không điện, không nước và có nhà vệ sinh cũng không sử dụng được là tình trạng diễn ra từ nhiều năm nay tại Phân hiệu trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Do quá khó khăn, phân hiệu này càng ngày càng giảm số lượng học sinh, đến nay chỉ còn 5 học sinh theo học.

Được thành lập từ năm 2009, phân hiệu trường Tiểu học Nguyễn Du nằm tại một vùng đất trống trơn, thưa thớt dân cư sinh sống. Lớp học được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em tại thôn Nà Ven (xã Ea Wer), do thôn nằm cách xa trường chính.

truong tieu hoc chi co 5 hoc sinh khong dien khong nuoc khong nha ve sinh

Cả phân hiệu chỉ còn 5 học sinh theo học

Mem theo con đường đất rẽ từ UBND xã Ea Wer vào phân hiệu trường Nguyễn Du. Vào mùa khô con đường đất bụi tung mù trắng xóa rất khó khăn cho việc di chuyển vào điểm trường Nguyễn Du.

Chia sẻ về quá trình dạy học tại phân hiệu này, cô giáo Nguyễn Thị Thương - giáo viên chủ nhiệm, cho biết: Do điều kiện khó khăn nên cả phân hiệu hiện nay chỉ có 5 em, học sinh lớp 1, 2, 3 được dồn vào chung một lớp.

Trong lớp học được gắn 2 chiếc bảng đầu lớp và cuối lớp; học sinh lớp 1 sẽ quay đầu về hướng đầu lớp còn các học sinh khối khác thì quay đầu hướng ngược lại để tiện cho việc học.

truong tieu hoc chi co 5 hoc sinh khong dien khong nuoc khong nha ve sinh

Các khối lớp được quay về 2 hướng để tiện cho việc học

“Các em học sinh nơi đây đều là con em của các hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng rất chăm ngoan và hiếu học.

Tuy lớp học không điện, không nước và nhà vệ sinh cũng không sử dụng được nhưng các học sinh vẫn không hề kêu ca, có lẽ các em đã quen với cái cảnh thiếu thốn này rồi”, cô Thương tâm sự.

Cũng theo cô Thương, toàn thôn Nà Ven đều không có điện nên việc học hành của các học sinh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. “Do buổi tối không có điện nên các học sinh phải tranh thủ học bài từ sớm.

Nơi đây, buổi tối nhiều gia đình chỉ chạy duy nhất một bóng đèn từ bình ắc quy để chiếu sáng cho cả nhà nên không đủ ánh sáng để các em học bài”, cô Thương nói.

Không chỉ vậy, dù lớp học được xây dựng cả hệ thống đèn chiếu sáng và quạt trần nhưng đều chỉ để “trưng bày” chứ không thể sử dụng vì nỗi khổ không có điện.

Bên cạnh đó, trường còn được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh nhưng không điện, không nước khiến phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm không thể sử dụng.

truong tieu hoc chi co 5 hoc sinh khong dien khong nuoc khong nha ve sinh

Nhà vệ sinh để hoang, cỏ mọc um tùm không thể sử dụng

Khi được hỏi về việc nhà vệ sinh có nhưng không sử dụng được, em Trần Thị Yến Như (lớp 2) hồn nhiên cho biết, nhiều lúc tới lớp mắc đi vệ sinh sẽ cố gắng “nhịn” để về nhà vì nhà vệ sinh cỏ mọc um tùm trông rất… sợ.

Cô giáo Thương cũng cho biết, điểm trường Nguyễn Du tuy chỉ có 5 học sinh theo học nhưng vẫn phải duy trì, bởi nếu đi từ nhà của các em ra tới phân hiệu chính để học mất khoảng 7km và đường sá khó đi sẽ rất vất vả cho các em nên các giáo viên của được chia luân phiên từng năm tới dạy các em.

Cũng theo cô Thương, sĩ số học sinh của lớp cứ giảm dần theo từng năm do cuộc sống nơi đây khắc nghiệt, thiếu thốn và đặc biệt không có điện nên nhiều phụ huynh đã rời mảnh đất này để đi nơi khác sinh sống.

truong tieu hoc chi co 5 hoc sinh khong dien khong nuoc khong nha ve sinh

Hệ thống quạt và điện chiếu sáng được lắp đặt nhưng không thể sử dụng vì không có điện

Ông Khăm Phuông Lào - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn, cho biết: Khó khăn là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn huyện, tuy nhiên phân hiệu trường Tiểu học Nguyễn Du là điểm trường đặc biệt gặp nhiều khó khăn.

“Phòng cũng đã kiến nghị lên huyện việc nền nhà của phân hiệu này đã bị hư hỏng cần sửa chữa và đề nghị được sớm cấp điện lưới để học sinh được sử dụng nhà vệ sinh nhưng do kinh phí còn hạn chế nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Dù khó khăn đến mấy nhưng vẫn phải duy trì phân hiệu này vì không muốn bất kỳ học sinh nào nơi đây phải dang dở chuyện học hành”, ông Khăm Phuông Lào cho hay.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.