TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thu giá là 'sáng tạo' để lách quy định của Luật Phí và lệ phí

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng "thu giá" BOT là một "sáng tạo" để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí. 
 
ts nguyen si dung thu gia la sang tao de lach quy dinh cua luat phi va le phi
TS Nguyễn Sĩ Dũng (Ảnh: Dân trí)

Liên quan đến thuật ngữ thu giá BOT giao thông đang gây xôn xao dư luận gần đây, chúng tôi đã có trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Theo TS Dũng, "thu giá" thật ra là một "sáng tạo" để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí.

"Theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí.

Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo luật. Rất tiếc, phí BOT không có trong Danh mục này", TS Dũng nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng lẽ ra Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục nói trên thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm.

"Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được.

Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ thêm.

ts nguyen si dung thu gia la sang tao de lach quy dinh cua luat phi va le phi
Trạm thu phí đổi tên thành thu giá. (Ảnh tư liệu: Di Linh)

Lý giải về thu giá BOT giao thông, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

"Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính", ông Quốc cho biết.

Cũng theo vị này, sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.

"Về bản chất, khi chuyển từ thu phí BOT sang thu giá BOT, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính", ông Quốc thông tin thêm.

Ngày 22/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết phí do HĐND, Quốc hội quyết định.

"Còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác.

Từ khi chuyển qua giá, giá sẽ được cân đối theo phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua HĐND quyết nên rất chậm.

Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều", ông Thể nói.

Theo quy định tại Điểm e, khoản 2 Điều 8 của Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá quy định thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ GTVT gồm:

- Giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách trung ương;

- Giá cụ thể đối với các dịch vụ hàng không bao gồm: Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; giá phục vụ hành khách; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

- Giá tối đa đối với: Dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý.

ts nguyen si dung thu gia la sang tao de lach quy dinh cua luat phi va le phi BOT Thái Nguyên - Chợ Mới lo phá sản: Chờ Bộ GTVT không được, CIENCO4 'cầu cứu' Quốc hội

Một tháng sau khi thu giá thử ở dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới nhưng Bộ GTVT chưa có ý kiến, CIENCO4 "cầu ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.