Vì sao cách nói 'thu giá' sẽ không bao giờ được chấp nhận?

Mấy chữ “trạm thu giá”, “thu giá dịch vụ giáo dục” đã gây bão dư luận vì với tư cách là một cụm từ thông dụng, nó trái với ngữ pháp của tiếng Việt toàn dân; còn với tư cách là thuật ngữ của khoa học kinh tế-tài chính, nó cho thấy người đặt thuật ngữ, và những ai tham mưu đưa nó vào các văn bản quy phạm pháp luật, đã kịp quên hết những định nghĩa về giá trong kinh tế học đại cương, nhất là kinh tế học Marxist.

Trong tiếng Việt toàn dân “giá” không bao giờ là tên gọi của một cái gì cụ thể, hữu hình để con người có thể “thu” được

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng như trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu của người Việt ta, xưa nay và ở đâu cũng vậy, giá hay giá cả bao giờ cũng chỉ có nghĩa là kích thước hay trị số hay độ lớn (amount, magnitude) của cái khoản tiền mà người mua phải trả cho người bán theo thỏa thuận, để được sở hữu hay tiêu dùng một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó.

Ta chỉ có thể thu được một “khoản tiền” hay một “khoản tiền có độ lớn là hai triệu” chẳng hạn, chứ không thể nào thu được độ lớn của khoản tiền đó (cần lưu ý, khi ta nói “thu 2 triệu đồng” thì đó chỉ là cách nói tắt của “thu một khoản tiền 2 triệu đồng”, chứ nói một cách nghiêm ngặt thì “2 triệu đồng” là thứ không thể thu; tương tự ta chỉ có thể nói “nhấc một bao gạo 50kg” chứ không thể nói “nhấc 50kg” trống không).

“Giá” tức “Độ lớn” của khoản tiền phải trả khi mua một đơn vị hàng hóa hay dịch vụ, nói thật nghiêm ngặt, chỉ là một thứ vô hình, không màu, không mùi, không vị, không có cân nặng, và đương nhiên không chứa đựng một nguyên tử vật chất nào bên trong cho nên con người không bao giờ có thể thu được nó một cách trực tiếp để có thể nói hay viết ra những từ tổ kỳ dị như thu giá, trạm thu giá, làn thu giá tự động , thu giá dịch vụ giáo dục hay thu giá dịch vụ y tế.

Nói thu giá của một sản phẩm hay một dịch vụ nghe cũng “chướng tai” tương đương với nói nhốt chiều cao hay giam cân nặng của một anh Tèo nào đó. Giá hay chiều cao hay cân nặng đều chỉ là những sản phẩm trừu xuất của trí tuệ con người. Ta chỉ có thể nghĩ hay nói và viết về nó, nhận thức nó bằng suy nghĩ chứ không bao giờ có thể sờ mó, cầm nắm, tức không bao giờ có thể nhốt, giam hay “thu” nó được.

vi sao cach noi thu gia se khong bao gio duoc chap nhan
“Thu giá” là cách nói phi lý không thể chấp nhận trong tiếng Việt

Giá trong kinh tế học, nhất là kinh tế học của Karl Marx

Đó đây đang có người nói rằng không ai cấm chúng ta đặt ra những thuật ngữ mới cho những khái niệm quen thuộc, miễn sao nội hàm của khái niệm phải được định nghĩa thật minh xác.

Những người ấy quên rằng khi một thuật ngữ đã được dùng một cách vững chắc để chỉ một khái niệm nào đó quen thuộc thì không còn có thể đem dùng nó để đặt tên cho một khái niệm khác cùng thuộc một chuyên ngành hẹp mà lại có nội dung khác hẳn.

Nếu đã từng đọc Karl Marx ở mức nhập môn (và thực sự thuộc bài) thì hẳn phải nhớ khi cần đo lường giá trị của một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó con người có thể dùng nhiều loại thước đo khác nhau như thước đo bằng vàng, thước đo bằng trâu, thước đo bằng chim câu, v.v. Chẳng hạn:

X cái xe máy = A con trâu

= B con chim câu

= C gram vàng

v.v.,

Giá trị của xe máy sẽ bằng phân số A/X nếu đo giá trị bằng trâu (đơn vị con), bằng B/X nếu đo giá trị bằng chim câu (đơn vị con), hay C/X nếu đo giá trị bằng vàng (đơn vị gram).

Nhưng cái thước đo giá trị phổ biến nhất, được chấp nhận rộng rãi nhất và được nhà nước bảo hộ chính là thước đo tiền tệ:

1 xe máy = 1,5 triệu VNĐ

Trong phép đo này, xe máy là thứ có giá trị cần đo lường, tiền VNĐ là thước đo, còn giá cả 1,5 triệu đồng là số đo (kết quả) thu được khi tiến hành phép đo giá trị của chiếc xe máy bằng cái thước đo tiền VNĐ.

Tương tự, khi nói giá của một quả táo là 5 ngàn VNĐ thì ở đây quả táo là vật cần đo giá trị, tiền Việt Nam đồng là thước đo, còn “5 ngàn đồng” chính là kết quả (số đo) của phép đo vậy.

Còn khi nói giá của việc sử dụng một đoạn cao tốc chẳng hạn Pháp Vân-Cầu Giẽ là 45 ngàn đồng cho xe hơi 5 chỗ, thì dịch vụ sử dụng cao tốc là thứ cần đo giá trị, tiền Việt Nam đồng là thước đo, và 50 ngàn đồng chính là kết quả (số đo) của phép đo.

Ta chỉ có thể cầm nắm, thụ đắc, sở hữu, sử dụng cái thứ được đem ra đo giá trị hay cầm nắm cái khoản tiền phải trả để mua dùng thứ đó, chứ không thể cầm nắm sờ mó hay thu về cái “số đo”, tức cái kết quả (thuần túy về mặt lượng) của phép đo.

Nói “thu giá”, nếu như có cách nói gây cười đó trên đời, chỉ có thể là nói đến việc thu cái số đo giá trị của một sản phẩm hay dịch vụ nào đó khi được đo bằng cái thước tiền mà thôi.

Đó sẽ là việc thu về một con số mà người nộp sẽ nói ra bằng miệng, hoặc biên ra một tờ giấy; tức là thu về mấy chữ “30 ngàn đồng” chẳng hạn chứ không phải là thu về một khoản tiền 30 ngàn đồng. Thuật ngữ Thu giá” chỉ được chấp nhận nếu nó được dùng để chỉ cái hoạt động thu mấy con số như vừa phân tích.

Nếu đã từng học qua vài tháng kinh tế chính trị học Marxist (và thực sự thuộc bài), các tác giả thuật ngữ sẽ luôn thấy văng vẳng bên tai lời của Karl Marx khi ông phân tích về Tiền, hay lưu thông hàng hóa : “Trong chức năng làm thước đo giá trị thì tiền chỉ được dùng với tư cách là tiền trong trí tưởng tượng, hay tiền trên ý niệm mà thôi [tức không bao giờ có thể thu được]”.

Và người khổng lồ của thế kỷ XIX đã cảnh báo thêm “Tình hình này đã đẻ ra những học thuyết điên rồ nhất về tiền.”

Không thể lẫn lộn giá với phí

Nói ngắn gọn thì phí là một khoản tiền cần nộp khi mua dùng một dịch vụ gì đó, còn giá là mức nộp.

Ta chỉ có thể thu về một khoản tiền vì lý do ABC nào đó chứ không thể thu về cái “mức nộp” tức cái “độ lớn” của khoản nộp, như bên trên đã phân tích.

Từ những phân tích trên, có thể kết luật: “thu giá” là cách nói phi lý không thể chấp nhận trong tiếng Việt thường nhật cũng như tiếng Việt của những khoa học chuyên ngành.

vi sao cach noi thu gia se khong bao gio duoc chap nhan Va chạm giao thông liên tiếp, hàng loạt phương tiện 'hoá rùa' tại Đại lộ Thăng Long

2 vụ ra va chạm giao thông xảy ra liên tiếp trong chiều tối hôm nay khiến Đại lộ Thăng Long xảy ra tình trạng ...

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.