Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Cụ thể, Bộ đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Đồng thời, các địa phương cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
(Ảnh minh họa: Nhân dân).
Mỗi địa phương cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Nhà ở xã hội bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội phải có sự bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao,... trong và ngoài dự án; đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Bộ đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Các tỉnh thành cần chú trọng, triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao).
Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Đây cũng là nội dung trong Quyết định sửa đổi, bổ sung của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ban hành 4/11/2020.
Trong thời gian qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp.
Việc này dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động...
Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện ba tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Thông tin trên báo Đồng Nai, ông Trần Văn Khải, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thiết chế công đoàn là một tổ hợp công trình phục vụ cho người lao động.
Trong đó có nhà ở và có các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng, công trình văn hóa, thể thao ngoài trời…
Bình quân mỗi thiết chế có khoảng 1.000 căn hộ có diện tích từ 30 - 45m2. Đặc biệt, so với các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại khác, chi phí xây dựng hạ tầng như đường, điện, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, công trình văn hóa thể thao… sẽ không tính vào giá bán của căn hộ để công nhân được hưởng giá ưu đãi nhất.
Mặt khác, các công trình dịch vụ trong tổ hợp công trình không chỉ dành phục vụ cho những công nhân sống bên trong tổ hợp công trình mà còn để phục vụ toàn bộ công nhân đang làm việc trong các KCN.