Từ năm 1 đến năm 4, sinh viên đều 'lơ' giáo trình

'Giáo trình toàn chữ khô khan khó nhớ, không bằng cứ lăn ra đời, cuộc sống sẽ chỉ dạy chúng ta'... Với 'triết lý' đó, ngày càng nhiều sinh viên thờ ơ giáo trình.
tu nam 1 den nam 4 sinh vien deu lo giao trinh

Nhiều sinh viên cho biết thường mua giáo trình photocopy bán trước cổng trường nhưng ít khi đụng tới - Ảnh: M.K.

Giáo trình giúp sinh viên tiếp nhận thông tin tri thức giảng viên truyền tải. Song song việc nghe giảng trên lớp, đọc giáo trình rất cần thiết. Tuy vậy, với một số sinh viên, giáo trình lại... hết sức xa lạ.

Tại phòng giảng viên, vào giờ giải lao không khó để nghe than phiền việc sinh viên lười đọc, nhất là giáo trình và các tài liệu học tập.

Chỉ thấy giáo trình...trước giờ thi

Vì sao sinh viên thờ ơ với giáo trình? Sinh viên năm 1 cho rằng giáo trình ở bậc đại học "toàn chữ là chữ" nên ngán đọc.

Sinh viên năm 2 "kinh nghiệm" hơn khi rút ra... bài học: "Đừng mất thời gian cho những quyển giáo trình vừa dày vừa khô khan, xin slide chiếu bài giảng của thầy cô mà đọc, vừa tiết kiệm thời gian vừa dễ nhét chữ vào đầu".

Còn sinh viên năm 3, năm 4 sắp ra trường thì tâm đắc với "phương châm": "Đọc nhiều không bằng thực tế trải nghiệm. Cứ nhiệt tình lăn ra đời, cuộc sống sẽ chỉ dạy cho chúng ta tất cả".

Đừng nói là tìm hiểu giáo trình trước buổi học, nhiều sinh viên chỉ nhìn thấy giáo trình...trước giờ thi cuối kỳ tại các tiệm photocopy gần trường.

Ngược lại, có sinh viên chủ động, tích cực chăm chỉ đọc giáo trình nhưng không hiệu quả do đọc không đúng cách, phương pháp. Ở trường hợp này, nhắc đến giáo trình các bạn ấm ức: "Đọc quá trời mà đề thi không ra được chữ nào".

Rèn kỹ năng đọc cho sinh viên

Việc đọc nói chung và đọc giáo trình nói riêng cần được rèn luyện cho sinh viên. Là văn bản khoa học chuyên biệt, giáo trình thường được phân chia thành các chương, mục, tiểu mục.

Ở mỗi chương, mục, nội dung thường được diễn giải theo cấu trúc quy nạp hoặc diễn dịch. Tùy vào mức độ cần thiết của giáo trình (tài liệu bắt buộc, tài liệu tham khảo chính, tài liệu tham khảo phụ...) người học lựa chọn cách tiếp cận riêng như: đọc sâu, đọc kỹ, đọc hiểu, đọc biết, đọc lướt, đọc mở rộng...

Giai đoạn cuối học phần hoặc giai đoạn ôn tập và thi, sinh viên cần đọc hiểu giáo trình của học phần để xác lập tính hệ thống và các mối liên hệ logic của kiến thức.

Ngay từ buổi đầu của từng học phần (môn học), giảng viên cần giúp sinh viên nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của việc đọc giáo trình. Trong quá trình học tập, giảng viên cũng có thể tổ chức đa dạng các hình thức hoạt động trên lớp gắn liền với việc đọc giáo trình để sinh viên rèn luyện nhận thức đọc, thói quen đọc và kỹ năng đọc.

Hiện nay, hầu như các trường, viện đều có các khóa học "Phương pháp học đại học" (trong khung chương trình đào tạo của các ngành hoặc chuỗi kỹ năng mềm cho tân sinh viên).

Trong học phần này, cần tăng cường hơn nữa mức độ nhận thức và tính thực hành của sinh viên về việc đọc giáo trình.

Đơn vị biên soạn, in ấn giáo trình cũng cần lưu ý đến việc tiếp nhận của sinh viên. Để tăng sự thu hút, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ "tiêu hóa" các nội dung khô cứng, giáo trình có thể linh hoạt trong cách trình bày theo hướng trực quan sinh động, mềm hóa; tăng cường các hình ảnh minh họa sinh động hấp dẫn; chuyển hóa tri thức thành các biểu đồ, sơ đồ tư duy...
chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...