Từ 'thảm họa' ở hồ Gươm đêm giao thừa, mơ 'Quảng trường sông Hồng'

Một quảng trường mang tên Quảng trường Sông Hồng...Khi ấy, biết đâu, những “thảm họa văn hoá” dễ phát sinh trong không gian nhỏ hẹp dịp lễ hội, sẽ không còn...

Sau đêm đón mừng năm mới 2018, các điểm không gian công cộng Hà Nội ngập tràn rác. Cả không gian xung quanh Hồ Gươm với khóm hoa, thảm cỏ đang độ xanh tươi, khoe sắc bỗng bầm nát, tan hoang như đám ruộng bị trâu quần.

Hình ảnh được nhiều tờ báo điện tử đăng tải ngay trong đêm đón mừng năm mới, gây sốc, là hàng trăm, hàng ngàn trai thanh gái lịch như có “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, thành kẻ vô hồn, thản nhiên xéo nát từng khóm hoa, thảm cỏ!

tu tham hoa o ho guom dem giao thua mo quang truong song hong

Một nửa vườn hoa bị "san phẳng"

Không phải là lần đầu tiên không gian công cộng Hà Nội, vào dịp lễ hội, con người tự làm xấu mình, khi “bức tử”, “oanh tạc” cây, hoa.

Nhiều năm rồi, điều này vẫn diễn ra, lặp lại.

Đấy thực sự là biểu hiện của “thảm họa văn hoá”.

Thảm họa, vì sự vô cảm trước cái đẹp và sản phẩm lao động sáng tạo do con người làm nên, không chỉ một lần.

Thảm họa, vì không thể nhận ra một chút gì, gọi là ý thức tôn trọng quy ước, luật lệ nơi công cộng ở mỗi con người trong đêm đón mừng năm mới, trong không gian đậm đặc văn hoá tinh hoa.

Thảm họa, vì hội chứng đám đông thái quá chưa thôi trỗi dậy trong những không gian, thời gian cần sự lắng đọng, lịch lãm ở mỗi cá nhân...

Thiếu một quảng trường cho cả vạn người

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến “thảm họa văn hoá” này, tôi nghĩ đến một nguyên nhân: Hà Nội còn thiếu một quảng trường cho cả vạn người thỏa sức phô diễn mọi cung bậc tình cảm dịp lễ hội?

Đó không thể là quảng trường Ba Đình, quảng trường Nhà hát Lớn hay Mỹ Đình, công viên Thống Nhất, công viên Hoà Bình...

Đó phải là không gian rộng lớn, vừa ở vị trí trung tâm, vừa gắn với yếu tố văn hoá truyền thống, tâm linh, đủ sức thành biểu tượng di sản Thủ đô thời hiện đại.

Đó, phải chăng là không gian tiếp giáp với sông Hồng, một bên cầu Long Biên, một bên cầu Chương Dương?

Quảng trường hướng ra sông Cái, sông Mẹ, tức sông Hồng, gợi nhớ sự kiện lịch sử, hơn nghìn năm trước, đức Vua Lý Thái Tổ chọn vùng đất “cao mà sáng”, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông làm đất đế đô. Nó cũng gợi nhớ khoảnh khắc thuyền Rồng cập bến vừa lúc rồng vàng bay lên, nên tên gọi Thăng Long được bậc Tiên Đế khai sinh từ đấy?

Những thăng trầm lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đều gắn với dòng sông biểu tượng nền văn minh lúa nước...

Vậy thì có một quảng trường mang tên Quảng trường sông Hồng, cũng là cách người Hà Nội, người cả nước tri ân dòng sông Mẹ, nhắc nhớ sự kiện lịch sử hơn nghìn năm trước. Đấy cũng là cách Hà Nội học tiền nhân hướng tầm nhìn ra sông Cả, kết nối với đại dương, khơi thông dòng chảy quá khứ - hiện tại - tương lai.

Và khi ấy, biết đâu, những biểu hiện “thảm họa văn hoá” dễ phát sinh trong không gian nhỏ hẹp dịp lễ hội, sẽ không còn...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.