Dù tôi tới giờ hẹn trễ vì kẹt xe khi trường đã vắng hoe, nhưng cô giáo vẫn kiên trì chờ đợi. Cô mời tôi ngồi xuống hỏi han vài câu và bắt đầu thông báo về việc học của con tôi: "Bé tiếp thu chậm và hầu như đã mất cơ bản từ lớp dưới. Em theo dõi bé hơn một tháng và nhận thấy rằng cần phải trao đổi với phụ huynh để giúp bé học tốt hơn".
Đây là một tin khá sốc với tôi vì từ trước tới nay điểm tiếng Anh thi cuối kỳ của con đều là điểm giỏi nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh để trao đổi với cô về những biểu hiện của bé. Cô từ tốn cho biết trong giờ học bé mất tập trung, ngại nói, thiếu vốn từ, câu. Bé thiếu tự tin nên ngày càng nhút nhát trong giờ học tiếng Anh. Cô đưa cho tôi xem những bài tập còn nhiều thiếu sót của con và bảng theo dõi chi tiết các kỹ năng của con qua mỗi ngày.
"Nhiều phụ huynh không thừa nhận thực tế con mình học kém. Em đã suy nghĩ kỹ trước khi liên lạc với chị. Rất mừng là chị đã sắp xếp được thời gian đến đây. Mong chị dành nhiều thời gian hơn để quan tâm bé và giúp bé". Nói rồi cô lấy giáo trình tiếng Anh mà con tôi đang học, chỉ cho tôi nên làm gì để cùng con ôn bài; giúp bé thấy thú vị khi học tiếng Anh. Cô cũng hứa sẽ quan tâm theo dõi bé và giúp bé tiến bộ.
Tôi bắt đầu cảm mến sự cách cư xử của cô giáo này với phụ huynh và học trò. Nỗi buồn con học kém vơi dần. Tại một trường công với sĩ số học sinh luôn xấp xỉ 50 em/lớp và một cô giáo tiếng Anh có khi phải dạy hàng chục lớp – nhưng cô đã kiên trì gọi điện, nhắn tin và dành thời gian để chia sẻ với phụ huynh là điều quá đáng quý. Cô giáo đã không im lặng cho qua khi thấy con trẻ học yếu.
Cõ lẽ chính vì sự quan tâm của cô mà chỉ một thời gian sau con tôi đã không còn sợ học tiếng Anh. Bé về nhà tự động đem sách tiếng Anh để học cùng mẹ và líu lo nói chuyện bằng tiếng Anh với anh trai. Nhìn thái độ học tập của con đối với môn học, tôi cảm thấy bé đã vượt qua được nỗi tự ti.
Thiết nghĩ giáo viên trường công, dù bận rộn nhưng bằng sự chân thành của mình, hãy dành thời gian trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh. Bởi thông tin từ cô giáo trực tiếp giảng dạy là rất quan trọng, do hiện nay không còn đánh giá học sinh bằng điểm số. Nếu có kênh trao đổi thường xuyên để nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp, thì chắc chắn học lực của học sinh sẽ ngày càng tiến bộ và thực chất hơn.
Lam An