Từ vụ cưỡng chế bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao con dấu bất thành: Không chấp hành án cũng có thể bị xử lí hình sự?

Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Đối với những người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án có thể bị xử lí theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào tính chất hành vi.

Sáng 6/6, tổ công tác của Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đến biệt thự của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để cưỡng chế thi hành án, buộc giao trả con dấu và giấy đăng ký kinh doanh cho Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên (TNH) theo bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể thực thi quyết định cưỡng chế do biệt thự của bà Thảo không mở cửa, dù có người bên trong. Tổ công tác lập biên bản sự việc.

Vậy, theo quy định của pháp luật, những người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị xử lí thế nào?

Từ vụ cưỡng chế bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao con dấu bất thành: Không chấp hành án cũng có thể bị xử lí hình sự? - Ảnh 1.

Tổ thi hành án đến nhà bà Thảo làm việc nhưng không ai mở cửa. (Ảnh: Sơn Nam/VnExpress).

Khi nào thì tiến hành cưỡng chế thi hành án?

Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp thi hành án dân sự dùng quyền lực của nhà nước buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của họ, do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện quyền năng đặc biệt của Nhà nước và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh Nhà nước.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Ở nước ta, thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự thuộc về cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước.

Thứ hai, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án nhằm buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của Tòa án.

Thứ ba, đối tượng của biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là tài sản hoặc hành vi của người phải thi hành án.

Thứ tư, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, người bị áp dụng ngoài việc phải thực hiện các nghĩa vụ trong bản án, quyết định do tòa án tuyên, họ còn phải chịu mọi chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.

Thứ năm, các biện pháp cưỡng chế được chấp hành viên quyết định áp dụng không những có hiệu lực đối với người phải thi hành án dấn sự mà còn có hiệu lực đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Trường hợp người phải thi hành án chống đối việc thi hành án, Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật, lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án. xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Cụ thể, Điều 27 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt, mức xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Kết quả xử phạt vi phạm hành chính được gửi cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm.

Trách nhiệm đối với người không thi hành án

Đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP), thẩm quyền này của cơ quan thi hành án dân sự được quy định cụ thể là chấp hành viên đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500 nghìn đồng.

Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2,5 triệu đồng. Chấp hành viên là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng. 

Cục trưởng Cục thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20 triệu đồng. 

Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự có quyền xử phạt đối với tất cả các hành vi VPHC trong lĩnh vực thi hành án dân sự và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 52 của Nghị định 110/2013.

Đối với những hành vi cố ý cản trở thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội không chấp hành án như sau: Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tẩu tán tài sản. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Hành vi phạm tội của tội phạm không chấp hành án xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành án.

Chủ thể của tội không chấp hành án là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi theo quy định của pháp luật và là người có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật như bị cáo trong vụ án hình sự hoặc là các đương sự trong vụ án dân sự,…

Mặt khách quan của tội không chấp hành án đòi hỏi dấu hiệu hành vi dưới hình thức "không hành động", đó là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Người không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu việc không thực hiện đó còn xảy ra sau khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Tức là, trường hợp không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án trước khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành chưa bị coi là phạm tội này.

Tội không chấp hành án được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết mình có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và cũng biết đã có biện pháp cưỡng chế cần thiết được áp dụng để buộc họ phải chấp hành án hoặc quyết định của Toà án nhưng vẫn không chịu chấp hành bản án hoặc quyết định đó.

Người phạm tội có thể có những động cơ khác nhau thúc đẩy hành vi phạm tội. Tuy nhiên, động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Như vậy, đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì tùy vào từng hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau. Những biện pháp xử lý này căn cứ vào mức độ hành vi vi phạm để xem xét, đánh giá và xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.


chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.