Mới đây, trang YouTube của Nguyễn Anh Khoa (hay còn gọi là Khoa Pug) đã đăng đàn 'bóc phốt' một resort ở Bình Thuận đối xử tệ, có ý đe dọa, uy hiếp mình.
Vụ việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, thu hút tới 11.000 like và 1.600 lượt chia sẻ trên trang cá nhân. Đến thời điểm hiện tại video này cũng nhận được hơn 5 triệu lượt xem.
Theo clip đăng tải, Khoa Pug bị đối xử khá tệ, anh không hề được phục vụ hay đón tiếp chu đáo từ lúc đến resort này. Đồng thời bị nhân viên tỏ thái độ và có những lời lẽ không phù hợp với phong cách của người làm dịch vụ.
Cảm thấy sự việc căng thẳng ngoài mong muốn, Khoa Pug quyết định cùng bạn đồng hành xách vali ra khỏi resort và chấp nhận mất trắng 2,2 triệu đồng.
Sau khi đăng đàn "bóc phốt" resort, clip của Khoa Pug đã được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng.
Video tố resort cao cấp tại Bình Thuận của Khoa Pug đã thu hút hơn 5 triệu lượt xem. (Ảnh cắt từ clip).
Không ai cấm cản bạn chụp ảnh, chỉ cấm bạn chụp những thứ không được chụp. Điều này đã được quy định rõ ràng và áp dụng cho mọi công dân Việt nam.
Cụ thể, theo Thông tư liên bộ 552-CA-VH Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và người nước ngoài được chụp ảnh, quay phim, vẽ những cảnh vật trên đất nước Việt Nam như danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các công trình văn hóa xã hội (các tòa nhà văn hóa, giáo dục, y tế, trường học, viện bảo tàng, các công viên, sân vận động, đường phố, quảng trường…) trừ những nơi dưới đây:
Việc chụp ảnh, quay phim, vẽ trong phạm vi các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các công trình kiến thiết cơ bản có tính chất quan trọng trong toàn quốc, phải được phép của người thủ trưởng hoặc người phụ trách có thẩm quyền ở các nơi ấy.
Cấm chụp ảnh, quay phim, vẽ:
- Những khu vực có căn cứ quân sự, có các cơ sở thuộc quốc phòng, các cuộc diễn tập hoặc các hoạt động quân sự.
- Toàn cảnh khu vực các ga xe lửa, sân bay, hải cảng, các công trình thủy lợi lớn, các cầu dùng cho xe lửa và xe cơ giới, các đường ngầm.
- Các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các nhà máy điện, nhà máy nước, trạm phát điện, trạm biến thế điện lớn, trạm điện tín, đài vô tuyến điện, đài phát thanh.
- Trong khu vực dọc biên giới, bờ biển (kể cả hải đảo và hải phận) và giới tuyến tạm thời do Nhà nước quy định, trừ những nơi nghỉ mát và những nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nằm trong khu vực này đã được Ủy ban hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố sở tại quy định cho phép chụp ảnh, quay phim, vẽ với những điều kiện do Ủy ban ấn định.
- Từ trên máy bay chụp xuống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có 2 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.
Tuy không nằm trong quy định cấm, nhưng các cơ quan có quyền cấm quay phim chụp ảnh để đảm bảo tính độc quyền riêng, hay việc sở hữu trí tuệ. (Ảnh minh họa).
Và theo quy định, người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Ở những địa điểm, địa danh không cấm quay phim chụp hình, người dân có quyền tự do tác nghiệp, nhưng cũng nên để ý đến các yếu tố liên quan đến quyền cá nhân, riêng tư hay ảnh hưởng công việc của người khác.
Ví dụ như một số cửa hàng thời trang, của hàng trang sức, khách sạn… tuy không nằm trong quy định của nhà nước, nhưng họ có quyền cấm bạn quay phim chụp ảnh để đảm bảo tính độc quyền riêng, hay việc sở hữu trí tuệ…. Ở những khu vực công cộng, mọi người có thể chụp ảnh, quay phim những hoạt động sinh hoạt chung nhưng không được chụp cá nhân nếu người được chụp không muốn.
Trong vụ lùm xùm giữa YouTuber Khoa Pug và Aroma Resort, nếu khu vực này của Aroma Resort không có biển cấm quay phim chụp ảnh thì YouTuber Khoa Pug được phép quay phim. Ngoài ra, video này quay quá trình phải ánh sự việc giữa Khoa Pug và nhân viên của Aroma Resort không nhằm mục đích làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.
Hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm là một trong những nội dung quan trọng và được quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 18 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể như sau: Phạt tiền từ một triệu đồng đến ba triệu đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm.
Mức phạt này đồng thời áp dụng cho các hành vi:
- In ấn, sao chụp tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật không đúng quy định.
- Phổ biến, nghiên cứu thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước không theo đúng quy định.
- Không thực hiện đúng quy định về vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước.
- Tiêu hủy các tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không đúng quy định.
- Vào nơi bảo quản, lưu giữ, khu vực cấm, địa điểm cấm, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép.
Người vi phạm còn bị buộc thu hồi tài liệu, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo quy định.
Điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin nêu rõ: Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.
Tương tự, điểm e, khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng quy định phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó.
Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.
Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.