Từ vùng huyện nghèo của Lạng Sơn, Hữu Lũng chuyển mình thành 'bến đỗ' mới của các ông lớn BĐS

Huyện Hữu Lũng ngày càng ghi "dấu chân" của nhiều ông lớn BĐS nhờ những thay đổi tích cực về hạ tầng, cơ chế đầu tư.

Hữu Lũng là một huyện trung du phía tây nam tỉnh Lạng Sơn, bao gồm 23 xã và một thị trấn. Trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Hữu Lũng, cách thành phố Lạng Sơn 70 km về phía nam.

Huyện giáp tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên ở phía đông, tây và nam; giáp huyện Văn Quan, Bắc Sơn và Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ở phía bắc và một phần phía đông. Tổng dân số trên địa bàn bằng 1/5 tổng số dân tỉnh Lạng Sơn, trong khi diện tích tự nhiên bằng 1/10 diện tích toàn tỉnh (806,74 km2). 

Từ vùng huyện nghèo của Lạng Sơn, Hữu Lũng chuyển mình thành 'bến đỗ' mới của các ông lớn BĐS  - Ảnh 1.

Một góc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Nguyễn Duy).

Vào khoảng những năm 2010, đây là một trong những huyện nghèo của tỉnh với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hơn 80% diện tích là đồi núi, kinh tế lạc hậu, đời sống người dân nhiều khó khăn. Thị trường BĐS những năm này cũng khá "im hơi lặng tiếng" hơn so với khu vực TP Lạng Sơn, hay các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Nguyên hay Bắc Giang.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm quy hoạch và phát triển, hiện tại địa phương đang có sự bứt tốc lớn về độ phát triển kinh tế, tiềm năng du lịch lớn và hệ thống giao thông kết nối. Đây đều là những yếu tố hấp dẫn với các doanh nghiệp địa ốc. 

Hạ tầng ngày càng phát triển

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Hữu Lũng giai đoạn 2011 - 2020 nêu rõ, Hữu Lũng nằm chuyển tiếp giữa vùng trung du và miền núi phía bắc, với QL1A và đường sắt liên vận quốc tế thuận lợi cho giao thương, kết nối với Trung Quốc, cũng như các nước ở phía bắc Châu Á. 

Với vị trí đặc biệt này, những năm qua tỉnh không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng tại huyện. Tính đến năm 2020, mạng lưới giao thông hiện hữu tại tỉnh khá dày với tổng chiều dài đường bộ là 700,55 km.

Trong đó, hai trục đường lớn như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, QL1A dài 32 km; 4 đường tỉnh lộ 100,15 km cùng 8 tuyến đường huyện có tổng chiều dài 77 km.

Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang và sắp được đưa vào khai thác, như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (dự án thành phần 2), đoạn tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam; cùng hệ thống hạ tầng giao thông sẵn có như QL1, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, QL1B đi Thái Nguyên, QL4B đi Quảng Ninh, QL4A đi Cao Bằng… giúp liên kết vùng của Lạng Sơn ngày càng hoàn thiện, tạo đà phát triển BĐS.

Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn xác định 23 dự án trọng điểm, trong đó nêu rõ các dự án tại Hữu Lũng gồm: Khu đô thị mới Hữu Lũng 1.989 tỷ đồng; nút giao đường cao tốc vào KCN Hữu Lũng 193,1 tỷ đồng; Khu tái định cư, dân cư xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng 213,4 tỷ đồng; Khu công nghiệp Hữu Lũng 599,6 ha. 

Hiện tại, tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 80.763,12 ha, trong đó phần đất nông nghiệp là 58.100,31 ha; chiếm 71,94% tổng diện tích. Thực tế qua các năm, cơ cấu sử dụng đất của huyện Hữu Lũng có xu hướng giảm đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và tăng đất phi nông nghiệp.

Ngoài ra, địa bàn huyện Hữu Lũng cũng có hai con sông lớn chảy qua là sông Thương và sông Trung thuận lợi để phát triển BĐS nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.  

Cùng với những lợi thế về tự nhiên, tỉnh Lạng Sơn cũng đề ra nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn ưu đãi về hỗ trợ đầu tư, nhưng chưa được giải phóng mặt bằng sẽ được hỗ trợ một lần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sau khi hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, với định mức 5 - 20 tỷ đồng.

Từ vùng huyện nghèo của Lạng Sơn, Hữu Lũng chuyển mình thành 'bến đỗ' mới của các ông lớn BĐS  - Ảnh 2.

Từ vùng huyện nghèo của Lạng Sơn, Hữu Lũng chuyển mình thành 'bến đỗ' mới của các ông lớn BĐS. (Ảnh: Nguyễn Duy).

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ 50% giá trị xây lắp trước thuế thực hiện đường giao thông, đường điện và hệ thống cấp, thoát nước đến hàng rào dự án, với mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng.

"Bến đỗ mới" của loạt ông lớn BĐS

Khi quỹ đất tại Hà Nội ngày càng thu hẹp, giới đầu tư có xu hướng chuyển mình sang các khu vực có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. 

Theo nhiều chuyên gia, làn sóng dịch chuyển đầu tư về các tỉnh Đông Bắc và giáp ranh Hà Nội đã xuất hiện từ lâu và diễn ra mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua. 

Tận dụng làn sóng này, cùng với cú hích nhờ hạ tầng và cơ chế đầu tư, từ đầu năm 2021, Lạng Sơn nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực vùng biên phía bắc, đặc biệt tại huyện Hữu Lũng. 

Hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành BĐS như Tân Hoàng Minh,... đã lần lượt tìm về nghiên cứu đầu tư các dự án nhà ở, KCN tại địa phương này.

Về lĩnh vực BĐS công nghiệp, gần đây nhất, CTCP Bất động sản Mario đã có văn bản xin nghiên cứu và tài trợ lập quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Tân Thành 1, huyện Hữu Lũng.

Ngoài doanh nghiệp ba năm tuổi đến từ Hưng Yên này, vào tháng 10/2021, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VCG) cũng có đề nghị làm tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ 1.000 ha.

Nối gót Viglacera, ngày 15/12, Tổng công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP (Anh Phat Corp) cũng đã có văn bản xin đầu tư và hướng dẫn các thủ tục đầu tư dự án KCN tại huyện Hữu Lũng.

Ngày 30/12, tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận cho liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Đại Nam - CTCP Xây dựng Công nghiệp và Phát triển Hạ tầng (IDIC JSC) được khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch bổ sung cụm công nghiệp Hòa Sơn 1 tại huyện Hữu Lũng.

Không chỉ "đón gió" mới từ những nhà phát triển KCN, lĩnh vực BĐS nhà ở, khu đô thị cũng được các ông lớn ngắm đến tại vùng huyện này. 

Mới đây, Midland - thành viên Tập đoàn Midgroup xin được tài trợ lập quy hoạch cho dự án tổ hợp dịch vụ và sân golf Hồ Sơn quy mô 100 ha tại xã Hòa Thắng.

Trước đó, ngày 14/2, CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Tập đoàn Intracom) đã có văn bản gửi UBND tỉnh này đề xuất tài trợ sản phẩm quy hoạch Tổ hợp Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ thể thao tại xã Hồ Sơn.

Cuối tháng 12/2021, CTCP Phát triển và Quản lý Sunny World - doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề nghị nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập quy hoạch 1/500 Khu du lịch - đô thị sinh thái Đồng Lâm - Phân khu 4 và phân khu 5, huyện Hữu Lũng.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào cuối tháng 11/2021 cũng có đề xuất lập quy hoạch hai dự án khu đô thị 12.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp khoảng 2.500 tỷ đồng.

Hay Tập đoàn Vigory, doanh nghiệp đến từ Bắc Ninh có vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng vừa đề xuất nghiên cứu đầu tư hai khu nhà ở tại huyện Hữu Lũng. 

Trong vòng một năm qua, tỉnh cũng chủ trương đầu tư loạt dự án mới tại địa phương như Khu du lịch sinh thái và khu dân cư mới tại xã Hữu Liên và xã Yên Thịnh 500 ha; khu công nghiệp Hữu Lũng 600 ha;..

Với dư địa phát triển BĐS còn nhiều, việc huyện Hữu Lũng được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn chú ý thời gian qua kỳ vọng sẽ là tín hiệu khả quan để thị trường nhà đất địa phương phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.