Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) duyên hải Bắc trung bộ quý I/2023.
Tại thị trường Quảng Ninh, VARS cho biết, lượng giao dịch tại địa phương giảm mạnh, lên tới 80%. Trước những khó khăn chung của thị trường, nhiều khách hàng, nhà đầu tư chưa đưa ra quyết định giao dịch.
Thị trường ghi nhận một số ít giao dịch đến từ các dự án chung cư. Ước lượng có hơn 30% doanh nghiệp môi giới phải đóng cửa, hơn 50% môi giới BĐS không thể tiếp tục bám trụ với nghề.
Hàng loạt các động thái hỗ trợ thị trường BĐS của Chính phủ đã vực dậy tâm lý nhà đầu tư, tuy nhiên chưa có tác động trực tiếp tới việc phê duyệt dự án tại Quảng Ninh. Trong quý, đã có nhiều dự án nhà ở xã hội được giới thiệu và rumor ra thị trường, song hiện tại địa phương chưa mở bán được.
Theo VARS, đối với thị trường Quảng Ninh, nhà đầu tư có thể xuống tiền vào những bất động sản ở vị trí trung tâm, có giá trị về mặt dòng tiền, vừa có thể ở, vừa có thể cho thuê. Tránh các loại hình BĐS ven đô giá trị thực tế thấp, bị đẩy giá theo làn sóng hoặc cao trào.
"Thị trường BĐS Quảng Ninh có thể sẽ ấm hơn từ quý II, lượng giao dịch dự kiến tăng 20 - 30% so với quý I. Đối tượng khách hàng chủ yếu là khách có nhu cầu thực, khách đầu tư nhỏ lẻ ở Quảng Ninh", VARS dự báo.
Trong sự kiện công bố báo cáo thị trường BĐS quý II/2023 vừa tổ chức sáng ngày 6/7 của batdongsan.com.vn, đơn vị này cũng cập nhật một số tình hình về thị trường Quảng Ninh.
Đối với phân khúc đất nền, trong quý II giá rao bán đất nền ở Quảng Ninh nằm ở ngưỡng khoảng 21 triệu đồng/m2, giảm 4% so với quý trước đó. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá rao bán ở mức gần 40 triệu đồng/m2, không có sự biến động so với quý I.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đã tập trung dồn lực cho hạ tầng từ rất sớm, cụ thể là sân bay và cao tốc. Các công trình không chỉ giúp kinh tế của tỉnh này 7 năm liền phát triển hai con số (kể từ năm 2014) mà còn làm tăng giá trị địa tô các khu vực trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Hải Phát Invest, vào năm 2016, khu vực sân bay Vân Đồn giá đất thổ cư, tái định cư dao động 350 triệu - 500 triệu đồng/lô 300 m2 (khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/m2). Năm 2021, giá đất khu vực này khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2, như vậy tăng trưởng khoảng 800% trong 6 năm, tức 130%/năm.
Đối với những khu đô thị cũ bám biển ở Vân Đồn, giai đoạn 2016 - 2017, giá đất dao động 8 - 10 triệu đồng/m2. Đến giai đoạn 2018 - 2021, khi có những tín hiệu về đặc khu kinh tế, đường cao tốc, giá tăng lên 27 - 35 triệu đồng/m2, gấp khoảng ba lần.
Ở vùng lõi của Quảng Ninh là khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long, giá đất liền kề, biệt thự vào năm 2016 rơi vào khoảng 80 - 120 triệu đồng/m2. Từ 2017 đến nay đã tăng lên 230 - 250 triệu đồng/m2; những biệt thự 300 - 500 m2 tăng trưởng 80 - 160 triệu đồng/m2. Như vậy, thị trường Hạ Long đã tăng trưởng 2 - 2,5 lần trong 4 năm.
Tựu trung lại thị trường Quảng Ninh sau khi hoàn thành cao tốc, sân bay, những khu vực dưới 10 triệu đồng/m2 đã tăng giá khoảng 2 - 3 lần; một số khu vực cụ thể có đất rộng, rẻ tăng trưởng gấp 10 - 12 lần.
Ngoài khu vực trung tâm, từ khi có thông tin quy hoạch tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, nhiều tập đoàn BĐS lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, Hải Phát Land,… đổ bộ đã "làm nóng" thị trường BĐS khu vực này.
Thông tin từ Báo Quảng Ninh, một số khu vực ven đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn đầu năm 2021 từng ghi nhận hiện tượng "nóng sốt". Theo số liệu ghi nhận tại phường Hà Phong (Hạ Long), so với 2 - 3 năm trước đó, giá BĐS đã tăng gấp nhiều lần nhờ có tuyến đường bao biển chạy qua.
Đơn cử như tại dự án Km8, giá đất đã tăng từ 6 triệu đồng/m2 lên 18 triệu đồng/m2; khu vực lữ đoàn 170 giá bán từ 30 triệu đồng/m2 đã tăng lên 80 triệu đồng/m2; khu cột 5, cột 8 mặt đường bao biển từ 80 triệu/m2 tăng lên tới 300 triệu đồng/m2, mặt trong từ 30 triệu đồng/m2 đã tăng lên 80 triệu đồng/m2.