Ngày 19/12, trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp ở Hà Nội và TP HCM, Bộ TN&MT cũng một số bộ ngành, địa phương đã họp bàn giải pháp.
Tại cuộc họp này, các đơn vị liên quan đưa ra một số nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và TP HCM trong đó phương tiện cơ giới.
"Khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại TP Hà Nội có hơn 770 ngàn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TP HCM 700 nghìn ô tô là 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông từ của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải", thông cáo của Bộ TN&MT cho biết.
Vài năm trở lại đây, câu chuyện ùn tắc giao thông, khí thải gây ô nhiễm không khí từ phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn không phải là vấn đề mới.
Năm 2018, khi phát biểu tại một cuộc tọa đàm về ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) đã đưa ra những thông tin "giật mình".
Theo đó, ông Chung cho biết theo nghiên cứu, thiệt hại về kinh tế do ùn tắc giao thông đối với Thủ đô Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỉ USD/năm.
Bên cạnh đó, người dân Thủ đô cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nồng độ bụi mịn tăng cao.
Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn cũng đưa ra một số nguyên nhân của tình trạng trên trong đó có vấn đề tăng trưởng phương tiện quá nhanh.
Cụ thể, ông Chung cho biết, tốc độ tăng trưởng phương tiện ở Hà Nội so với tăng trưởng hạ tầng đang có nhiều bất cập.
Ví dụ, trong giai đoạn từ 2010-2017, ô tô tăng trưởng 10% và xe máy là 8%, trong khi đó, tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm, chiều dài 1,3 %.
Bên cạnh đó, vận tải công cộng tại Thủ đô đang kém phát triển, chất lượng không đạt kì vọng, không thu hút được người dân tham gia.
Sau cuộc họp ngày 19/12 nêu trên của Bộ TN&MT, đơn vị này có đưa ra thông cáo về các giải pháp hạn chế ùn tắc, ô nhiễm không khí trong đó có Hà Nội.
Cụ thể là thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lí để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Đối với các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, che chắn để hạn chế bụi.
Về lâu dài, Bộ TN&MT đưa ra giải pháp đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị.
"Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác", thông cáo của Bộ TN&MT nêu.
Ngoài ra, Bộ này cũng đưa giải pháp xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn.
Tương tự như Bộ TN&MT, ngày 25/12, UBND TP Hà Nội cũng ban hành chỉ thị trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo, điện giảm phát thải ô nhiễm môi trường không khí.
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, tại Việt Nam số lượng phương tiện cá nhân và đặc biệt là xe máy rất lớn.
Vị này cho rằng phải thừa nhận một điều là xe máy gắn bó với người dân từ lâu và đây là phương tiện cung ứng dịch vụ "từ cửa, tới cửa" và khó có hệ thống vận tải công cộng nào đáp ứng được.
Vài năm qua, có rất nhiều lí do đưa ra biện hộ cho sự thuận tiện của phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy nhưng chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên vẫn cho rằng hạn chế xe máy, ô tô ở Hà Nội rất quan trọng.
"Nếu vì sự thuận tiện của mỗi cá nhân dẫn đến mất kiểm soát phương tiện gây ùn tắc, ô nhiễm không khí thì đây là điều đáng quan ngại.
Tôi cho rằng chúng ta cần có lộ trình hạn chế phương tiện và phát triển vận tải công cộng song song với nhau. Không thể "bên nặng, bên nhẹ".
Chúng ta đều rõ ràng lợi ích của việc hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng vận tải công cộng trong việc xử lí ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, hạn chế xe cá nhân mà không có vận tải công cộng thay thế thì không thể làm được", ông Liên nói.
Tại báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội vào tháng 11/2019, TP cho biết tháng 10/2018, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP Hà Nội lập các đề án báo cáo HĐND thông qua trước khi trình Chính phủ gồm:
Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường "; Đề án "Đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khi thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện".
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang chỉ đạo thực hiện xây dựng đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Đáng chú ý, với vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân, UBND TP Hà Nội cho rằng cần thiết nhưng nhạy cảm và có tác động đến đời sống, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong và ngoài TP với các nhóm lợi ích trong xã hội nên trong quá trình thực hiện còn nhiều ý khác nhau dẫn đến triển khai chậm.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông (xin giấu tên) cho rằng với lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh như vài năm trở lại đây, tương lai chuyện ùn tắc, ô nhiễm là điều khó tránh khỏi.
"Chuyện hạn chế phương tiện cá nhân hay cấm xe máy..., chúng ta đã bàn nhiều nhưng hành động thì chưa. Có thể cho đây là vấn đề nhạy cảm nhưng nếu chỉ tuyên truyền, vận động thì khó có thể thực hiện được, chính quyền cần giải pháp mạnh hơn.
Hàng triệu người đi xe máy, ô tô chỉ nghĩ đến cái lợi cá nhân nhưng có ai nghĩ đến những phương tiện này đang tác động tiêu cực đến chính họ và xã hội", vị chuyên gia nói.
Video phương tiện cá nhân chiếm tỉ trọng rất cao ở Hà Nội.
Đô thị 01:00 | 30/04/2023
Đô thị 01:00 | 29/04/2023
Đô thị 01:00 | 28/04/2023
Đô thị 01:00 | 27/04/2023
Đô thị 01:00 | 25/04/2023
Đô thị 01:00 | 24/04/2023
Đô thị 01:00 | 23/04/2023
Đô thị 01:00 | 22/04/2023