Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét lại án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên

Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sau khi nghiên cứu đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chuyển đến cơ quan tố tụng liên quan, đề nghị xem xét lại bản án ly hôn của bà với chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản bản gửi bà Lê Hoàng Diệp Thảo thông báo về việc Phó Chủ tịch nước đã nhận đơn của bà, đề nghị xem xét lại vụ án lý hôn của bà và chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).

"Sau khi nghiên cứu, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn đến TAND tối cao, VKSND tối cao để giải quyết theo quy định", văn bản nêu rõ.

Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng có văn bản gửi Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM về việc xử lý đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo Ủy ban Tư pháp, đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo khiếu nại và đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án hôn nhân sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM vì lý do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Vì vậy, Ủy ban Tư pháp chuyển đơn tới và đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét lại án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên - Ảnh 1.

Vụ ly hôn đình đám của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên tốn không ít giấy mực của báo giới.

Trước đó, chiều 27/3, TAND TP.HCM đã ra phán quyết kết thúc cuộc ly hôn kéo dài của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo phán quyết của tòa án, tỷ lệ phân chia cổ phần là tài sản chung của cặp đôi Lê Hoàng Diệp Thảo - Đặng Lê Nguyên Vũ là 40:60.  Tòa lý giải phán quyết dựa trên đóng góp của hai người với sự phát triển của Trung Nguyên là khác nhau.

Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Trong đó công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.

Theo nguyên tắc phân chia 40:60 tại tòa, bà Thảo sẽ nắm giữ 36% cổ phần tại Trung Nguyên Investment, trong khi ông Vũ nắm giữ 54%. Tỷ lệ này được áp dụng với các công ty khác mà hai vợ chồng cùng nắm giữ như sau:

Tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, nơi trước đó 2 người giữ tổng 30% vốn điều lệ (ông Vũ 20%; bà Thảo 10%); tỷ lệ mới là 18% và 12%.

Tại 3 công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên và Công ty CP Trung Nguyên Franchise, tỷ lệ sở hữu cổ phần mới của hai người lần lượt là 6% cho bà Thảo và 12% cho ông Vũ (tỷ lệ trước phân chia là 5% và 10%).

Tại công ty Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, tỷ lệ mới là 12% và 18%, thay cho việc mỗi người nắm 15% trước đây.

Đáng chú ý, chìa khóa quản lý Trung Nguyên nằm ở tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment) khi doanh nghiệp này nắm 70% cổ phần Trung Nguyên Group và có thể chi phối mọi hoạt động tại đây. Điều này đồng nghĩa chưa cần có số cổ phần của mẹ, ông Vũ đã nắm quyền chi phối tại Trung Nguyên.

Tuy nhiên, con số 36% này đủ để bà Thảo vượt quá mốc quan trọng 35% ở Trung Nguyên Investment. Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2014, với việc sở hữu trên 35% cổ phần, bà Thảo có quyền phủ quyết một số quyết định quan trọng của Đại hội đồng cổ đông Trung Nguyên Investment.

Tòa cho rằng cần thiết phải giao cổ phần bà Thảo và ông Vũ trong tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý. Ông Vũ thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo; tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới.

Sau phiên xử, trả lời báo chí, bà Lê Hoàng Diệp Thảo xót xa: "Một bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi".

Đến chiều 12/4, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bản kháng nghị dài 14 trang phân tích nhiều sai sót của HĐXX.

Trong đó, tòa bị cho là không nêu đầy đủ và chính xác nhận định về các ý kiến của đại diện VKS, có hàng loạt vi phạm pháp luật cũng như tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Từ đó, VKSND TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.