Nói như vậy để thấy, mong muốn của ông Vũ có 70%, còn bà Thảo 30% Trung Nguyên là chính đáng. "Chiếc áo không làm lên thầy tu". Trước khi thiền, ông Vũ đã là một doanh nhân cùng vợ lăn lộn để gây dựng lên một Tập đoàn Trung Nguyên như ngày nay.
Là một người có triết lý kinh doanh trong ngành cà phê thời gian dài, trăn trở để Tập đoàn Trung Nguyên phát triển, không khó hiểu khi doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn tỷ lệ chia tài sản sẽ là 70:30 để ông có thể tiếp tục điều hành Trung Nguyên theo ý tưởng của mình.
Còn phía ngược lại, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi không rút đơn ly hôn thành công cũng đã tiếp tục vụ việc để theo lời bà, “có con đường đi bình an cho mỗi người” bởi “không có nhiều thời gian tranh cãi như vậy, rất mệt mỏi”, bà đòi nắm 51% cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên.
Cụ thể, đại diện của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên, 15% trong Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương.
Đồng thời trước đó, bà Thảo còn có ý định công bố bức thư của những người con của hai người với mong muốn mỗi người con được hưởng 5% cổ phần của Trung Nguyên.
Thật khó để giải đáp mong muốn tỷ lệ này từ bà Thảo nếu số tiền tương ứng chỉ để nuôi dạy con cái như cách bà quan tâm đến con như vẫn chia sẻ: “Tôi yêu thương các con hơn cả bản thân, muốn dành đầy đủ vật chất tinh thần cho các con”.
Và chỉ có việc nhìn nhận bà Thảo với tư cách một doanh nhân từng cống hiến cho Trung Nguyên không chỉ với vai trò là một cổ đông lớn mà còn là hậu phương vững chắc cho ông Vũ thì mới thấu hiểu việc tại sao bà đòi nắm 51% cổ phần của Trung Nguyên.
Bà Thảo mong muốn điều hành Trung Nguyên – một doanh nghiệp là mồ hôi, là nước mắt của hai vợ chồng trong những ngày nghĩa “tào khang” còn thắm đượm.
Phải chăng chính khát vọng đó đã thôi thúc bà xây dựng một "đế chế" King Coffee song song với một Trung Nguyên hùng mạnh?
Ai có số cổ phần lớn trong hai người – bà Thảo hay ông Vũ, người đó mới thực sự là ‘vua cà phê’ Trung Nguyên.
Nói như thế để có thể hiểu sự rành mạch trong việc đấu lý trước tòa ở việc phân chia tài sản giữa hai bên.
Sau khi đưa ra hàng loạt dữ liệu về sự tham gia của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ở Tập đoàn Trung Nguyên kể từ trước khi cưới ông Vũ cho đến thời điểm hiện tại, Luật sư Phan Trung Hoài khẳng định: “Có thể nói, hầu hết các thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Tập đoàn và thương hiệu cà phê Trung Nguyên đều mang đậm dấu ấn của bà Thảo”.
Ở phía ngược lại, luật sư phía ông Vũ nêu một số căn cứ pháp lý: Từ các giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung Nguyên từ ngày đầu thành lập cho đến tỷ lệ cổ phần trong lần đăng ký thay đổi thứ 22 ngày 10/6/2014.
Cụ thể, theo vị luật sư này, sau khi thành lập Trung Nguyên Cà phê năm 1996, vào năm 1998 (tức 2 năm sau) ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo, nhưng mãi đến 8 năm sau - chính xác là đến ngày 12/4/2006 khi thành lập Công ty Cổ phần Trung Nguyên (trên cơ sở là Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên), bà Thảo mới tham gia là cổ đông.
Còn trong lần đăng ký thay đổi thứ 22 ngày 10/6/2014, với vốn điều lệ công ty là 2.500 tỉ đồng; bà Thảo cũng chỉ chiếm tỉ lệ 28% cổ phần; ông Vũ chiếm 51%; ông Đặng Mơ chiếm 10%; Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên chiếm 9% và ông Đặng Nhật Quang chiếm 2%.
Luật sư của ông Vũ cũng dẫn chứng thêm chứng minh người sáng lập ra thương hiệu Cà phê Trung Nguyên duy nhất chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Cho đến ngày 13/4/2015, thời điểm bị cách chức Phó Tổng Giám đốc, bà Thảo chỉ tham gia điều hành 9/22 năm.
Nói vậy để phần nào hiểu được sự mạnh mẽ (thậm chí, theo lời bà Thảo, còn là sỉ nhục) trong các ngôn từ mà hai người dành cho nhau tại phiên xét xử.
Còn nhớ, cách đây 5 tháng, khi TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” xảy ra tại Tập đoàn Trung Nguyên, khôi phục lại chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo” tại Trung Nguyên, bà Thảo đã chia sẻ trên Facebook cá nhân: "Thật tình cờ, cũng hôm nay (ngày 20/9/2018 - PV), facebook nhắc tôi tấm hình này tròn 5 năm. Đây là món quà anh tặng tôi nhân dịp sinh nhật vào năm 2013. Biết tôi yêu hoa hồng, anh đã từng trồng cả vườn hồng rực rỡ dành riêng cho tôi".
Đó là những lời khen có “cánh” gây xúc động mạnh mẽ mà bà Thảo dành cho ông Vũ.
Nhưng dường như đã không còn gì khi vào buổi chiều 21/2, tại phiên tòa, trước những lời tranh luận với chồng mình tại tòa, bà Thảo đã phải nhấn mạnh: “Ly hôn với anh là một quyết định sáng suốt. Nếu tôi sai thì phải nói tôi sai cái gì, anh nên kiềm chế, nên dừng lại”.
Bà Thảo đã không còn muốn "nhường hết cho chồng mình, vì tất cả những điều mình làm, mình đều nghĩ rằng nếu chồng tỏa sáng thì mình cũng tỏa sáng".
Đồng thời, khi trả lời đề nghị của chủ toạ, bà Thảo còn "tố" ông Vũ ngoại tình, một chi tiết lần đầu tiên được nhắc tới khiến không ít người bất ngờ.
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ, khi được chủ tọa hỏi đã đặt ra hàng loạt câu hỏi “bóc mẽ” những lập luận của vợ mình đầy tức giận: “Có ai đưa chồng mình đến mấy bệnh viện kiểm tra, để đưa người chồng của mình vào cho được bệnh viện tâm thần. Không ai làm điều đó. Lương tâm không ai làm điều đó... Cô phải nói cái tâm cô. Cô phải sám hối.
Sống với nhau đúng bản chất... Bỏ qua về với nhau được không? Không phải một sớm một chiều. Không phải ngồi ở đây. Hỏi người thân xung quanh cô, tâm tính của cô. Cô phải sám hối”.
Thậm chí, khi bà Thảo đã có ý định rút đơn, ông Vũ cũng không đồng ý và sẵn sàng trở thành nguyên đơn đề nghị ly hôn.
Cả hai cùng đang cố gắng chứng minh "đối thủ" là người không xứng đáng tiếp tục đồng hành cùng mình tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Nếu nhìn nhận họ như hai vợ chồng, hẳn dư luận còn lăn tăn với hàng loạt câu hỏi: Tại sao có đến hàng năm trời để hòa giải mà hai con người từng gắn bó với nhau hàng chục năm, cùng trải qua nhiều sóng gió vẫn quyết định chia tay? Tại sao họ không cho “mái ấm gia đình” một cơ hội nhỏ nhất nào để nó tiếp tục tồn tại, dù nguyên đơn ly hôn xin rút đơn? Tại sao nhiều tiền như vậy rồi, họ không về cùng một nhà để những đứa con được hưởng hạnh phúc trọn vẹn về cả vật chất và tinh thần từ cha và mẹ?...
Không. Đứng trước tòa trong hai ngày vừa qua cũng như hàng loạt phiên tòa trước đó, họ đã không còn đóng vai là hai vợ chồng, họ là những doanh nhân thực thụ như xã hội đã và đang biết đến.
Và phiên tòa vừa tạm dừng chiều 21/2, đó không còn là phiên xét xử một vụ án Hôn nhân và Gia đình, đó thực sự là một phiên tòa xét xử quyết định quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên giữa hai doanh nhân: Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ và doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.
4 điểm tranh luận ở phiên tòa ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên
Luật sư của ông Vũ và bà Thảo trình bày quan điểm về việc phân chia tài sản, những "điểm nghẽn" trong hôn nhân của ... |
Tạm ngưng xử vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên
Phần tranh luận khá căng thẳng kéo dài nên đến gần 19 giờ phiên tòa mới tạm dừng. |
Kinh doanh 17:04 | 28/04/2020
Kinh doanh 12:33 | 04/04/2020
Kinh doanh 06:15 | 04/04/2020
Kinh doanh 17:57 | 03/04/2020
Kinh doanh 06:59 | 29/02/2020
Kinh doanh 12:42 | 19/02/2020
Kinh doanh 14:14 | 18/02/2020
Kinh doanh 16:55 | 10/02/2020