Vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên: Án phí phúc thẩm ra sao?

Án phí phúc thẩm là án phí phải nộp khi một vụ án, một quyết định đã được tòa án cấp dưới xét xử sơ thẩm nhưng chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Chiều 10/4, bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn kháng cáo đến TAND Cấp cao tại TP HCM.

Theo đó, bà kháng cáo toàn bộ bản án. Đáng chú ý, về quan hệ hôn nhân, bà bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với ông Vũ, dù bà là người đứng nguyên đơn trong vụ ly hôn.

Nội dung quan trọng thứ hai là bà không đồng ý phán quyết của tòa sơ thẩm về việc chia tài sản là cổ phần Trung Nguyên theo tỉ lệ 6:4, đồng thời giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ và buộc bà nhận lại tiền.

Về kháng cáo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông này cũng không đồng ý tỉ lệ chia như phán quyết của tòa sơ thẩm. Ông kiên quyết yêu cầu tòa phải chia các tài sản tranh chấp là cổ phần Trung Nguyên theo tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% - tỉ lệ mà ông đã đưa ra tại tòa sơ thẩm.

Theo đó, án phí bà Thảo phải nộp là 3,47 tỉ đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà đã nộp trước đó. Do vậy, số tiền án phí mà nguyên đơn phải nộp thêm là 2,34 tỉ đồng.

Án phí mà ông Vũ phải nộp sau khi đính chính là 4,97 tỉ đồng, được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp trước đó là 1,31 tỉ đồng. Do đó, số tiền án phí mà ông Vũ phải nộp thêm là 3,66 tỉ đồng.

Vậy, đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì án phí phúc thẩm ra sao?

Vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên: Án phí phúc thẩm ra sao? - Ảnh 1.

Vụ li hôn của vợ chồng nhà sáng lập cà phê Trung Nguyên gây ồn ào tranh chấp suốt hơn 3 năm.

Về nguyên tắc, bản án, quyết định sơ thẩm được tuyên chưa có hiệu lực pháp luật ngay, vẫn có thể kháng cáo, kháng nghị để tòa án cấp trên xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm.

Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Nghị quyết này.

Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm

Tòa không chấp nhận kháng cáo

Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trong bản án sơ thẩm đã tuyên, án phí bà Thảo phải nộp sau khi được đính chính là 3,47 tỉ đồng. Án phí ông Vũ phải nộp sau khi đính chính là 4,97 tỉ đồng.

Như vậy, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm thì án phí sơ thẩm giữ nguyên và bà Thảo phải nộp 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.

Tòa chấp nhận một phần kháng cáo

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Cụ thể, đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

- Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí.

- Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.

- Trường hợp vợ chồng yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng, thì người có nghĩa vụ về tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phân tài sản mà họ phải thực hiện.

Nếu họ không thỏa thuận chia được với nhau mà gộp vào tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi người phải chịu án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.

- Trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung.

- Trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải đương sự không thỏa thuận việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng đến trước khi mở phiên tòa các bên đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hòa giải trước khi mở phiên tòa và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.

- Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng.

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Trường hợp rút kháng cáo

Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm, về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận.

Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện

Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.

Như vậy, nếu bà Thảo rút đơn và được Vũ đồng ý thì án phí theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm vẫn giữ nguyên và bà Thảo phải nộp thêm 150.000 đồng (50% mức án phí dân sự phúc thẩm).

Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm thì những người khác vẫn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.