ichard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Huawei, trong sự kiện ra mắt mẫu smartphone 5G Mate 30 của Huawei ở Munich, Đức hôm 19/9. (Ảnh: Reuters).
Kể từ khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, hãng này không thể mua các công nghệ của Mỹ. Đó là lí do khiến bộ đôi smarptphone cao cấp Mate 30 và Mate 30 Pro mà Huawei vừa ra mắt tại một sự kiện ở TP. Munich (Đức) hôm 19/9 chạy trên phiên bản mã nguồn mở của hệ điều hành Android (AOSP), chứ không phải hệ điều hành Android được cấp phép chính thức của Google.
Do vậy, Mate 30 và Mate 30 Pro không được cài sẵn các ứng dụng quen thuộc và được yêu thích của Google như Google Maps, Google Search, YouTube, Google Mail, Google Play...
Bộ Thương mại Mỹ viện dẫn các lo ngại an ninh quốc gia là lí do để đặt Huawei và hàng loạt công ty liên kết của hãng này vào danh sách đen, khiến các công ty công nghệ Mỹ bị cấm bán hàng cho họ.
Google là một trong những công ty công nghệ Mỹ đang xin phép Bộ Thương mại Mỹ nối lại bán hàng cho Huawei nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý.
"Chính phủ Mỹ buộc chúng tôi phải làm điều này và chúng tôi không có giải pháp khác", Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Huawei, nói khi giải thích về việc không cài đặt sẵn các ứng dụng phổ biến của Google trên Mate 30 và Mate 30 Pro.
Buổi ra mắt bộ đôi smartphone cao cấp mới của Google hé lộ một số tính năng nổi bật chẳng hạn như màn hình tràn viền, nút chụp di động nhưng lại không làm sáng tỏ một số vấn đề khẩn cấp nhất về Mate 30, chẳng hạn làm sao người dùng có thể tiếp cận các ứng dụng của Google? Thời điểm và thị trường cụ thể mà Mate 30 được chào bán chính thức?
Dù khẳng định người dùng vẫn có thể tải các ứng dụng Google về Mate 30 thông qua App Gallery, kho ứng dụng độc quyền của Huawei hoặc từ các kênh khác, ông Yu không chỉ rõ ứng dụng nào của Google có sẵn để tải về.
Richard Yu cho biết Huawei chọn ra mắt Mate 30 chạy trên nền tảng AOSP thay vì nền tảng HarmonyOS, hệ điều hành bản quyền mới toanh của Huawei vì hãng này muốn giữ quan hệ tốt với Google vốn đang cung cấp các dịch vụ của Android cho mẫu smartphone trước đây của Huawei.
HarmonyOS vừa được ra mắt vào tháng trước và ban đầu nó sẽ được sử dụng cho các thiết bị đeo và tivi của Huawei. Song các chuyên gia cho rằng HarmonyOS chưa sẵn sàng triển khai cho lễ ra mắt của Mate 30, đặc biệt là khi đón nhận nhiều ý kiến đánh giá trái chiều ở nước ngoài.
"Tôi không nghĩ rằng Huawei đã sẵn sàng vận hành HarmonyOS cho smartphone", Mo Jia, nhà phân tích ở công ty tư vấn Canalys, nhận định.
Mishaal Rahman, Tổng biên tập của XDA Developers, một diễn đàn trực tuyến của các nhà phát triển phần mềm, cho biết Huawei đã có một số kinh nghiệm chăm sóc nhu cầu khách hàng ở các thị trường khác nhau.
Tại Trung Quốc, nơi các dịch vụ của Google bị cấm, Huawei đã thiết lập cấu hình cho các mẫu smartphone của hãng này với biểu tượng cài đặt nằm trên màn hình nền để các ứng dụng của Google có thể nhanh chóng được tải về khi những mẫu điện thoái này được bán ra thị trường nước ngoài.
Rahman, một người dùng ở Mỹ, cho biết anh có thể các tải ứng dụng của Google về mẫu smartphone Honor Magic 2 dành riêng cho thị trường Trung Quốc mà Huawei mới ra mắt gần đây. Tuy nhiên, Rahman không hứng thú với các dịch vụ được mô tả trên Mate 30 vào hôm 19/9. Anh nói: "Giải pháp thay thế của Huawei không gây ấn tượng như tôi kì vọng".
Người phát ngôn của Huawei cho biết bộ đôi smartphone cao cấp mới của Huawei sẽ được bán ở châu Á trước tiên vào tháng sau, tiếp đó là châu Âu. Tuy nhiên, người phát ngôn không tiết lộ cụ thể về ngày và địa điểm bán.
Doanh số của Mate 30 sẽ được quan sát chặt chẽ khi Huawei đang cạnh tranh nâng cao thị phần ở châu Âu, thị trường smartphone quan trọng nhất của Huawei bên ngoài Trung Quốc. Mate 30 và Mate 30 Pro có giá bán khởi điểm khá cao lần lượt 799 euro và 1.099 euro.
Trao đổi với trang tin điện tử Android Authority, Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Huawei, nói rằng Huawei kỳ vọng tiêu thụ được 20 triệu điện thoại Mate 30, chủ yếu nhờ thị trường Trung Quốc.
Ông nói: "Tôi nghĩ lệnh cấm vận của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến doanh số của chúng tôi ở thị trường nước ngoài nhưng doanh số tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh vì đây là mẫu điện thoại 5G cạnh tranh nhất thế giới".
Chuyển sang hệ điều hành mới là quyết định khó khăn nhất đối với hầu hết người dùng smartphone. Giới phân tích cho rằng khách hàng châu Âu có khả năng cao sẽ chuyển sang thương hiệu smartphone khác nếu Huawei mất quyền tiếp cận Android vĩnh viễn.
Nhà phân tích Ben Wood của Công ty CCS Insight, nhận định thương hiệu smarphone của Huawei có sức hút mạnh mẽ ở châu Âu nhờ thiết kế bóng bẩy và các tính năng cao cấp, do vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu tại thị trường này. Tuy nhiên, ông cho rằng mẫu smartphone Mate 30 sẽ gặp thách thức lớn tại châu Âu vì không được cài đặt sẵn các ứng dụng của Google.
Trong khi các mẫu smarphone của Huawei gần như không được bày bán tại Mỹ, doanh số smartphone của hãng này ở châu Âu rất cạnh tranh. Năm 2018, hãng Samsung nắm giữ 31% thị phần smartphone ở châu Âu, tiếp đó là Apple và Huawei nắm giữ mỗi bên 22% thị phần, theo dữ liệu của Canalys.