VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam ở mức 2,6 – 2,8%

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 2,6 – 2,8%.

Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quí III do VEPR tổ chức sáng 21/10, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR đã nhìn nhận dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8%, khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020.

VEPR dự báo việc sụt giảm nguồn cung căn hộ trên thị trường có thể gây áp lực tăng tới giá bán - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quí III do VEPR tổ chức.

Nhiều khu vực vẫn tăng trưởng dù gặp khó khăn

Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 2,12% so với cùng kì năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84% so với cùng kì năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08% so với cùng kì năm trước; khu vực dịch vụ tăng 1,37% so với cùng kì năm trước

VEPR - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,65% so với cùng kì năm trước, ngành lâm nghiệp tăng 2,02% so với cùng kì năm trước, ngành thủy sản tăng 2,44% so với cùng kì năm trước

VEPR chỉ ra rằng, sản lượng nông nghiệp tăng trưởng yếu do thiên tai và dịch bệnh. Đối với ngành lâm nghiệp tăng trưởng yếu do nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán khiến các doanh nghiệp giảm thu mua gỗ nguyên liệu, sản lượng gỗ khai thác tăng chậm so với cùng kì năm trước. Xâm nhập mặn cũng gây ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản, cộng với việc thị trường xuất khẩu chưa hoàn toàn hồi phục.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,69% so với cùng kì năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kì trong mười năm gần đây. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% so với cùng kì năm trước. Ngành khai khoáng giảm 5,35% so với cùng kì năm trước do sản lượng dầu thô khai thác và khí đốt tự nhiên giảm. Ngành xây dựng tăng 5,02% so với cùng kì năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng tăng tốt nhất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng nhờ nhu cầu xuất khẩu và đầu tư công tăng khá. 

Về khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kì các năm trước trong 10 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kì năm trước, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68% so với cùng kì năm trước, ngành vận tải, kho bãi giảm 4% so với cùng kì năm trước, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03% so với cùng kì năm trước, do ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Thách thức khi tham gia "sân chơi" thị trường quốc tế

Theo báo cáo của VEPR, xét về thị trường xuất nhập khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,74 tỉ USD, tăng 22,7% so với cùng kì năm trước

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 57,6 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kì năm trước

Mỹ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam đạt 44,36 tỉ USD, tăng 30,8% so với cùng kì năm trước

Việt Nam xuất siêu sang EU đạt 18,35 tỉ USD, giảm 8,4% so với cùng kì năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc 25,11 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kì năm trước; thị trường Hàn Quốc từ 18,55 tỉ USD, giảm 9,7% so với cùng kì năm trước, từ ASEAN 4,8 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kì năm trước.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cũng chia sẻ, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường "tạm nhập tái xuất" của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam và gắn mác của Việt Nam để xuất sang Mỹ. 

Hiện các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác. Trong khi Việt Nam lại nhập khẩu nhiều các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc. 

Vì thế, tất cả những con số thống kê nêu trên về sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng (như linh kiện điện tử) nhiều khả năng chỉ chỉ thuấn túy là tạm nhập tái xuất, chứ không phải do khu vực sản xuất trong nước mở rộng. Chính phủ nên có các chính sách thắt chặt các qui định về nguồn gốc của các nguyên liệu đầu vào công nghiệp nhập khẩu. 

Triển vọng kinh tế 

Tại buổi tọa đàm, VEPR cũng trích dẫn một số báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. 

Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam như việc kí kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp; làn sóng dịch chuyển đầu tư tại Việt Nam từ thương chiến Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình...

VEPR đã đưa ra hai kịch bản gồm cơ sở và bất lợi cho triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên, kịch bản cơ sở vẫn được nghiêng về khi bệnh dịch sẽ không tái bùng phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. 

Trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên qui mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6 – 2,8%.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.