Khác với những thị trường Âu Mỹ, smartphone ở Việt Nam được bán dưới dạng không kèm hợp đồng viễn thông. Trong thời gian dài, người dùng Việt không được trợ giá mua điện thoại.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng giám đốc FPT Shop, 99% smartphone bán ra ở Việt Nam không qua nhà mạng. Thực tế này trái ngược hẳn với những thị trường lớn ở Mỹ và các nước châu Âu.
"Ở nước ngoài, điện thoại bán ra phần lớn từ nhà mạng và là thuê bao trả sau. Họ có thể trả trước một khoản tiền bằng 1/3 cho đến 2/3 giá máy, sau đó hàng tháng sử dụng gói cước viễn thông theo cam kết. Nhờ vậy, khách hàng mua được máy rẻ hơn", đại diện nhà bán lẻ thứ 2 tại Việt Nam cho biết.
"Trong khi đó, điện thoại ở Việt Nam chúng ta chủ yếu bán ra bởi các nhà bán lẻ. Sở dĩ có tình trạng này là do chúng ta không có cách nào để quản trị rủi ro. Nếu hôm nay khách hàng mua điện thoại được trợ giá trước, ngày mai họ 'biến mất' không trả tiền nữa thì đại lý biết làm thế nào?", ông Việt Anh nói.
Không có cách hiệu quả để quản trị rủi ro, nên 99% smartphone bán ra tại Việt Nam không qua nhà mạng.
Đại diện nhà bán lẻ này cho rằng ở nước ngoài, các nhà mạng có cách để ràng buộc khách hàng để hoàn thành hợp đồng đúng hạn. Trong khi đó, ở Việt Nam, chưa có cách nào thực sự hiệu quả để bán hàng hàng theo mô hình trợ giá qua nhà mạng. Đó là lý do các hãng phải chọn cách bán lẻ truyền thống.
Nhận định này được đưa ra tại buổi công bố hợp tác giữa FPT Shop, nhà mạng Vietnamobile và Samsung, nhằm bán ra chiếc Galaxy Note 8 theo hình thức mới.
Theo đó, Galaxy Note 8 sẽ được bán ở FPT Shop với giá ưu đãi 8 triệu đồng, kèm theo gói cước data và nghe gọi từ Vietnamobile trả dần về sau. Samsung cung cấp giải pháp Knox, giúp bên bán có thể khóa máy từ xa nếu người mua có biểu hiện "bùng tiền", không thanh toán các chi phí còn lại sau khi nhận máy.
Thực tế, chương trình này đã triển khai hơn một tháng qua. Không chỉ bán qua FPT Shop và Vietnamobile, Galaxy Note 8 cũng được Viettel Telecom và Viettel Store kết hợp bán ra theo hình thức tương tự.
Tuy hình thức này giúp người mua dễ tiếp cận hơn với những mẫu smartphone cao cấp, đắt tiền, nhưng cũng còn tồn tại mặt trái. Trong trường hợp chiếc điện thoại còn hợp đồng nhưng bị lừa rao bán lại, và người bán không đóng đủ tiền cho nhà mạng, người mua sẽ phải đối mặt nguy cơ bị khóa máy bất cứ lúc nào.
Phần mềm quản lý trên máy có tên Knox. Khi khởi động lại, máy sẽ hiện thông báo về tình trạng hợp đồng của máy và yêu cầu không "mua bán/chuyển nhượng/phá hủy máy để tránh bị khóa, không sử dụng được". Bên cạnh đó, phần mềm còn chặn khôi phục cài đặt gốc của máy.
Tại Việt Nam, điện thoại di động được các nhà phân phối (Digiworld, FPT Trading, PHTD...) nhập về số lượng lớn, sau đó đẩy hàng đến các nhà mạng, đại lý bán lẻ (Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A...) và các cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc. Nhưng đôi khi một số thương hiệu như Samsung, Apple, Oppo... lại chỉ định các nhà bán lẻ nhập hàng trực tiếp, không cần qua nhà phân phối.
Trong mô hình này, nhà mạng không có hệ thống cửa hàng bán lẻ như Vietnamobile sẽ phải dựa vào một đại lý như FPT Shop để bán hàng. Trong khi đó, những nhà mạng có sẵn nhiều cửa hàng bán lẻ như Viettel và Mobifone cũng tự bán ra số lượng nhỏ iPhone, Galaxy Note 8 kèm hợp đồng ngay tại các cửa hàng viễn thông. Tuy nhiên, hình thức này chỉ mới xuất hiện và chưa chiếm % doanh số lớn so với bán lẻ truyền thống.