Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Liên quan đề xuất đáng chú ý nhất trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia mà Bộ Y tế vừa đưa ra tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội ngày 28-4, Tuổi Trẻ đã liên hệ ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo dự luật.
Ông Quang cho biết đây là một trong những giải pháp được đặt ra để lựa chọn, chưa phải đã trình Quốc hội.
"Quá trình xây dựng luật trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn hiện nay của dự luật này là tìm giải pháp phù hợp để hạn chế tiếp cận và hạn chế sử dụng rượu bia, sau đó sẽ đến giai đoạn lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất trình Quốc hội" - ông Quang nói.
"Như muốn đi máy bay thì phải tìm đường ra sân bay, đường nào ngắn và thông thoáng thì lựa chọn. Dự thảo này đang ở giai đoạn tìm đường ngắn và thông thoáng".
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất các phương án là cấm bán rượu, bia trong các quán karaoke hoặc chỉ cấm bán rượu trong các cơ sở kinh doanh này.
Đà Nẵng: Mãn nhãn với các màn trình diễn trong đêm khai mạc pháo hoa quốc tế |
Theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện có tình trạng biến tướng ở quán karaoke, thể hiện qua những hành vi xô xát vì uống nhiều rượu, bia ở quán karaoke.
"Không chỉ báo chí mà ngay các chuyên gia cũng đặt câu hỏi tại sao không chỉ cấm bán rượu mà cấm cả bán bia. Thực ra, uống 1-2 ly/chai rượu bia có thể làm không khí gặp gỡ thêm vui, nhưng uống nhiều rượu bia thì thành nghiện, dẫn tới đủ thứ bệnh, dẫn tới cả bạo lực và tai nạn. Rượu và bia đều có nguy cơ như nhau chứ không phải chỉ có rượu mới nguy hiểm" - ông Quang nhận định.
Còn theo bà Trần Thị Trang, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự hiện nay đã cấm bán rượu tại quán karaoke, chỉ cho phép bán bia, vì vậy ban soạn thảo dự luật đưa ra đề xuất cấm bán cả bia.
Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang, hiện đã có trên 40 văn bản của nhiều ngành, tỉnh thành và của Chính phủ liên quan đến hạn chế tiếp cận và sử dụng rượu bia, ví dụ cấm bia rượu trong bữa sáng, bữa trưa và giờ hành chính của cán bộ công chức.
Nhưng hiệu quả của quy định mới ở mức khởi đầu, không khó để tìm thấy cán bộ công chức uống rượu bia trong các bữa trưa hay các cuộc tiếp tân. Việt Nam cũng đang đứng ở nhóm đầu khu vực về lượng rượu bia sử dụng và tăng trưởng hằng năm của ngành rượu bia.
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết dự luật này sẽ được các thành viên ban soạn thảo tiếp tục bàn và thống nhất trước khi trình Quốc hội. Những điểm đáng lưu ý về tính phù hợp là có nên quy định cấm bán rượu bia ở quán karaoke, hay cấm bán cả ở các sàn nhảy, hay hạn chế giờ bán...
"Có nhiều ý kiến phản đối đề xuất cấm bán rượu bia ở quán karaoke, như gần đây cũng nhiều người phản đối đề nghị hạn chế xe máy. Dự luật này cũng đã tham khảo quy định quốc tế, nhiều quốc gia đã làm" - ông Quang chia sẻ.
Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế cũng đề xuất không bán rượu bia tại các địa điểm như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em, nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, trạm dừng, đỗ xe trên các tuyến đường giao thông.
Rượu bia cũng sẽ không được bán cho người đã có biểu hiện say, phụ nữ đang mang thai và người dưới 18 tuổi.
Bộ Y tế đánh giá việc cấm bán rượu bia trong quán karaoke sẽ không làm phát sinh lợi ích hoặc thiệt hại kinh tế trực tiếp cho nguồn thu của Nhà nước mà chỉ góp phần giảm mức độ dễ tiếp cận đối với rượu bia.
Nhưng bộ này thừa nhận các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, các cá nhân kinh doanh đang có bán rượu bia cùng dịch vụ ăn uống, có thể bị giảm doanh số bán hàng và doanh thu.
Về mặt xã hội, Bộ Y tế tự tin là giải pháp này không gây ra tiêu cực, cho dù trong thời gian đầu, người uống rượu bia sẽ thấy bất tiện do phải thay đổi thói quen sử dụng, mua bán rượu bia.
Tiếp viên Vietnam Airlines trình diễn áo dài trên độ cao 10.000m
Đúng 42 năm ngày Giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2017), Vietnam Airlines đã tổ chức hai chuyến bay đặc biệt ... |