Vì sao con chúng ta ốm?

Theo bác sĩ Lê Anh Quốc (cựu trưởng khoa khoa Đông y, bệnh viện Dầu Khí Dung Quất - Quảng Ngãi), nếu con bạn hay ốm chứng tỏ chúng ta đã làm điều gì đó không phù hợp với hệ miễn dịch của trẻ.
 

Nuôi con khỏe mạnh, tự nhiên là ước mơ của hầu hết các bậc làm bố làm mẹ. Nhiều bố mẹ có bao giờ tự hỏi tại sao những cặp vợ chồng khác nuôi con nhàn nhã, con lớn lên khỏe mạnh không phải dùng thuốc kháng sinh, trong khi con mình thì vài tháng đi khám bác sĩ nhi. Đến nỗi hễ thấy con hơi hắt hơi, hơi ấm đầu là bố mẹ lo thon thót, giật mình, lo lắng, bỏ bê cả công việc. Nhưng rồi vẫn bất lực vì con ốm vẫn hoàn ốm. Nó đã thành vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại.

vi sao con chung ta om
Bác sĩ Lê Anh Quốc. (Ảnh: NVCC)

Theo bác sĩ Lê Anh Quốc (cựu trưởng khoa khoa Đông y, bệnh viện Dầu Khí Dung Quất - Quảng Ngãi), có 6 yếu tố ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Bác sĩ cũng cho biết, việc nuôi con khỏe mạnh một cách tự nhiên là một lẽ của tự nhiên. Nếu con bạn hay ốm chứng tỏ chúng ta đã làm điều gì đó không phù hợp với cơ thể của trẻ, cụ thể là hệ miễn dịch của trẻ. Có cái gì đó đã làm tổn hại hệ miễn dịch của bé, khiến sức đề kháng bé giảm hơn so với những đứa trẻ khỏe mạnh khác. Vì nếu hệ thống bảo vệ cơ thể khỏe mạnh thì những yếu tố xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hay các yếu tố nóng, lạnh làm sao có thể xâm nhập và gây bệnh cho bé được?

Bố mẹ khỏe con mới khỏe

Hầu hết chúng ta đều yêu nhau rồi kết hôn, có thai rồi sinh con như là một bản năng mà không có sự chuẩn bị hay kế hoạch để sinh ra đứa con khỏe mạnh. Cơ thể người bố mẹ không có sự chuẩn bị cho việc sinh ra đứa con khỏe mạnh nhất là người mẹ không có sự chuẩn bị đầy đủ tốt nhất về cả thể chất và tinh thần lẫn điều kiện kinh tế.

Điều cần thiết của cả bố và mẹ là phải chuẩn bị từ trước sinh ít nhất là 3 tháng. Có bao nhiêu bố mẹ đã từng khám sức khỏe tổng quát trước khi sinh con, có bao nhiêu bố mẹ tham gia học các lớp tiền sản để chuẩn bị kiến thức khi mang thai khi sinh con?

vi sao con chung ta om
Bé gái con bác sĩ Lê Anh Quốc hiện được 4 tháng tuổi. (Ảnh: NVCC)

Có bao nhiêu các mẹ đạt chuẩn BMI từ 18-23, cân nặng tối thiểu 40kg, bao nhiêu mẹ biết đến việc cần bổ sung sắt và acid Folic trước khi mang thai 3 tháng...?

Có bao nhiêu các ông bố bỏ được rượu bia, thuốc lá trong vòng 3 tháng trước khi thụ thai. Vì từ lúc hình thành đến lúc một tinh trùng trưởng thành thì cần tới 72 ngày. Bố hút thuốc thì con có thể bị viêm tai giữa lặp đi lặp lại.

Thêm nữa, đa phần bà mẹ mang thai ăn theo nhu cầu muốn ăn của miệng mà không chú ý sự đa dạng thức ăn cần có cho con.

Ngoài ra bản thân bố mẹ cũng hay ho hắng, hay mắc các bệnh mãn tính, hay đã từng dùng các thuốc kháng sinh hay tránh thai nhiều, những điều này cũng vô tình ảnh hưởng rất lớn đến sức miễn dịch của con sau này.

Trẻ sinh mổ yếu hơn trẻ sinh thường

Tỷ lệ sinh mổ đang ngày càng gia tăng, trong đó ngoài nguyên nhân do bác sĩ chỉ định vì yếu tố bệnh lý thì tâm lý sợ đau, sợ khổ hay muốn con sướng bằng cách chọn ngày giờ đẹp để mổ cũng khiến tỷ lệ sinh mổ ngày càng cao.

Trẻ sinh thường chỉ cần 10 ngày để thiết lập hệ miễn dịch cân bằng và khỏe mạnh, trẻ sinh mổ cần tới 6 tháng, và trong 6 tháng đó có khi đã bị ốm mấy lần. Bởi quá trình sinh thường sẽ giúp xương lồng ngực ép lại đẩy hết nước ối, phân su (nếu có) trong đường thở của con ra, kết hợp bé được tiếp xúc với hệ lợi khuẩn đầu tiên ở đường dưới của mẹ. Vì thế sinh thường chính là lập trình đầu tiên cho hệ miễn dịch cho con kể từ khi con ra đời.

vi sao con chung ta om
Nuôi con bằng sữa mẹ tiếp tục phát triển hệ miễn dịch cho trẻ. (Ảnh: NVCC)

Nuôi con bằng sữa mẹ tiếp tục phát triển hệ miễn dịch cho trẻ

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn từ 0-6 tháng và kết hợp ăn dặm đến 24 tháng sẽ giúp xây dựng và phát triển tiếp tục hệ miễn dịch cho trẻ. Theo UNICEF, chỉ một cữ sữa công thức trong giai đoạn bé 0-6 tháng sẽ làm tổn hại đường ruột của bé mà phải mất thời gian rất lâu sau đó nhiều ngày bú mới phục hồi lại được.

Dùng kháng sinh tùy tiện cho con

Các bậc bố mẹ không ý thức được hầu hết các bệnh thông thường ở trẻ như sốt, ho, tiêu chảy ... đều do virus và có thể tự khỏi được nếu được chăm sóc đúng cách. Kháng sinh không điều trị các bệnh do virus lại luôn luôn được kê cho trẻ, hoặc tệ hơn các mẹ tự mua cho con mình uống vì lần trước uống đơn đó đã khỏi.

Quên đi cách tăng cường sức đề kháng tự nhiên nhất cho con

Bố mẹ bị cuốn theo cuộc sống công nghiệp mà quên đi những cách tăng cường sức đề kháng tự nhiên nhất cho con. Trẻ con bây giờ không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng hoặc tắm nắng cũng sai cách, không có nhiều không gian chơi đùa với cây xanh, đất cát...cũng làm hệ miễn dịch suy yếu.

vi sao con chung ta om
Nếu con bạn hay ốm chứng tỏ chúng ta đã làm điều gì đó không phù hợp với hệ miễn dịch của trẻ. (Ảnh: NVCC)

Ăn thực phẩm sai cách

Thức ăn chúng ta ăn hành ngày cả người lớn và trẻ nhỏ hầu hết đều là thức ăn công nghiệp. Từ sữa bột, bột ăn dặm, bim bim, xúc xích, nước ngọt có ga, dầu ăn...Điều này lý giải tại sao nước đang phát triển như Việt Nam lại có tỷ lệ ngày càng tăng mắc bệnh của nước giàu như tiểu đường, tim mạch, béo phì....ở người lớn. Theo thống kê, có đến khoảng 10-15 triệu dân số Việt Nam mắc tiểu đường.

Trẻ nhỏ cũng vậy, ốm sốt lặp đi lặp lại thường xuyên, hơn nữa, tỷ lệ béo phì ở trẻ tiểu học đang tăng chóng mặt.

Chúng ta đã vô tình cho con cái chúng ta ăn hàng ngày những thực phẩm gây viêm, tạo đờm như: đường, sữa, bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh, mì phở, bim bim, xúc xích, muối tinh, bột nêm, dầu thực vật và cả các loại bột ăn dặm. Không hiểu từ đâu có các khái niệm bột ngọt, bột mặn vì không cần nêm muối hay đường vào thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi.

Chúng ta đang ngày càng xa rời những thực phẩm hữu ích tăng sức đề kháng như gừng, nghệ, tỏi, hẹ, hành tăm, tía tô, kinh giới.

Phương Tây sau nhiều năm phát triển và chịu hậu quả của lối ăn uống đó họ quay ra nghiên cứu và chỉ ra nhiều điều thú vị: Những thức ăn của người phương Đông trước đây vẫn ăn hàng ngày đa số là thực phẩm có tính chống viêm, long đờm, kháng sinh thực vật....và họ bắt đầu quay về với lối ăn uống lành mạnh này.

Bác sĩ Lê Anh Quốc:

- Từng làm trưởng khoa Đông y bệnh viện Dầu Khí Dung Quất - Quảng Ngãi.

- Admin Cộng đồng sức khỏe vàng 7 Cam - hướng dẫn tư vấn bố mẹ nuôi con không dùng thuốc.

- Admin của Cộng đồng Nuôi con không dùng thuốc Kháng Sinh.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.