Nếu như trong vòng một năm mà bạn “nhảy” việc dưới hai lần thì có thể coi đó là lỗi ở công ty. Nhưng từ hai lần trở lên thì đó là lỗi ở bạn. Đã bao giờ bạn tự vấn bản thân: “Tại sao CV của mình sáng như thế, tại sao kinh nghiệm làm việc của mình ấn tượng như vậy mà mình lại thất nghiệp liên miên chưa?” Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn rõ lí do vì sao bạn giỏi mà bạn vẫn thất nghiệp.
Lý do 1: Quá tự tin
Đây là lí do cơ bản khiến bạn luôn bị “out” sau một thời gian làm việc ngắn dù CV của bạn rất ấn tượng. Tự tin là tốt, nhưng tự tin một cách thái quá thì không ổn một chút nào, cho dù là bạn làm việc ở môi trường nào đi chăng nữa. Những người quá tự tin về bản thân thường đi kèm một vài tính xấu là rất cố chấp, bảo thủ và không biết lắng nghe.
Tự tin thái quá là nguyên nhân khiến bạn thất nghiệp! |
Nên nhớ rằng, bạn đang trong tâm thái của một người đi làm việc cho một tổ chức, hãy đặt ra cho mình câu hỏi: “Mình đến đây để làm gì?”, bạn đâu phải là giám đốc công ty, bạn là người được họ trả lương để làm việc cơ mà, tại sao bạn lại không biết lắng nghe yêu cầu của họ? Những người này chỉ cần sếp hoặc đồng nghiệp “động chạm” đến quan điểm của họ là ngay lập tức họ “xù lông” lên phản pháo, tranh cái cho thắng bằng được thì thôi, và họ luôn hiểu sai một vấn đề đó là đích đến của tranh luận chính là làm cho công việc tốt hơn chứ không phải là chứng minh: “Tôi đúng – Bạn sai rồi!”.
Lý do 2: Không coi trọng cách làm việc nhóm (team work)
Vì cái “Tôi” cá nhân rất lớn và có tư duy làm việc độc lập nên mẫu người này rất lười làm việc nhóm. Nếu bị ép vào một nhóm để làm việc, họ sẽ cảm thấy rất khó chịu, bất mãn. Có hai cách để họ biểu hiện thái độ chống đối khi làm việc nhóm: Một là luôn tách mình ra, thờ ơ với các nhiệm vụ được giao, không quan tâm đội nhóm chia sẻ công việc, hai là họ sẽ giành hết những phần việc quan trọng để làm để chứng minh rằng họ là người quan trọng nhất trong công việc này. Nếu tình trạng này (làm việc nhóm) kéo dài từ hai tháng trở lên, nếu sếp không phàn nàn thì họ cũng tự động xin nghỉ việc.
Lý do 3: Vô kỉ luật
Hãy chú ý đến CV ấn tượng một chút, các nhà tuyển dụng sẽ đọc được thông điệp sau thời gian làm việc của họ. Nếu thời gian làm việc ngắn và chuyển công ty liên tục thì có nghĩa là họ rất hay “nhảy” việc, lí do sau đó thì chúng ta sẽ biết được khi họ vào công ty làm việc. Thường xuyên đi trễ giờ, không tuân thủ kỉ luật của công ty, làm việc tùy hứng... là dấu hiệu của những nhân viên vô kỉ luật.
Tâm lí không ổn định khiến bạn lúc nào cũng có tư tưởng không hết mình với công việc hiện tại! |
Lý do 4: Tâm lí không ổn định
Nhóm người có tâm lí không ổn định cũng là nhóm thường xuyên thất nghiệp. Họ luôn không thỏa mãn với công việc hiện tại: Về lương thưởng, về môi trường, về đồng nghiệp, về sếp, về công việc... Nhóm người này chỉ cần có một chỗ khác tốt hơn (theo suy nghĩ của họ) là ngay lập tức họ sẽ “nhảy việc”, hoặc chỉ cần một lí do bất chợt nào đó: Bỗng thấy chán việc, bỗng thấy muốn di chuyển chỗ ở... là họ có thể nghỉ việc ngay lập tức, cho dù khi đó họ có thể thất nghiệp.
Bốn lí do trên là những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng thất nghiệp đối với những nhân viên có CV “đẹp”. Để thành công trong công việc, một nhân viên cần rất nhiều yếu tố: Ngoài năng lực chuyên môn còn phải là thái độ sống và làm việc tích cực, cư xử với mọi người thật văn minh. Bạn đã từng làm việc ở đâu, như thế nào đôi khi chỉ là một tham chiếu của nhà tuyển dụng, điều quan trọng là bạn sẽ làm công việc hiện tại ra sao, với tâm thái như thế nào? Nếu như bạn luôn giữ trong lòng bốn thái độ trên thì việc bạn thất nghiệp là đương nhiên, không có gì phải thắc mắc!