Cận cảnh con rắn hổ mây "khủng" trong chuồng của Khu du lịch Đồi Tức Dụp trước khi bị bắt thả về thiên nhiên- Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 31/5, ông Lữ Cẩm Khường - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết sở dĩ không thả cặp rắn hổ mây "khủng" về lại Núi Cấm là do môi trường khu vực này đang triển khai thực hiện nhiều dự án. Khu vực này lại là khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
"Sợ thả ở khu vực này vừa không tốt cho rắn vừa không tốt cho người. Nên các ngành chức năng của tỉnh mới mời các chuyên gia khảo sát và tìm nơi an toàn, phù hợp môi trường sống của nó để thả thôi" - ông Khường nói.
Theo ông Khường, vừa qua, sau khi bắt được cặp rắn hổ mây "khủng", Tập đoàn Sao Mai có đề xuất thành lập khu bảo tồn tại Núi Cấm. Tuy nhiên, việc này lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng cần có các chuyên gia, nhà khoa học vào đánh giá, nghiên cứu xem bảo tồn con gì và số lượng bao nhiêu loài...
"Tập đoàn Sao Mai có kiến nghị thành lập khu bảo tồn động vật hoang dã nhưng phải xem xét khả năng có khả thi hay không. Vì phải có nghiên cứu khoa học môi trường ở vùng này là bảo tồn cái gì, quy mô, diện tích ra sao... Phải nghiên cứu kĩ lại về đề xuất này" - ông Khường nói thêm.
Chuyên gia và Chi cục kiểm lâm bắt rắn hổ mây "khủng" để vào thùng của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã rồi di chuyển về Đồng Nai - Ảnh: BỬU ĐẤU
Còn ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết UBND tỉnh không có quyền quyết định nơi thả cặp rắn hổ mây này. "Xuất phát từ các chuyên gia sau khi khảo sát vùng Bảy Núi nên các chuyên gia và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của Bộ NN&PTNT mới chọn địa điểm thả. Các chuyên gia phụ trách đã có báo cáo cụ thể trong việc thả cặp rắn này. UBND tỉnh An Giang không có quyền quyết định" - ông Thư nói.
Chuyên gia và đại diện tổ chức WAR đang gắn chip vào từng con rắn hổ mây "khủng" để theo dõi sức khỏe trước khi thả về Khu bảo tồn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trả lời Tuổi Trẻ Online, sắp tới UBND tỉnh An Giang làm gì để bảo tồn động vật hoang dã vùng Bảy Núi trong quá trình triển khai thực hiện thu hút đầu tư, ông Thư nói: "An Giang đã có 2 kế hoạch bảo tồn động vật hoang dã giao cho Sở TN-MT và Chi cục Kiểm lâm phụ trách. Những vùng nào bảo vệ nghiêm ngặt hay vùng lõi thì không thu hút đầu tư. Còn những vùng khác thì cho thu hút đầu tư nhưng trong quá trình triển khai, nếu doanh nghiệp phát hiện một số đối tượng quý hiếm thì phải đưa về nơi lưu giữ tạm để đưa về khu bảo tồn tự nhiên"
Một góc dự án điện năng lượng mặt trời triển khai dưới chân Núi Cấm - nơi phát hiện cặp rắn hổ mây "khủng" nên sau đó doanh nghiệp đã lắp đặt nhiều biển cảnh báo nguy hiểm - Ảnh: BỬU ĐẤU
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, đầu tháng 5, một nhóm công nhân và kĩ sư người Ấn Độ đã phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mây "khủng" ở núi Cấm, An Giang. Tập đoàn Sao Mai đã mang cặp rắn bắt được về Khu du lịch Tức Dụp để phục vụ du khách tham quan.
Ngay sau đó, chính quyền tỉnh An Giang vào cuộc kiểm tra xác nhận đây là cặp rắn hổ mây "khủng" nhất từ trước đến nay được bắt tại vùng Bảy Núi. Hai con rắn có trọng lượng khoảng 18kg/con và dài khoảng 4 m.
Chiều 30/5, tại Khu du lịch Đồi Tức Dụp, Tập đoàn Sao Mai tổ chức lễ bàn giao cặp rắn hổ mây "khủng" cho Kiểm lâm An Giang để thả về môi trường tự nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn và đại diện Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (Wildlife At Risk - gọi tắt là WAR).