Vì sao Moody’s bất ngờ đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm Italy?

Theo Moody’s viện dẫn thì sự yếu kếm trong chính sách tài khóa của Ý và quyết định của chính phủ nhắm đến mục tiêu thâm hụt ngân sách cao hơn trong những năm tới là lý do chính cho việc hạ bậc tín nhiệm.

Vào cuối ngày hôm qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã bất ngờ hạ 1 bậc xếp hạng nợ quốc gia của Italia xuống Baa3.

Theo thang xếp hạng hiện tại của Moody’s thì bậc Baa được xem là chất lượng trung bình, với một vài yếu tố đầu cơ và rủi ro tín dụng đáng kể, trong đó hạng 3 (bậc Baa3) được đánh giá khả năng trả nợ ngắn hạn ở mức chấp nhận. Bậc Baa3 cũng là xếp hạng thấp nhất trong bậc đầu tư, tức chỉ cao hơn đúng một bậc so với thang xếp hạng bậc đầu cơ (trái phiếu của những nước nằm trong bậc đầu cơ còn gọi là trái phiếu rác).

Theo Moody’s viện dẫn thì sự yếu kếm trong chính sách tài khóa của Ý và quyết định của chính phủ nhắm đến mục tiêu thâm hụt ngân sách cao hơn trong những năm tới là lý do chính cho việc hạ bậc tín nhiệm. Công ty xếp hạng này cũng nói thêm rằng các đề xuất chính sách của chính phủ đã không đưa ra một loạt các cải cách kèm theo có thể giúp Italia tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Moody cũng đánh giá nền kinh tế Italy vẫn ở mức triển vọng ổn định, có nghĩa là không có khả năng cắt giảm xếp hạng nợ của nước này một lần nữa bất cứ lúc nào trong thời gian tới. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn đang cảnh giác với khả năng Italy có thể bị đánh tụt bậc xếp hạng thêm lần nữa, đồng nghĩa với trái phiếu của nước này sẽ được xếp loại là trái phiếu 'rác' và thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu của nước này.

Lợi suất trái phiếu gần đây của Italy liên tiếp tăng lên mức kỷ lục do các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán nước này. Cụ thể nếu như hồi tháng 5, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy chỉ nằm quanh 1,7% thì hôm thứ 5 vừa qua đã lên mức cao nhất trong 5 năm qua gần 3,8%, tức đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 5 tháng qua.

Theo đó chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy ngày càng nới rộng so với lợi suất trái phiếu Đức. Với mức chênh lệch gần đây lên tới 3,4%, mức cao nhất trong 5 năm qua, các nhà đầu tư châu Âu có khuynh hướng chuyển sang trái phiếu Đức như một nơi trú ẩn trong thời kỳ bất ổn cao trong khu vực đồng euro, bởi vì nước này là thành viên lớn nhất trong EU. Và điều này càng khiến giá trái phiếu Đức tăng cao hơn, tức lợi suất giảm thêm và càng mở rộng chênh lệch với lợi suất trái phiếu Italy.

vi sao moodys bat ngo danh tut bac xep hang tin nhiem italy
Lợi suất trái phiếu Italy đã tăng vọt bắt đầu từ tháng 5 đến nay

Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm Italy là khá bất ngờ khi mới đây Pierre Moscovici, ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính, cho biết ông muốn giảm căng thẳng với Ý trong kế hoạch ngân sách của nước này. Moscovici cho rằng sẽ tìm cách "giảm căng thẳng và duy trì một cuộc đối thoại mang tính xây dựng" với các nhà lãnh đạo Ý”.

Dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn khá bi quan về những tuyên bố của Moscovici, khi tin rằng đó là một phần của cuộc tranh luận ngân sách sẽ diễn ra giữa Roma và Brussels. Mark Grant, trưởng phòng chiến lược toàn cầu của ngân hàng đầu tư B. Riley FBR, cho biết: "EU đang cố gắng dùng lời nói để xoa dịu Italy, nhưng Italy sẽ không lùi lại trước nhu cầu ngân sách của mình". Và có lẽ đây chính là thêm cơ sở cho Moody’s thực hiện quyết định trên.

Đầu tuần này, chính phủ Ý đã thông qua dự thảo luật ngân sách cho năm tới, xác nhận một loạt các biện pháp mở rộng có thể dẫn đến thâm hụt tăng nhanh, vi phạm các quy tắc ngân sách của EU và đưa các quan chức của quốc gia này vào một cuộc xung đột với EU.

Dự thảo luật quy định mục tiêu thâm hụt ngân sách là 2,4% tổng sản phẩm quốc nội. Các quan chức EU lo ngại mức thâm hụt thực tế có thể cao hơn nhiều, đặc biệt nếu tăng trưởng kinh tế không cải thiện nhiều như dự đoán trong các dự báo của ngân sách. Ngoài ra, việc tăng thâm hụt ngân sách như vậy sẽ ngăn chặn kế hoạch giảm nợ quốc gia của nước này, vốn đang là nước có nợ lớn thứ hai trong khu vực đồng EUR, với tổng nợ đã lên tới 2,3 nghìn tỷ EUR, tương đương 2,6 nghìn tỷ USD. Được biết dự thảo luật ngân sách đầy đủ của Italy sẽ được đệ trình lên Quốc Hội Italy vào hôm nay.

Tuy nhiên, với việc vừa bị đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm, khả năng lợi suất trái phiếu của Italy sẽ tiếp tục tăng vọt trước làn sóng bán tháo của giới đầu tư, đồng thời chi phí vay nợ của nước này cũng sẽ tăng lên, gây thêm khó khăn cho chính sách tài khóa và khiến dự thảo luật sẽ cần được cân nhắc kỹ trước khi thông qua. Điều này cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào trái phiếu Đức như đã nói ở trên, hoặc tìm đến các thị trường an toàn hơn như trái phiếu Mỹ, vốn cũng đang khá hấp dẫn khi lợi suất cũng tăng vọt gần đây.

Hiện chỉ số bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) ở trái phiếu kỳ hạn 5 năm cập nhật gần nhất vào ngày 19/10/2018 là nằm tại 283,1 điểm, tăng 4,8% trong tuần qua, tăng 36,7% so với tháng trước và tăng đến 105,74% so với đầu năm nay.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.