(Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Đầu tư tài chính) |
Mới đây, Bộ GTVT đã có dự thảo Nghị định thay thế nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trong dự thảo, việc định nghĩa hoạt động kinh doanh vận tải đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ phía chuyên gia và doanh nghiệp taxi truyền thống.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải".
Theo tờ trình của Bộ GTVT, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long và một số cá nhân khác cho rằng định nghĩa này không phù hợp Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội taxi 3 miền (Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM), định nghĩa này "hoàn toàn xác đáng".
Lý do các hiệp hội taxi truyền thống đưa ra là "định nghĩa mới" về hoạt động kinh doanh vận tải hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ hiện hành; đồng thời xuất phát từ tình hình thực tế hoạt động của Uber và Grab trong thời gian vừa qua.
"Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề căn bản để phân biệt một công ty "chỉ cung cấp phần mềm gọi xe" với công ty hoạt động kinh doanh vận tải.
Trên cơ sở này mới xác định khu vực mà nhà nước cần quản lý như thuế, vận tải…và các trách nhiệm pháp lý rõ ràng, chặt chẽ của doanh nghiệp đối với nhà nước, hành khách, lái xe và bên thứ 3 (trường hợp gây tai nạn).
Đặc biệt, Tòa án Công lý châu Âu cũng đã phán quyết hoạt động của Uber, Grab như hiện nay là kinh doanh vận tải và phải quản lý như đơn vị kinh doanh vận tải", các hiệp hội taxi lên tiếng.
'Grab sẽ là đơn vị kinh doanh vận tải'? |
Được biết, ngoài việc nhận định "không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ", các chuyên gia cũng cho rằng "trong nền kinh tế hiện đại, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, tập trung đầu tư vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị, tìm cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, các hiệp hội taxi lại cho rằng những ý kiến này là "sự ngụy biện, cố tình đánh tráo khái niệm vì "lợi ích nhóm" để bảo vệ cho Uber, Grab".
Theo các đơn vị này, Luật Giao thông đường bộ đã quy định: "Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.
Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện hoạt động vận tải đường bộ.
Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó, Grab không chỉ cung cấp phần mềm kết nối vận tải, mà còn trực tiếp tuyển dụng, sa thải lái xe, trực tiếp điều hành xe, quyết định giá cước vận tải, phân chia lợi nhuận...
"Như vậy, Grab đã sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa, để thực hiện hoạt động vận tải đường bộ, thì tất yếu phải xác định là đơn vị kinh doanh vận tải.
Nếu Grab hoặc các đơn vị phần mềm khác chỉ đơn thuần bán phần mềm cho đơn vị vận tải, hoặc cung cấp phần mềm rồi thu phí đơn thuần, không tham gia điều hành, không quyết định giá cước... như nêu trên thì mới không phải là đơn vị kinh doanh vận tải", các hiệp hội taxi nêu quan điểm.
Những đơn vị này cũng nhấn mạnh "định nghĩa mới" về hoạt động kinh doanh vận tại hoàn toàn phù hợp cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; không nên lý giải theo kiểu ngụy biện, cố tình đánh tráo khái niệm để cho rằng "Grab chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm".
Khoản 2 Điều 3 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (ngày 31/7/2018) định nghĩa kinh doanh vận tải như sau:
"2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải." Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm điều hành phương tiện, lái xe... được quy định tại Khoản 4 Điều 16: "4. Đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử và các pháp luật có liên quan. Trường hợp trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa hoặc quyết định giá cước vận tải thì là đơn vị kinh doanh vận tải và phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này." |
Thất bại khi đề xuất Grab 'chơi chung sân', taxi truyền thống tiếp tục kêu cứu
Taxi truyền thống cho rằng xe kinh doanh dưới 9 chỗ dùng phần mềm phải là taxi và tiếp tục gửi đơn kêu cứu. |