Mấy tuần trước, sau bữa ăn tối, tôi nhận được điện thoại của một anh bạn tâm sự về việc nên về Việt Nam hay ở lại Vương quốc Anh trong mùa bệnh dịch. Cửa hàng của anh bạn chuẩn bị tinh thần phải đóng cửa, trường học của các con cũng có thể phải đóng cửa trong thời gian gần.
Mỗi người có những lí do và lựa chọn của riêng mình. Chỉ một thời gian không lâu trước đó, chúng tôi còn tính xem kỳ nghỉ Phục Sinh năm nay sẽ đưa bọn trẻ đi đâu chơi. Đột nhiên dịch bệnh đã đến quá gần, nó quá nhanh và quá nguy hiểm.
Giờ thì nước Anh đã bị phong tỏa (lockdown) được hơn 1 tuần. Toàn bộ các trường học đã đóng cửa, các công sở đều cho nhân viên làm việc từ nhà, các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu đều phải đóng cửa. Người dân không được ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Cuộc sống của người dân ở đây bị thay đổi cơ bản và đột ngột.
Trước lệnh phong tỏa vài tuần, tâm lí lo sợ bệnh dịch làm nhiều người đổ xô đi siêu thị mua tích trữ đồ, nhiều bạn bè người Việt của chúng tôi cũng vậy. Các kệ hàng thiết yếu trong siêu thị sạch trơn. Các diễn đàn và các tờ báo bắt đầu lên tiếng về sự ích kỉ, hoảng loạn làm cho những người già, người tàn tật… rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn.
Có cô nhân viên y tế sau 1 ngày làm việc mệt mỏi, nguy hiểm để cứu chữa người bệnh tới siêu thị đã bật khóc nức nở vì không còn gì mua để ăn… Những hình ảnh và cảnh báo đó đã đánh động nhiều người. Hệ thống siêu thị cũng thay đổi cách bán hàng: Nhân viên y tế, những người phải làm việc chống đỡ bệnh dịch, những người già… được ưu tiên mua hàng trước.
Những người dân khác phải xếp hàng với khoảng cách yêu cầu tối thiểu 2m và chỉ được mua số lượng giới hạn các mặt hàng… Mấy ngày vừa rồi, các loại hàng hóa đã dần trở lại trên các giá bày hàng dù khách hàng vào siêu thị phải xếp hàng khá dài.
Chúng tôi vẫn giao lưu, trao đổi thông tin qua hệ thống mạng xã hội trong các nhóm nhỏ. Chúng tôi cập nhật cho nhau các thông tin về bệnh dịch, các bước đi của Chính phủ Anh và cả những bài tập thể dục, các món ăn hay tạo các sân chơi chung cho bọn trẻ qua các apps trên mạng. Người Việt sống xa quê hương, xa người thân phải biết lo xa, tự lo cho mình nhưng lo lắng vẫn còn nhiều lắm, không tránh khỏi.
Chúng tôi vẫn cố giữ nếp sinh hoạt hàng ngày. 7.30 sáng thức dậy chuẩn bị ăn sáng. Ăn sáng xong bọn trẻ bắt đầu chương trình học online theo lịch của trường, bố mẹ thì làm việc công ty giao. Khác biệt so với trước đây là chúng tôi có bữa trưa cùng nhau. Buổi chiều, cả nhà đều cố gắng kết thúc công việc sớm để cùng nhau chơi, cùng nhau tập thể dục.
Những hôm đẹp trời có thể cùng nhau đạp xe quanh khu chúng tôi ở hoặc cùng nhau tập thể dục trong vườn nhà. Ngày gió và khá lạnh như hôm nay thì tập thể dục trong phòng theo các bài tập online…
Không ai muốn thời gian dịch bệnh này kéo dài thêm nhưng vì không tránh được nên chúng tôi biến nó thành những ngày có ích, thành những kỉ niệm không quên trong lòng bọn trẻ và cả chúng tôi.
Bạn bè tôi cho tới giờ hầu hết đều ổn vì may mắn vẫn giữ được việc làm, có nhà cửa và khỏe mạnh. Chúng tôi đều ít nhiều đã từng trải qua những năm tháng vất vả, thiếu thốn đủ thứ ở quê nhà nên mọi việc diễn ra vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng của nhiều người. Tuy vậy, có nhiều người Việt không được may mắn như thế.
Những công việc người Việt thường làm ở Anh đang bị ảnh hưởng nặng. Các nhà hàng đóng cửa dài ngày nên bồi bàn, nhân viên trong bếp cũng phải nghỉ. Các cửa hàng làm móng (nails), ngành chủ lực của người Việt cũng đứng trước những thách thức lớn.
Thu nhập của nhân viên không còn do shop bị đóng cửa đang ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ. Sự hỗ trợ của Chính phủ Anh cũng chỉ giúp được họ phần nào. Những người Việt kém may mắn nhất là những người không giấy tờ, làm việc bất hợp pháp ở Anh. Dịch bệnh chính là cơn ác mộng với họ và những người nhà của họ ở Việt Nam.
Anh bạn tôi tên Phúc, là 1 người làm nghiên cứu về Y Sinh. Anh quan tâm và viết bài về bệnh dịch gửi báo chí. Trước đây hơn tháng anh còn kịp mua được vài hộp khẩu trang để chuẩn bị chống dịch. Trước ngày có lệnh phong tỏa của Chính phủ, anh còn kịp mang khẩu trang tới biếu những ông bà cụ người Việt sống cùng thành phố với anh.
Một người bạn khác tên Giang thì cùng với chồng và các con gửi các tin nhắn cùng số điện thoại của mình cho những gia đình người Việt trong cùng thành phố để họ cần giúp gì thì liên lạc với bạn.
Một gia đình khác cùng với các tổ chức từ thiện của địa phương sẵn sàng giúp đỡ những người già trong khu vực của mình sống…
Chúng tôi đã và đang gắn bó với mảnh đất này, quê hương thứ 2 của chúng tôi. Chúng tôi hòa nhập với cuộc sống, với người dân nơi đây để cùng xây dựng tương lai của chính mình.
Bầu trời đang u ám, gió to và khá lạnh nhưng cây đào, cây mận trong vườn nhà tôi vẫn đang trổ bông và hứa hẹn một mùa hè tuyệt vời với những chùm quả trĩu trịt. Cuộc sống vô cùng tươi đẹp vẫn đang diễn ra quanh ta.
Mỗi người chúng tôi đều có những mối lo riêng, những cách làm của riêng mình nhưng hầu hết chúng tôi đều có một quan tâm chung đó là quê hương, là Việt Nam, nơi chúng tôi vẫn còn những người thân đang sống, nơi tuổi thơ chúng tôi đã trải qua, đã gắn bó. Chúng tôi đều hướng về quê hương và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với Việt Nam.
Dịch bệnh là mất mát, là đau thương nhưng nó đang giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống của chính mình, nó cũng mang đến cho chúng ta sự gắn kết và tình yêu cuộc sống, tình yêu con người. Chính vì có sự gắn kết, có tình yêu chúng ta sẽ cùng vượt qua.