Trong báo cáo chiến lược đầu tư tuần từ 16 - 19/1, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho biết, mức giảm giá tương đối thấp của VND so với USD trong tương quan so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư khi yếu tố bất định thường trực ở hầu hết thị trường tài chính toàn cầu.
Nhận định về các yếu tố tác động lên thị trường chứng khoán, VCBS thông tin, trên thị trường thế giới, lạm phát Mỹ giảm 0,1% trong tháng 12 đúng như kỳ vọng của thị trường. So với cùng kỳ lạm phát Mỹ tăng 6,5% cũng là mức tăng nhất tính từ tháng 10/2021. Tuy vậy, cũng cần lưu ý xu hướng tăng giá của các nhóm hàng hóa vẫn dang tiếp diễn và hàm ý Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất dù tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể.
Theo đó, chỉ số sức mạnh đồng USD tiếp tục giảm nhẹ. Diễn biến này cùng với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục gia tăng dự trữ ngoại hối thành công trong tuần qua được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường. Việc mua vào ngoại tệ thành công tiếp tục thể hiện khả năng can thiệp linh hoạt 2 chiều của nhà điều hành.
Trong ngắn hạn, thanh khoản VND sẽ tiếp tục được cải thiện đáng kể đi cùng với khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Với giả định dòng vốn đầu tư tiếp tục duy trì tên thị trường trong và sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để không tăng lãi suất điều hành hoặc thậm chí kéo giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, VCBS nêu quan điểm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, nhưng chu kì thắt chặt khó có thể kết thúc sớm. Vào ngày 14 tháng 12 năm 2022, Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, thấp hơn mức 75 điểm cơ bản trong lần tăng trước đó và báo hiệu cho thị trường rằng cuộc chiến chống lạm phát sẽ tiếp tục vào năm 2023.
VNDIRECT cho rằng sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất nữa của Fed với tổng mức tăng là 50 điểm cơ bản trong quý đầu tiên của năm 2023. Chuyên gia từ công ty chứng khoán này không mong đợi sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2023, trừ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Với dự báo rằng suy thoái sẽ không xảy ra, VNDIRECT cho rằng Fed chỉ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong quý I/2024 với mức giảm nhẹ là 25 điểm cơ bản.
Trong nước, đà tăng lãi suất trong nước chậm lại. Đã có ít nhất 12 ngân hàng thương mại, nổi bật là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), thông báo giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất giảm từ 0,5%/năm đến 3,5%/năm đối với khoản vay bằng VND cho một số khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có đủ thanh khoản và lãi suất cho vay thấp hơn so với các ngân hàng khác.
Đối với lãi suất huy động, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống tối đa 9,5%/năm. Sau đó, một số ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ trên 10%/năm xuống dưới 9,5%.
VNDIRECT dự báo chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm trong tháng 1. Thanh khoản thị trường vẫn yếu trước Tết Nguyên Đán. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng trước kỳ nghỉ lễ sắp tới. Nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro. Xu hướng phục hồi của thị trường có thể thể gập ghềnh. Vì vậy, VNDIRECT khuyến nghị ưu tiên đầu tư vào các cổ phiếu giá trị hoặc trả cổ tức cao. Ngoài ra, nhà đầu tư nên đưa vào danh sách theo dõi những cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công và việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán đã có bước khởi đầu thuận lợi ở 2 tuần đầu năm, chỉ số VN-Index tăng 5,27% lên trên ngưỡng 1.060 điểm dù thanh khoản chỉ bằng ½ bình quân năm 2022.
Trong bối cảnh thanh khoản thấp, dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu đã giúp thị trường có sự phân hóa tích cực, nổi bật là các nhóm cổ phiếu như đầu tư công, chứng khoán, thép, bất động sản…
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có 2 tuần tăng liên tiếp, vùng cận trên ở 1.064 điểm vẫn là ngưỡng cản khá mạnh khi không có sự ủng hộ từ thanh khoản. Với độ rộng thị trường khá tích cực, nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá vùng tích lũy sau tết âm hoặc vẫn tiếp tục sideway-up (xu hướng vừa tăng vừa tích lũy), nhưng có cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ, MBS khuyến nghị.
MBS cho biết, nhà đầu tư nội có tâm lý nghỉ Tết sớm là nguyên nhân chính khiến thanh khoản ở mức thấp. Trong khi đó, khối ngoại vẫn tranh thủ mua ròng mạnh (ngoại trừ giao dịch thỏa thuận EIB ở phiên cuối tuần).
Thực tế, sau 9 tuần mua ròng liên tiếp, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.439,34 tỷ đồng mà nguyên nhân đến từ việc khối ngoại bán ròng gần 3.394 tỷ đồng trong phiên cuối tuần.
Xét theo khối lượng ròng, EIB cũng là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 132,7 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là PVT và DCM với đều 1,3 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 16,8 triệu cổ phiếu.
Kết thúc tuần giao dịch (từ 9 – 13/1), VN-Index tăng 8,73 điểm lên 1.060,17 điểm, HNX-Index tăng 0,61 điểm lên mức 211,26 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 17,8% so với tuần trước đó lên 48.167 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13,8% lên 2.660 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 2% xuống 4.348 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,6% xuống 283 triệu cổ phiếu.
Thị trường tăng nhẹ trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự hồi phục. Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 5,5% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu như PVD tăng 8,4%, OIL tăng 8,3%, PLX tăng 5,6%, BSR tăng 2,7%, PVS tăng 2,2%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường là ngân hàng với mức tăng 1,4%. Đây là nhóm đã giúp "neo" giữ thị trường trên ngưỡng tham chiếu trong suốt tuần qua. Các cổ phiếu tiêu biểu có thể kể đến như VIB tăng 7%, ACB tăng 4,3%, VPB tăng 2,4%, VCB tăng 2,1%, CTG tăng 1,7%, SHB tăng 1,4%, BID và TCB đều tăng 0,4%...
Nhóm nguyên vật liệu cũng tăng 1,4% trong tuần qua, nhờ các cổ phiếu thép như HPG tăng 2,8%, HSG tăng 3,6%, NKG tăng 6%... Trong khi đó, cổ phiếu hóa chất lại điều chỉnh với DPM giảm 3,1%, DGC giảm 2,9%, DCM giảm 2,6%... khiến cho mức tăng chung của ngành nguyên vật liệu bị suy giảm.
Cổ phiếu dược phẩm và y tế tăng 1,2% với các đại diện như DBD tăng 1,1%, TNH tăng 1,9%, AMV tăng 2,9%...
Nhóm công nghiệp tăng 0,7% giá trị vốn hóa; hàng tiêu dùng tăng 0,4%; tài chính tăng 0,3%. Chiều ngược lại, nhóm dịch vụ tiêu dùng giảm 0,3% giá trị vốn hóa và tiện ích cộng đồng giảm 0,1%.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường kết thúc 2 tuần đầu năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội giải ngân cho cả ngắn, trung và dài hạn.
Tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng của năm âm lịch, có thể thị trường sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên nhà đầu tư đặc biệt là những người theo trường phái đầu tư trung, dài hạn có thể tiếp tục giải ngân dần để đón đầu giai đoạn tích cực, SHS khuyến nghị.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong bối cảnh hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm trong tuần qua.
Tuần qua ghi nhận chứng khoán Phố Wall nối dài đà tăng điểm, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần (13/1), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,33% lên 34.302,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,40% lên 3.999,09 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa phiên tăng 0,71% lên 11.079,16 điểm.
Đáng chú ý, S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 13/12/2022, trong khi Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 14/12/2022.
Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 2,7% và Dow Jones tăng 2%. Riêng Nasdaq tăng 4,8% và ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 11/11/2022.
Tại châu Á, hầu hết các thị trường đi lên trong phiên giao dịch 13/1, khi đồng USD vẫn chịu áp lực giảm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát Mỹ chậm lại.
Thị trường Thượng Hải, Sydney, Seoul, Mumbai, Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Wellington và Manila cũng đều bừng "sắc xanh".
Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục khép lại một tuần tăng ấn tượng, bất chấp một báo cáo cho biết Chính phủ Trung Quốc đang xem xét sở hữu "cổ phần vàng" trong hai "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba và Tencent, giúp họ kiểm soát chặt chẽ hơn lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 330,30 điểm xuống 26.119,52 điểm, giữa bối cảnh đồng yen đã tăng giá mạnh nhất trong vòng 7 tháng qua so với USD sau khi các số liệu mà các cơ quan chức năng Mỹ mới công bố cho thấy lạm phát ở nước này đã hạ nhiệt.