Theo tin từ Báo Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu đạt 264.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với 2019 và vượt 2,4% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt 39.800 tỷ đồng, tăng 4,1% và vượt 3,9% kế hoạch năm.
Ở lĩnh vực viễn thông, điểm sáng kinh doanh của Viettel năm 2020 là ở nước ngoài, khi 10 thị trường của Viettel tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận với dòng tiền chuyển về nước xấp xỉ 333 triệu USD.
Tại Việt Nam, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ cố định băng rộng lớn nhất với 41,8% thị phần. Dịch vụ di động của Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 54,2% thị phần, trong đó thị phần thuê bao data đạt 57%. Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên cung cấp kinh doanh thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, Viettel nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
Doanh thu từ sản xuất sản phẩm dân sự đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với năm 2019.
Ở lĩnh vực chuyển phát, logistics và thương mại điện tử, các đơn vị thành viên của Viettel tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Mảng dịch vụ chuyển phát đạt 9% so với trung bình ngành 4%; kinh doanh bán lẻ đạt 111% kế hoạch, tăng 339,4% tương đương 46.600 tỷ đồng so với năm 2019.
Tháng 12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã gửi tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu trong đó chọn Viettel là một trong ba đơn vị dẫn dắt các thành phần kinh tế khác.
Bộ cho biết Tập đoàn Viettel là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.
Song song đó, trong định hướng phát triển, Viettel đang xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào ba mảng gồm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng.
Ngoài ra, Viettel đang muốn nằm trong top 80 doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động quốc phòng cao trên thế giới từ nay đến năm 2025.
Theo Bộ KH-ĐT, giải pháp để Viettel trong thời gian tới có vai trò dẫn dắt chính là sẽ đề xuất cơ chế cho Viettel nghiên cứu hình thành quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (trích thêm 20% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp quốc phòng an ninh để hình thành quỹ).
Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất nghiên cứu hình thành quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho Viettel với mục đích tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa đi kèm với phát triển nhân lực chất lượng cao