Giá cổ phiếu VNS đang giao dịch ở mức thấp nhất trong khoảng 6 năm trở lại đây.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/10, VNS tiếp tục giảm điểm, xuống còn 17.800 đồng mỗi cổ phiếu và chỉ có hơn 5.000 cổ phiếu được chuyển nhượng, với tổng giá trị 93 triệu đồng.
Tuy vậy, mức này vẫn còn cao hơn so với giá 16.500 đồng mỗi cổ phiếu được xác lập trong phiên giao dịch ngày 18/9. Thế nhưng, theo những nhà đầu tư lạc quan nhất, khả năng VNS sẽ phát vỡ đáy 6 năm này trong phiên giao dịch sắp tới lớn bởi mã cổ phiếu này đang có những dấu hiệu rất xấu nếu nhìn vào thanh khoản.
Kết quả kinh doanh trượt dài, Vinasun vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra. Ảnh: Lê Quân. |
Và đặc biệt là cơn “cuồng nộ” của người tiêu dùng đối với hãng taxi này sau sự cố khẩu hiệu phản đối Uber và Grab.
Nếu tiếp tục thủng đáy 16.500 đồng thì đây là mức giá thấp nhất của VNS trong khoảng 6 năm trở lại đây.
Mã VNS chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong phiên giao dịch ngày 29/7/2008, với giá tham chiếu là 60.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Do lên sàn trong thời điểm thị trường chứng khoán lao dốc nên VNS có lúc giảm xuống chỉ còn trên dưới 13.000 đồng mỗi cổ phiếu ngay trong năm 2008. Tuy nhiên, VNS cũng nhanh chóng lấy lại phong độ trong năm 2009 và xác lập đỉnh 65.000 đồng mỗi cổ phiếu ở phiên giao dịch ngày 15/10/2009.
Sau đợt suy giảm này, VNS cũng có những đợt biến động mạnh nhưng rất hiếm khi giá cổ phiếu rơi xuống dưới mốc 30.000 đồng thời điểm trước năm 2016.
Năm 2016 là thời điểm Uber và Grab bắt đầu gia tăng thị phần, trong khi Vinasun tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua.
Theo số liệu từ báo cáo thường niên 2016, tổng doanh thu của doanh nghiệp là 4.763 tỷ đồng. Mức tăng trưởng doanh thu này khiêm tốn so với mức luôn đạt trên hai con số ở những năm trước.
Kết quả kinh doanh của Vinasun từ năm 2010 đến nay. Đồ họa: Quang Thắng. |
Theo giải trình của Vinasun, hầu hết chi phí chính đều tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm 5,08% so với cùng kỳ.
Song nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm biên lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi.
Nhằm duy trì lượng xe và độ phủ lớn, tránh tình trạng nhân viên chuyển qua hoạt động cho các công ty taxi công nghệ, Vinasun đã phải điều chỉnh mức lợi nhuận chia ra với tài xế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đẩy mạnh hoạt động marketing và các chương trình khuyến mại cho khách hàng, góp phần đẩy chi phí tăng mạnh.
Lãnh đạo Vinasun cũng thừa nhận những năm gần đây, thị trường vận tải khách đường bộ xuất hiện hai hãng taxi mới áp dụng công nghệ, cạnh tranh trực tiếp với các hãng taxi truyền thống là Uber và Grab. Với lợi thế tiềm lực tài chính mạnh, ứng dụng công nghệ kết nối và không phải bỏ phí đầu tư xe nhằm chỉ hưởng hoa hồng, hai hãng này từng bước chiếm lấy thị phần trong hoạt động vận tải taxi.
Chính điều này thúc đẩy taxi truyền thống phải có sự chuyển mình, và Vinasun đã chủ động thử nghiệm với Vinasun App.
Đây là phần mềm đặt xe - điều xe thông minh cho khách hàng, thông qua smartphone và điện thoại cho toàn bộ xe ở tất cả các địa bàn công ty kinh doanh. Ngoài ra, hãng còn đưa vào hệ thống ứng dụng đặt xe Vcar, gồm những dòng xe sang trọng (Land Cruiser, Lexus, Camry) không gắn bảng hiệu và logo.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể tạo sự chuyển biến thật sự trước áp lực cạnh tranh quá lớn từ Uber và Grab. Thậm chí, việc đầu tư này còn khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng mạnh.
Không chỉ thất bại trước 2 hãng xe công nghệ, Vinasun còn thừa nhận mình đang gặp khó trước sự phát triển của các loại hình vận tải công cộng. Đơn cử là việc đưa vào sử dụng xe buýt nhanh BRT.
Đặc biệt, khi dự án Metro hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2020 sẽ làm thay đổi nhận thức di chuyển của người dân, vì những tiêu chí như chi phí thấp, nhanh, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường. Những nhân tố này được dự đoán sẽ làm hoạt động vận tải hành khách của Vinasun bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo kế hoạch năm 2017, Vinasun dự kiến thanh lý 1.050 xe và đầu tư thêm tối thiểu 750 chiếc.
Biến động nhân viên của Vinasun từ 2013 đến nay. Chỉ 6 tháng đầu năm, 8.000 nhân viên Vinasun đã nghỉ việc. Đồ họa: Quang Thắng. |
Tại thời điểm cuối năm 2016, hệ thống Vinasun sở hữu 6.561 xe, trong đó công ty mẹ 6.261 xe và công ty con Vinasun Green tại Đà Nẵng 300 xe. Với kế hoạch giảm ròng 300 xe, đến cuối năm 2017 dự kiến công ty mẹ chỉ còn xấp xỉ 6.000 xe.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, Vinasun đặt mục tiêu 4.025 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế giảm xuống còn 256 tỷ đồng so với kết quả 397 tỷ đồng của năm 2016. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 50%, từ 225 tỷ đồng xuống 105 tỷ đồng.
Phần còn lại 151 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý xe. Như vậy, 2017 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 2008, lợi nhuận từ thanh lý xe sẽ lớn hơn lợi nhuận từ hoạt động vận tải của Vinasun.
Và đúng như dự báo, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 đã thể hiện rõ tình trạng bết bát của doanh nghiệp.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng chỉ đạt 127,6 tỷ đồng (giảm 32% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt 11,6 tỷ đồng (giảm gần 80% so với cùng kỳ 2016), thanh lý xe mang về 58,7 tỷ đồng.
Điều này cũng khiến giá cổ phiếu VNS lao dốc liên tục những tháng đầu năm 2107.
Cụ thể, vào đầu năm 2017, VNS còn giao dịch trên mức 32.000 đồng mỗi cổ phiếu. Với mức giá hiện tại là 17.800 đồng mỗi cổ phiếu thì VNS đã mất hơn 43% giá trị.
Hiện tượng đáng ngại nữa là sự suy kiệt về thanh khoản của VNS. Thời gian đần đây, VNS thường chứng kiến khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ có vài nghìn đơn vị. Đơn cử phiên giao dịch ngày 6/10, chỉ có 1.520 cổ phiếu VNS được khớp lệnh thành công.