VinFast vẫn lỗ hàng nghìn tỉ dù doanh số bán xe tăng đều

VinFast tiếp tục chịu khoản lỗ lên tới 6.591 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay. Doanh nghiệp hiện đang phải bù lỗ cho mỗi chiếc xe VinFast bán ra.

Cuối năm 2019, VinFast cho biết hiện mỗi chiếc xe VinFast Lux SA2.0 bán ra họ đang phải chịu lỗ tới 300 triệu đồng.

Ngoài ra, hãng xe Việt vẫn phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế giống như những hãng xe khác trên thị trường, bao gồm các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… mà không có bất kì sự ưu tiên nào.

Theo số liệu công khai của VinFast, hàng năm hãng phải chịu khoảng 11.000 tỉ chi phí khấu hao và chi phí tài chính, toàn bộ chi phí này được tính vào lỗ hoạt động kinh doanh của công ty.

Tháng 12/2019, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Bloomgberg, tỉ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, ít nhất là trong 5 năm tới, VinFast chưa thể kinh doanh có lãi. Công ty sẽ phải tiếp tục bù lỗ cho những chiếc ô tô bán ra thị trường.

Bloomberg trích dẫn lời ông Vượng cho biết, mỗi năm Vingroup sẽ phải chi hàng nghìn tỉ đồng để bù lỗ cho mảng kinh doanh ô tô, mà theo dự tính con số lỗ có thể lên tới 18.000 tỉ đồng/năm. 

Các khoản lỗ này bao gồm chi phí tài chính, khấu hao và bán xe dưới giá thành sản xuất.

Do đó, không ngạc nhiên khi mới đây VinFast đã công bố báo cáo tình hình tài chính trong 6 tháng đầu năm 2020 với mức lỗ sau thuế lên tới hơn 6.000 tỉ đồng.

Cụ thể, trong nửa đầu năm, hãng xe này đã chịu mức lỗ 6.591 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với khoản lỗ 1.570 tỉ đồng cùng kì năm ngoái. 

Vốn chủ sở hữu của VinFast tiếp tục được tăng mạnh trong 6 tháng vừa qua, từ gần 19.500 tỉ đồng cuối năm 2019 lên hơn 28.000 tỉ đồng, tức tăng hơn 30%. 

Với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,81 lần, Vinfast đang có tổng số nợ khoảng 79.000 tỉ đồng. 

Doanh số bán xe tăng đều nhưng VinFast vẫn lỗ hàng nghìn tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020 - Ảnh 1.

Chỉ số tài chính cơ bản của VinFast trong 6 tháng đầu năm 2020. (Nguồn số liệu: VinFast).

Mặc dù ghi nhận số lỗ sau thuế tăng so với cùng kì năm ngoái, tuy nhiên đây có thể là tín hiệu vui đối với hãng xe Việt với tuổi đời còn non trẻ.

Bởi ngoài nguyên nhân chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thì khoản lỗ tăng đi cùng chính sách trợ giá cho mỗi chiếc ô tô bán ra, sẵn sàng "lỗ theo kế hoạch" của VinFast cho thấy doanh số bán xe của VinFast đang ngày một tăng. 

Trong nửa đầu năm 2020, VinFast chứng kiến doanh số bán xe của hãng liên tiếp tăng cao trong các tháng, thậm chí có thời điểm còn vượt mặt các hãng xe tên tuổi khác trên thị trường.

Cụ thể, trong quí 1/20202, VinFast bán được tổng cộng 5.124 xe, đứng thứ 5 về doanh số bán ra trong quí, xếp trên các hãng lớn như Mazda, Ford hay Suzuki. 

Trong tháng 4, trước diễn biến của dịch bệnh, VinFast tuyên bố dừng các hoạt động sản xuất ô tô để tập trung sản xuất máy thở, phục vụ nhu cầu chống dịch.

Rất nhanh chóng, trong tháng 5 và tháng 6, các hoạt động kinh doanh được nối lại với doanh số xe VinFast bán ra lần lượt đạt 2.100 xe và 2.170 xe. 

Luỹ kế nửa đầu năm 2020, hãng xe Việt bán được 9.394 xe.Trong khi đó, cả năm ngoái, doanh số bán ô tô của VinFast đạt 17.214 xe. 

Như vậy, tính riêng nửa đầu năm 2020, VinFast đã bán được số xe bằng 55% so với số xe bán ra trong cả năm 2019.

Doanh số bán xe tăng đều nhưng VinFast vẫn lỗ hàng nghìn tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020 - Ảnh 2.

VinFast cũng đang từng bước tối ưu hoá các qui trình sản xuất, qua đó giảm chi phí sản xuất và chi phí quản lí nhằm giảm lỗ trong thời gian tới.

Hãng vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ ngay trong tổ hợp sản xuất của mình, qua đó nâng cao tỉ lệ nội địa hoá, giúp giảm giá thành của sản phẩm, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, VinFast cũng thành lập các viện nghiên cứu trong các lĩnh vực như ô tô điện, pin điện, xe thông minh,... nhằm tự chủ về mặt kĩ thuật, công nghệ, tiến tới kinh doanh có lãi trong tương lai.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.