Liên quan tới việc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc có 46 công chức nhưng có tới 37 người làm lãnh đạo, ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã lên tiếng về vấn đề này.
Lạm phát lãnh đạo do đang sắp xếp lại
Trao đổi với báo Lao Động, ông Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, từ năm 2012, Sở có 13 phòng ban chuyên môn, số lượng cán bộ công chức, viên chức là 57 người. Theo cơ cấu, mỗi phòng ban sẽ có 1 trưởng phòng và 2 phó trưởng phòng.
Từ năm 2016, thực hiện chủ trương về tinh giản, sắp xếp tổ chức lại bộ máy, Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm dần biên chế. Cho đến thời điểm này, định biên của Sở chỉ còn 50 người gồm 46 công chức và 4 viên chức. Do tính chất thời vụ và công việc, Sở sẽ trưng tập thêm biệt phái viên.
Trong số 46 công chức hiện nay thì có tới 37 người làm lãnh đạo từ ban giám đốc Sở tới lãnh đạo các phòng, ban (chiếm khoảng 83%). Trong đó, có 1 giám đốc, 3 phó giám đốc và 33 trưởng, phó phòng. Như vậy, chỉ có 9 người là chuyên viên.
Từ tháng 1.2017, thực hiện Đề án 01 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và kế hoạch của UBND tỉnh, Nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 11 của liên Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ, Sở GDĐT thực hiện sắp xếp giảm từ 13 phòng chuyên môn xuống còn 10 phòng.
Ông Quân thừa nhận, vì đang trong quá trình tiến hành sắp xếp nên về số lượng lãnh đạo tại các phòng ban cũng có sự phình to hơn. Cụ thể, tháng 7.2017, toàn bộ cán bộ gồm 1 trưởng phòng và 1 chuyên viên phòng Pháp chế được điều chuyển công việc về Hiệu phó trường chuyên Vĩnh Phúc và chuyên viên về Giáo dục Tiểu học.
Phòng Thanh tra Sở GDĐT đơn vị hiện có 4/4 lãnh đạo là do tiếp nhận thêm Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên về làm chánh thanh tra. 3 chức danh còn lại bao gồm: 2 phó chánh thanh tra và 1 nguyên chánh thanh tra do năm vừa qua sức khoẻ yếu nên có đơn xin không bổ nhiệm lại chánh thanh tra. Sở GDĐT cũng đang xây dựng phương án sắp xếp đồng chí này về các địa phương với công việc phù hợp.
Phòng Giáo dục Trung học tiếp nhận thêm 1 phó phòng Công nghệ thông tin do phòng Công nghệ thông tin bị quy hoạch gộp lại. Việc điều chuyển này cũng đang là tạm thời mà chưa có quyết định.
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc nói: Do đang tiến hành sắp xếp nên không thể tránh khỏi những điều chưa hợp lí. Sở GDĐT đã lên kế hoạch tiếp tục tinh giản để giảm bớt số lãnh đạo các phòng, ban. Việc quy hoạch dự kiến được hoàn tất trong quý IV/2017.
Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 37/46 công chức làm lãnh đạo. Ảnh: HN |
“Lãnh đạo không có nghĩa là không làm việc”
Lí giải về việc bổ nhiệm quá nhiều lãnh đạo, Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Phúc cho rằng: Toàn tỉnh có 545 đơn vị trường học do Sở GDĐT quản lý chuyên môn. Vì thế, với chức danh lãnh đạo các phòng, ban thì các cán bộ sẽ làm việc thuận lợi với cơ sở hơn, có vị thế làm việc.
Một lí do khác được lãnh đạo này đưa ra là quy định cứ 2 đồng chí nghỉ hưu thì được bổ sung thêm 1, cộng thêm với việc sắp xếp, sàng lọc đội ngũ, tinh giản biên chế nên dẫn đến nhiều lãnh đạo hơn chuyên viên.
“Đây không gọi là thừa vì điều này phù hợp với số lượng phòng ban như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện để giảm xuống trong thời gian tới. Chính sách cán bộ gắn liền với cuộc sống của mỗi người nên làm công việc này phải thận trọng, xem xét điều kiện hoàn cảnh, lựa chọn đối tượng cho phù hợp. Chứ không thể là câu chuyện một sớm, một chiều”, ông Quân cho hay.
Bàn về việc bổ nhiệm nhiều lãnh đạo, tiền lương từ ngân sách Nhà nước phải chi sẽ rất lớn, Giám đốc Sở GDĐT cho rằng: Đây cũng là vấn đề về chính sách cán bộ. Trong điều kiện lương cơ bản còn hạn chế, chưa đảm bảo được cuộc sống thì việc bổ nhiệm vị thế xã hội thuận lợi làm việc và thu nhập có tăng thêm một chút. Tuy nhiên, thu nhập tăng hơn cũng đòi hỏi trình độ, chuyên môn, năng lực và trách nhiệm thực sự để làm những công việc quản lý. Để hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo sẽ rất cao và rất vất vả.
“Nhiều người cho rằng nhiều lãnh đạo thì làm gì có chuyên viên để làm việc. Đây là những suy nghĩ không đúng bởi lãnh đạo cũng là một chuyên viên có phụ cấp chức vụ. Lãnh đạo vẫn phải làm việc, thậm chí phải làm với trách nhiệm và yêu cầu cao hơn”, ông Quân nói.
Việc bổ nhiệm có hợp lí?
Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, việc thực hiện bổ nhiệm lãnh đạo tại Sở GDĐT tỉnh được thực hiện đúng quy trình, quy định của nhà nước, bởi mới chỉ có quy định về số lượng cấp phó tới cấp sở, chưa có quy định tới cấp phòng. Được biết, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đang làm rõ tất cả những vấn đề về việc bổ nhiệm trên.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, Ban Thi đua - Khen thưởng thuộc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cũng xảy ra chuyện “lạm phát” cán bộ lãnh đạo khi 9/12 công chức là lãnh đạo ban và chỉ có 3 chuyên viên.
Mặc dù, luật chỉ quy định về số lượng cấp phó tới cấp sở, chưa có quy định tới cấp phòng nhưng nếu cấp phòng toàn lãnh đạo thì liệu có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn và lãng phí ngân sách nhà nước? Đây có phải là bất cập trong cơ cấu tổ chức cần được sớm điều chỉnh?