Vĩnh Phúc dự kiến xây mới nhiều cầu vượt sông và ba tuyến đường sắt đô thị

Vĩnh Phúc dự kiến xây mới ba tuyến đường sắt đô thị và nhiều cầu bắc qua các sông.

Các nội dung trên được đề cập đến trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, với hệ thống đường sắt quốc gia, tỉnh sẽ tuân thủ theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, duy trì khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh;

Quy hoạch mới tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng mới với đoạn qua địa bàn tỉnh chạy song song với cao tốc Hà Nội – Lào Cai, chiều dài trên địa bàn tỉnh từ Phúc Yên đến Sông Lô khoảng 45 km. Đề xuất xây dựng 4 ga mới gồm: Ga Đức Bác, ga Lập Thạch (kết hợp ICD Lập Thạch), ga Tam Dương và ga Bình Xuyên; mở rộng quy mô ga Phúc Yên. 

Dự thảo bản đồ định hướng phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia qua Vĩnh Phúc:

  (Ảnh chụp từ dự thảo quy hoạch). 

Về đường sắt đô thị, Vĩnh Phúc dự kiến xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị nối các trung tâm chính của tỉnh, đi trên cao khu vực ngoài đô thị, đi ngầm trong khu vực nội đô.

Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 là tuyến Ga đầu mối Vĩnh Yên – Phúc Yên – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Tuyến dựa trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia cũ Hà Nội – Lào Cai nối từ ga đầu mối tại Vĩnh Yên qua TP Phúc Yên và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với chiều dài khoảng 37 km.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 là tuyến Ga đầu mối Vĩnh Yên – trung tâm TP Vĩnh Yên – Sơn Tây (Hà Nội). Tuyến đi song song với QL 2C nối từ ga đầu mối tại Vĩnh Yên, qua Vĩnh Tường và kết thúc tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với chiều dài khoảng 23 km. 

Tuyến đường sắt đô thị số 3 có ga đầu tại Tây Thiên đi theo đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối khu vực hồ Đại Lải và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Dự thảo bản đồ định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đô thị:

  (Ảnh chụp từ dự thảo quy hoạch). 

Dự thảo cũng đưa ra phương án phát triển hệ thống cầu vượt sông. Theo đó, tỉnh đề xuất xây dựng nhiều cầu mới như: Cầu Như Thụy, cầu Hải Lựu, cầu Vân Phúc (cầu Trung Hà) đã được thông qua chủ trương đầu tư và thực hiện từ năm 2023 đến 2026, cầu Bòn.

Dự thảo quy hoạch hệ thống cầu vượt sông tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc:

STT

Cầu

Kết nối

Quy Mô

Cầu vượt sông Lô

1

Cầu Vĩnh Phú (cầu Đức Bác), đường dẫn đầu cầu đến ĐT 306

Kết nối huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) và TP Việt Trì (Phú Thọ)

Cầu dài khoảng
700 m, rộng 16,5 m

2

Cầu Như Thụy

Dự kiến được xây dựng tại bến phà Then, hiện tại mức độ thông thương giữa 2 tỉnh qua bên phà là khá lớn. Trong giai đoạn trước măt cầu Như Thụy được xây dựng sẽ kết nối ĐT 306B (đường Yên Thạch - Then) khu vực xã Như Thụy, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với ĐT 323C khu vực xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Trong tương lai cầu Như Thụy cùng với ĐT 306B sẽ đảm bảo kết nối giao thông đối ngoại giữa đô thị trung tâm Lập Thạch, khu công nghiệp Sông Lô
với tỉnh Phú Thọ

Cầu dài khoảng 600 m, rộng 16,5 – 24 m

3

Cầu Hải Lựu và đường dẫn kết nối từ đê sông Lô đến đường Vành đai 5 tỉnh
Vĩnh phúc

Kết nối huyện Sông Lô với tỉnh Phú Thọ

 

Cầu vượt sông Hồng

4

Cầu Vân Phúc (cầu Trung Hà)

Kết nối huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và huyện Phúc Thọ (Hà Nội)

Cầu dài khoảng 1.200 m, rộng 16,5 – 24 m

Cầu vượt sông Phó Đáy

5

Cầu Bến Gạo mới

Kết nối 2 huyện Tam Dương và Lập Thạch

Cầu dài khoảng 200 m, rộng 12 - 24m

6

Cầu Chang

Cầu trên ĐT 302 kết nối 2 huyện Lập Thạch và Tam Đảo

Cầu dài khoảng 200 m, rộng 12 – 24 m

Cầu vượt sông khác

7

Cầu Bòn

Cầu vượt sông Bòn trên ĐT 302 kết nối xã Hương Sơn và thị trấn Gia Khánh (huyện Bình Xuyên)

Cầu dài khoảng 70 m, rộng 12 – 24 m

8

Cầu Khả Do

Cầu vượt sông Cà Lồ trên ĐT 301 thuộc phương Nam Viêm (TP Phúc Yên)

Cầu dài khoảng 70 m, rộng 12 – 24 m