CTCP Tập đoàn Vingroup mới đây chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.
Thông tin này gây bất ngờ cho giới đầu tư khi trước đó, lĩnh vực kinh doanh điện thoại của VinSmart đang trên đà tăng trưởng, đồng thời trong buổi tiếp xúc với nhà đầu tư mới đây, Vingroup còn lên kế hoạch đẩy mạnh thị phần điện thoại di động Vsmart tại thị trường trong nước.
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.
Vingroup thành lập CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart vào tháng 6/2018 với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Qua đó, tập đoàn này chính thức lấn sân sang lĩnh vực công nghệ thông qua hai thương hiệu thiết bị điện tử, điện thoại thông minh Vsmart và thương hiệu xe điện, ô tô VinFast. Tháng 12 cùng năm. Vingroup cho ra mắt điện thoại thông minh Vsmart đầu tiên được sản xuất tại nhà máy ở Cáy Hải, Hải Phòng.
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ BCTC Vingroup.
Chưa đầy 3 năm sau khi Vingroup bước chân vào mảng công nghệ, doanh thu từ lĩnh vực này liên tục tăng trưởng, từ 567 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng doanh thu năm 2018) lên 17.600 tỷ đồng, chiếm 16% tổng doanh thu năm 2020.
Dù chưa có con số chính thức về mức lãi lỗ của Vinsmart, tuy nhiên, bộ phận sản xuất của Vingroup bao gồm cả VinFast cùng năm đã lỗ trước thuế gần 14.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2021, sản xuất cũng là một trong những bộ phận kinh doanh ghi nhận tăng trưởng cao của Vingroup cùng với bất động sản.
Doanh thu hoạt động này mang về cho tập đoàn tổng cộng 4.825 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Dù vậy báo cáo kết quả kinh doanh theo bộ phận của Vingroup cho biết mảng kinh doanh này vẫn lỗ trước thuế 4.814 tỷ.
Theo số liệu thị trường của GfK (công ty nghiên cứu dữ liệu thị trường lớn nhất tại Đức) công bố hồi tháng 11/2020, trong Top5 thương hiệu smartphone chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường Việt Nam thì Vsmart đã leo lên Top3 và chiếm 15,2% thị phần.
Trong năm 2020, doanh số bán điện thoại Vsmart đạt 2 triệu chiếc đạt 12,7% thị phần tại Việt Nam. Ngoài ra doanh nghiệp ghi nhận 1,3 triệu chiếc xuất khẩu theo hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Về phần vốn góp của Vingroup tại VinSmart, theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ Vingroup quý I, giá trị gốc khoản đầu tư của Vingroup vào VinSmart ước đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với đầu năm.
Vào tháng 2 trước đó, Vingroup chào bán 28,6 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu nhằm thu về 2.860 tỷ đồng. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, và CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart, trong đó 1.860 tỷ đồng nhằm tăng vốn cho VinSmart.
Bên cạnh vốn góp của Vingroup, VinSmart cũng huy động 3.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong năm 2020. Tất cả trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm.
Lý giải về việc dừng sản xuất điện thoại thông minh dù trên đà phát triển, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup cho rằng thị trường sản phẩm điện thoại và ti vi hiện đã có nhiều nhà sản xuất tham gia nên cơ bản không còn sự đột phá.
Quyết định này không còn quá bất ngờ bởi Vingroup nổi tiếng với những thương vụ cắt lỗ rất quyết liệt trước đây.
Trước đó, Vingroup từng cho đóng cửa trang thương mại điện tử Adayroi và giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro. Doanh nghiệp tiếp đó nhượng lại Vincomerce và VinEco cho Tập đoàn Masan, sau đó rút hẳn khỏi mảng bán lẻ thông qua bán lại toàn bộ cổ phần The CrownX.
Tương tự, Vingroup cũng cho thấy động thái rút hoàn toàn khỏi các lĩnh vực hàng không (Vinpearl Air), chứng khoán (VincomSC).
Mặc dù dừng kinh doanh điện thoại và ti vi, song công ty cho biết sẽ dồn lực cùng VinFast để phát triển những chiếc ô tô thông minh, đồng thời đẩy mạnh cùng Vinhomes phát triển các đô thị thông minh.
Đáng lưu ý, chia sẻ từ ông Nguyễn Việt Quang: "VinSmart cũng đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái công nghệ toàn diện với ba mảng sản phẩm cốt lõi gồm Smart city (Thành phố thông minh), Smart home (Nhà thông minh) và Smart Services (Dịch vụ số)".
Theo báo cáo thường niên 2020, CTCP Vinhomes đang có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào an ninh, vận hành, cộng đồng, căn hộ tại các đại dự án phức hợp với mục tiêu hướng đến các khu đô thị ngang tầm các thành phố hiện đại trên thế giới.
Dự án Vinhomes Smart City. (Ảnh: Vinhomes).
Thực tế, VinSmart đã triển khai giải pháp thành phố thông minh tại ba đại đô thị Vinhomes trong năm 2020, gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội) và Vinhomes Grand Park (TP HCM).
Vingroup cho biết đây là mô hình khu đô thị thông minh quy mô nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Toàn bộ hệ thống phần mềm, phần cứng, đường truyền trong các Đại đô thị đều do VinSmart phụ trách làm tổng thầu.
Các sản phẩm và hệ thống tính năng của giải pháp thành phố thông minh được áp dụng có công nghệ nhận diện khuôn mặt kiểm soát ra vào thông minh, phân tầng thang máy và liên lạc nội bộ thông minh, camera phát hiện hành vi, camera nhiệt hay camera giám sát giao thông thông minh.
Viện Nghiên cứu IoT thuộc VinSmart đã đưa ra thị trường 22 thiết bị thông minh, đồng thời đã triển khai và nghiệm thu thành công 12 phân hệ thông minh của giải pháp thành phố thông minh tại ba đại đô thị Vinhomes.
VinSmart hướng đến hoàn thiện giải pháp thành phố thông minh để mở rộng đến các đối tượng khách hàng khác và sang các ứng dụng nâng cao hơn.
Đầu tháng 4 vừa qua, Vingroup ra mắt tòa nhà văn phòng Techno Park Tower (thuộc dự án Vinhomes Ocean Park) mà theo Vingroup khẳng định sở hữu những tính năng hiện đại vượt trội. Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển Techno Park vào Top 10 tòa nhà văn phòng thông minh nhất thế giới.
Tòa nhà Techno Park trong dự án Vinhomes Ocean Park. (Ảnh: Vinhomes).
Thông tin từ Vinhomes, Techno Park được vận hành thông minh thông qua 5 trụ cột gồm Quản lý, vận hành thông minh – An ninh thông minh – Đỗ xe thông minh – Văn phòng thông minh - Ứng dụng thông minh.
Cụ thể, Techno Park được điều khiển từ trung tâm điều hành thông qua hệ thống điều khiển BMS thông minh, cho phép người dùng không cần đến từng vị trí để thay đổi, điều chỉnh các thiết bị như điện, nước, hệ thống điều hòa, cấp gió…
Tòa nhà ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp kiểm soát an ninh và đỗ xe, quản lý ra vào, sử dụng ứng dụng thông minh để điều khiển điều hòa, đặt phòng họp, đặt xe buýt, đặt đồ ăn trưa, lựa chọn bãi đỗ xe… từ thiết bị cá nhân.
Mặt khác, hệ thống hút khí độc, cấp gió tươi, điều hòa không khí của tòa nhà văn phòng cũng được tự động vận hành, điều chỉnh thông qua các tín hiệu cảm biến chất lượng không khí gửi về trung tâm điều khiển.