Bộ phận nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam đầu năm 2020, trong đó, lưu ý nhiều về các dự báo thị trường chứng khoán, lãi suất, tỉ giá trong năm nay, khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp.
SSI cho rằng dịch bệnh đã làm đảo lộn mọi dự báo về thị trường chứng khoán trong nước, tác động đến mặt bằng lãi suất, tỉ giá trong thời gian tới.
Theo SSI, nếu như trước kì nghỉ Tết Nguyên đán, chứng khoán Việt Nam khá tích cực với chỉ số tích luỹ đi lên, thì sau Tết lại giảm điểm mạnh, lấy đi toàn bộ giá trị tích luỹ của cả năm trước do dịch bệnh.
Cụ thể, trước kì nghỉ Tết, các nhân tố hỗ trợ cho VN-Index tăng điểm gồm thông tin tích cực của nhóm ngân hàng, khối ngoại và kết quả kinh doanh quý IV/2019. Khối ngoại chuyển từ chuyển trạng thái bán ròng hơn 5 tháng sang mua ròng trên sàn HoSE, giá trị mua ròng là 2.100 tỉ đồng.
Nhưng sau Tết, chỉ số giảm mạnh do dịch Covid-19 và hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
"Diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể khiến thời gian phong tỏa ở Trung Quốc kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Các dự báo đều bị đảo lộn, thị trường chứng khoán quý I rơi vào trầm lắng, ảnh hưởng đến cả năm 2020", SSI đánh giá.
Theo SSI, nếu không có virus corona, chứng khoán quý I/2020 rất có thể đã khởi sắc nhờ thỏa thuận Mỹ - Trung và dòng vốn nước ngoài.
Cho đến giữa tháng 1/2020, các nhà quản lí quỹ trên toàn cầu vẫn tỏ ra lạc quan, với tỉ trọng đầu tư cổ phiếu trong danh mục đạt mức cao nhất 17 tháng. Dòng vốn vào các thị trường mới nổi liên tục tăng, và cùng với đó là đà mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên xu hướng dòng vốn trên toàn cầu bắt đầu đảo chiều cuối tháng 1, vì dịch bệnh, khiến các nhà quản lí quỹ phải thay đổi chiến lược, dự báo tăng trưởng của các nước Đông Á bị giảm mạnh.
Triển vọng thu hút vốn nước ngoài cho thị trường chứng khoán trong tháng 2 và kể cả các tháng tiếp theo của Việt Nam vì vậy đã giảm xuống mức thấp.
Nếu khống chế dịch bệnh ngay trong tháng 2, cùng với đó sức cầu tiêu dùng và chuỗi sản xuất ít bị ảnh hưởng, sẽ mang lại diễn biến khả quan hơn cho thị trường.
SSI nhận định hiện có 2 diễn biến mà các nhà đầu tư có thể trông đợi.
Thứ nhất là làn sóng kích thích kinh tế, hạ lãi suất tại hàng loạt các quốc gia. Ở Việt Nam, đó là tích cực giải ngân đầu tư công và hạ lãi suất cho vay. Dịch bệnh sẽ là một động lực rất lớn để gia tăng quyết tâm tái cơ cấu, từ đó mang lại sức bật mạnh cho kinh tế Việt Nam cả ngắn hạn cũng như dài hạn.
Thứ hai là kết quả xếp hạng thị trường, với một khả năng nhất định Việt Nam được FTSE cân nhắc nâng hạng.
Trong Báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research công bố tháng 1, dự báo tình hình tỉ giá USD/VND trong thời gian tới sẽ có biến động, nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo SSI, tỉ giá USD/VND trong tháng 1 gần như đi ngang quanh mức chốt năm 2019, nguồn cung ngoại tệ rất dồi dào, và Ngân hàng Nhà nước vẫn liên tục mua vào ngoại tệ trong những tuần trước Tết.
Tuy nhiên, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, chịu áp lực từ thị trường quốc tế, tỉ giá USD/VND tăng trên cả ngân hàng và tự do.
Chốt tháng 1, tỉ giá giao dịch trên ngân hàng là 23.100/23.270 đồng, tăng 20 và 40 đồng/USD; tỉ giá tự do là 23.200/23.300 đồng, tăng 30 và 120 đồng/USD so với cuối năm 2019.
Tỉ giá trung tâm tăng thêm 39 đồng/USD, lên mức đỉnh mới là 23.196 đồng/USD trong khi tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước vẫn được giữ nguyên ở mức 23.175 đồng/USD.
"Chênh lệch tỉ giá mua vào và bán ra nới rộng, hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cho thấy tâm lí thận trọng trước rủi ro tỉ giá đang tăng", SSI nhận định.
Đồng thời, SSI cũng cho rằng năm nay, thương mại và du lịch giảm sút có thể khiến nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối đã tích lũy được trong các năm qua, bộ đệm để ứng phó với các biến động tỉ giá là khá vững.
"Tỉ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ có biến động, nhưng mức tăng không nhiều, xoay quanh mức 23.175 đồng/USD - tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước và vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh", SSI dự báo.
Bộ phận nghiên cứu của SSI cũng dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh giảm, nhất là thời điểm nửa cuối năm, khi dịch bệnh lắng xuống.
Theo SSI, trong nửa đầu tháng 1, thị trường mở không phát sinh giao dịch, tiền đồng vẫn liên tục được bơm ra qua giao dịch mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Thanh khoản trên liên ngân hàng ở mức cao và lãi suất giảm, có thời điểm xuống dưới 1%/năm với kì hạn qua đêm. Chênh lệch lãi suất VND/USD thu hẹp liên tục và chuyển sang âm.
So với năm 2019, việc bơm tiền đồng thông qua giao dịch mua ngoại tệ sẽ có phần hạn chế hơn do nguồn cung ngoại tệ khó tăng. Dòng tiền Kho bạc Nhà nước cũng có thể thu hẹp, khi tốc độ giải ngân đầu tư công 2020 tăng tốc.
Thông qua công cụ tài khóa này, lượng tiền trong lưu thông cũng sẽ tăng lên, và gia tăng nguồn huy động cho các ngân hàng thương mại, từ đó hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất theo định hướng đề ra.
SSI cho rằng đây là trong kịch bản tích cực.
Từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, cũng như có các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay, để giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế do ảnh hưởng của virus corona.
Và hiện đã có một loạt các ngân hàng công bố chính sách hỗ trợ cụ thể cho các đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay 1-1,5%/năm.
"Dịch bệnh này có thế khiến lãi suất huy động và cho vay khó giảm hơn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãi suất vẫn có khả năng giảm. Rõ nhất là ở nửa cuối năm, khi dịch bệnh lắng xuống và giải ngân đầu tư công có kết quả tốt", SSI dự báo.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020