Bắt đầu miễn, giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước đề nghị áp dụng miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trước đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng cũng áp dụng miễn, giảm phí này.

Miễn phí giao dịch thanh toán trực truyến dịch vụ công

Theo văn bản áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm nay (13/2), Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến dịch vụ công, dự kiến áp dụng đến hết năm nay.

Ngân hàng Nhà nước và loạt nhà băng giảm, miễn phí chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt phòng corona - Ảnh 1.

NAPAS miễn, giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ngoài ra, NAPAS cũng giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng xuống còn 500 đồng mỗi giao dịch.

Dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020.

Ngoài ra, tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với chương trình miễn, giảm phí trên của NAPAS.

Cụ thể, miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ. Thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1.300 đồng/giao dịch). 

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS, nhằm hỗ trợ thị trường.

Ngân hàng đồng loạt giảm, miễn phí thanh toán không tiền mặt phòng lay lan virus corona

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một loạt ngân hàng đã áp dụng chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, để phòng chống virus corona.

Cụ thể, BIDV cho biết sẽ hoàn 100% phí giao dịch trên ứng dụng và kênh thanh toán trực tuyến cho các khách hàng mới đăng kí dịch vụ đến hết tháng 4. Ngân hàng dự kiến dành khoảng 2,46 tỉ đồng cho việc hoàn phí này. 

Ngân hàng Nhà nước và loạt nhà băng giảm, miễn phí chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt phòng corona - Ảnh 2.

Các ngân hàng khuyến cáo thanh toán không dùng tiền mặt để phòng lay lan virus corona. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ngoài ra, nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền tiết kiệm online thay vì mang trực tiếp ra quầy, BIDV quyết định cộng thêm 0,2%/năm lãi suất với tất cả các kì hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy. 

BIDV khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách không thu bất kì khoản phí đăng kí hay duy trì dịch vụ nào trên hai kênh này.

Nam Á, ABBank cũng khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm ngân hàng điện tử, chuyển sang giao dịch online mà không phải đến ngân hàng, nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

HDBank lại đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thiết bị, vật tư y tế, trong lúc nhu cầu về các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn tăng cao do dịch bệnh. Cụ thể, ngân hàng sẽ miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị vật tư y tế. 

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng được giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa, giảm một nửa phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành.

Ngân hàng nhập cuộc giảm lãi vay

Cũng trong hôm nay, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) chính thức áp dụng giảm từ 5-20% phí tra cứu thông tin tín dụng, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, từ nay đến hết tháng 4/2020, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam giảm theo bậc thang từ 5-20% phí dịch vụ thông tin tín dụng theo từng ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng, theo nguyên tắc mức khai thác tra cứu thông tin càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn.

Ngân hàng Nhà nước và loạt nhà băng giảm, miễn phí chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt phòng corona - Ảnh 3.

Các ngân hàng đã vào cuộc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh: Phúc Minh).

Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam cho biết quyết định này nhằm giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí hoạt động, có thêm điều kiện để hạ lãi suất, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của người dân và doanh nghiệp.

Hiện một loạt ngân hàng cũng đã thông báo cụ thể mức hỗ trợ cho vay với doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Danh sách này gồm Vietcombank, TPBank, VPBank, Eximbank, Kienglongbank, ABBank và dự kiến sẽ còn nối dài khi các ngân hàng còn đang rà soát trước khi ra quyết định chính thức.

Cụ thể, từ nay đến ngày 30/2, Vietcombank sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn. Ngân hàng quyết định giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, như giảm 1%/năm đối với dư nợ vay tiền đồng ngắn hạn. Giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay tiền đồng trung dài hạn.

Với dư nợ vay bằng USD, Vietcombank sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm đối với vay ngắn hạn và giảm 0,75%/năm đối với vay trung dài hạn. Nhà băng cam kết cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với tiền đồng; giảm 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực đáp ứng điều kiện vay.

Trong khi đó, TPBank và VPBank giảm lãi suất vay từ 1-1,5% so với biểu lãi suất hiện hành, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hai ngân hàng Kienlongbank và ABBank cũng có quyết định giảm lãi suất vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng về mức còn 3%/năm. 

Cụ thể, Kienlongbank giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại cây ăn trái như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng.

ABBank đưa ra ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3%/năm với cho vay trung dài hạn.